"Nhốt" con ở nhà mùa dịch: Miệng cười tươi, lòng hơn lửa đốt!
(Dân trí) - Sau những đợt dịch dồn dập, có nhiều cô chú ở trong khu trọ thất nghiệp, không có việc làm. Vậy nên, cu Bill không đòi mẹ ở nhà, chỉ luôn dặn: "Mẹ nhớ về sớm nghen!".
7h45 sáng, sau vài lời dặn dò, kèm câu "Mẹ yêu Bill", chị Bùi Thị Tình tạm biệt con rồi rời khu phòng trọ ở Vườn Ngân, Phường Bình An, TP Thủ Đức đến công ty ở Bình Thạnh.
"Hôm nay, em không phải đi học. Em ở nhà chơi, mẹ đi làm. Buổi sáng, mẹ mua cơm tấm thịt sườn cho em ăn. Mẹ còn mua quả thanh long màu đỏ. Buổi trưa, mẹ từ công ty chạy xe về nhà. