Những bài học "hậu Hương Bình"

Vụ việc sát nhập ở xã Hương Bình (Hà Tĩnh) coi như đã khép lại khi tính đến ngày 25/12 gần 100% học sinh đi học trở lại. Tuy nhiên, với lãnh đạo ngành giáo dục, có nhiều điều cần nhìn lại.

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định xu hướng các trường quá nhỏ sát nhập vào là cần thiết để nâng cao chất lượng. Nhưng giữa việc học sinh đi học và nâng cao chất lượng thì cần ưu tiên chuyện đi học của học sinh.


Những bài học hậu Hương Bình
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển; "Sát nhập mà vẫn để điểm trường thì mới giải quyết giảm được về hành chính, nhân sự chứ chưa phải giảm đầu tư về cơ sở vật chất". Ảnh: Văn Chung

Ở những nơi vùng sâu vùng xa, một điểm trường chỉ có vài ba lớp học đã được duy trì. Vậy tại sao, với ngần đó học sinh, lại không duy trì điểm trường cho Hương Bình?

- Tôi chỉ có thể nói rằng duy trì điểm trường cũng là một giải pháp. Nhưng rõ ràng ở điểm trường, chất lượng khó được như trường chính. Mặt khác, khi sát nhập mà vẫn để điểm trường thì mới giải quyết giảm được về hành chính, nhân sự chứ chưa phải giảm đầu tư về cơ sở vật chất.

Phải tuỳ từng địa phương mà cân nhắc để điểm trường hay không.

Vậy còn các giải pháp khác tại sao đã không được áp dụng cho Hương Bình, như mô hình trường liên cấp, hay để một thời gian quá độ, vừa duy trì điểm trường ở Hương Bình, vừa nâng cao chất lượng trường chính?

- Đây là việc được phân cấp cho địa phương và địa phương chịu trách nhiệm thực hiện.

Trường liên cấp cũng là một cách, nhưng có cái khó. Thực ra, việc sát nhập tiểu học và THCS đã có từ những năm 80. Trong quá trình đó, đã thực hiện sát nhập, rồi lại hàng loạt trường tách ra. Lý do chủ yếu là năng lực quản lý của hiệu trưởng chưa đạt yêu cầu đối với mô hình trường liên cấp.

Sẽ không để học sinh lưu ban

Học sinh Hương Bình có bị lưu ban trong năm học này không, thưa ông, khi chiếu theo quy chế các em đã nghỉ học quá thời gian cho phép?

- Các em sẽ được xét lên lớp bình thường.

Theo quy định hiện nay, ngay cả những trường lớp bình thường đã có thể dàn xếp thời gian dạy học sớm - muộn phù hợp với tình hình thực tế; đã nhiều năm qua Bộ không còn quy định kế hoạch thời gian chi tiết như trước kia.

Hà Tĩnh lại là trường hợp đặc biệt, nên dàn xếp thời gian học là chuyện tất nhiên.

Bộ GD-ĐT cùng với UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Sở GD-ĐT bằng mọi cách phải dạy bù cho học sinh, nhưng không dồn ép quá về thời gian, các em không phải nộp tiền do học thêm buổi.

Hà Tĩnh đã có phương án mỗi tuần dạy 8, 9 buổi, dạy sang cả tháng 6/2015, và sẽ kết thúc được chương trình cho tất cả các em học sinh đi học muộn.

Người dân thực ra luôn mong và biết điều tốt nhất cho con mình. Nếu người dân đã phản đối, và như ông khẳng định chủ trương sát nhập là đúng, nghĩa là tổ chức thực hiện có vấn đề?

- Đúng vậy. Chủ trương sát nhập là đúng, nhưng thực hiện rõ ràng có vấn đề.

"Dù chủ trương chỉ đạo đúng rồi mà dân vẫn không nghe thì địa phương phải xem lại công tác quản lý, điều hành của mình".

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

Dù chủ trương chỉ đạo đúng rồi mà dân vẫn không nghe thì địa phương phải xem lại công tác quản lý, điều hành của mình.

Người dân luôn hướng tới điều tốt nhất cho con em họ, nhưng chưa hẳn ai cũng đã hiểu hết chuyện.

Mình nói sát nhập là hay, nhưng lâu nay con họ học ở đó, vẫn lên lớp đều đặn hàng năm- người ta có thể nghĩ như vậy nên không đồng tình với chủ trương của mình.

Vì vậy, bây giờ muốn dồn trường cho có chất lượng thì phải giải thích rõ những hạn chế của những trường học có quy mô quá nhỏ; những tiến bộ về chất lượng giáo dục toàn diện trước mắt cũng như lâu dài, những hiệu quả trong tiết kiệm đầu tư khi sát nhập trường; kể cả việc sẽ giải quyết như thế nào với trường lớp, cơ sở vật chất cũ, những trách nhiệm tiếp theo của chính quyền, của dân sau khi sát nhập thành trường mới… cho dân hiểu và đồng tình với chủ trương của chính quyền.

Phải cân nhắc kỹ

Số lượng học sinh đang giảm dần, do đó các trường có quy mô nhỏ đang xuất hiện ngày càng nhiều. Ông có thể cho biết tới đây, những địa phương nào sẽ phải dồn trường nhiều?

- Bộ GD-ĐT chỉ nêu đây là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng, tiết kiệm đầu tư chứ không đặt mục tiêu về số lượng trường, về thời gian phải sát nhập.

Bây giờ tỉ lệ sinh giảm, trẻ em giảm, nhưng sẽ chỉ giảm đến mức độ nào đó rồi tăng trở lại với tỷ lệ tăng thấp hơn trước đây. Vì vậy, việc sắp xếp trường lớp phải dựa trên quy hoạch phát triển giáo dục trong quy hoạch phát triển chung của địa phương.

Địa phương cần phải dồn trường nhiều nhất, nếu theo số lượng học sinh, là miền núi, nhưng thuận lợi để dồn trường lại là đồng bằng.

Nói chung, nếu trường có quy mô quá nhỏ thì nên dồn lại. Một số địa phương đã thực hiện dồn trường, nhưng rồi thấy khó thì chững lại. Do đó tôi thán phục Hà Tĩnh ở chỗ họ có quy hoạch của cả tỉnh và quyết tâm, kiên trì thực hiện từ cả chục năm nay.

Địa phương báo cáo rằng Hương Bình là điểm cuối cùng trong quy hoạch, làm xong là họ hoàn thành quy hoạch mạng lưới trường THCS của cả tỉnh.

Có thể nhìn nhận trước mắt Hà Tĩnh còn chưa thật ổn ở Hương Bình và đâu đó nữa, nhưng lâu dài sẽ tốt trên phạm vi toàn tỉnh.

Từ vụ Hương Bình, Bộ GD-ĐT rút ra điều gì về công tác chỉ đạo?

- Từ Hương Bình và nhiều địa phương khác, thì nói chung hướng sát nhập khi trường quá nhỏ là việc vẫn nên làm. Còn sát nhập như thế nào phải cân nhắc cụ thể các yếu tố khoảng cách, các điều kiện về giao thông, trường sở, truyền thống địa phương...

Sát nhập liên cấp hay liên xã cũng phải cân nhắc kỹ. Theo tôi, sát nhập liên xã vẫn tốt hơn, vì sẽ đầu tư tốt hơn, tập trung, tiết kiệm hơn và công tác quản lý chỉ đạo chuyên môn đơn giản hơn. Nhưng điều này cũng không bắt buộc phải theo.

Và quan trọng nữa là công tác vận động, giải thích phải làm hết sức chu đáo, để cho dân hiểu được việc sát nhập hay không sát nhập đều vì quyền lợi của học sinh: Quyền lợi đi học là thứ nhất, quyền lợi đi học có chất lượng cao là thứ hai.

Cũng có thể cần những bước quá độ với những chỗ nào đó, không nhất thiết phải đạt được mục tiêu cuối cùng ngay lập tức. Làm gì cũng phải đảm bảo tính tự nguyện của người dân, và tự nguyện một cách thật sự.

Dân chưa thông thì không nên vội.

Dân cho con đi học nhưng nếu không thật sự thoải mái thì sau đó họ có thể giảm nhiệt tình tham gia vào quá trình giáo dục, giảm sự ủng hộ những công việc của nhà trường, thì chất lượng giáo dục cũng không lên, không bền vững.

Lãnh đạo, quản lý là việc khó vì cần xác định mục tiêu, cách làm và các bước đi cho đúng, phải thông minh trong tổ chức thực hiện.

Xin cảm ơn ông!

Chi Mai thực hiện

Theo báo Vietnamnet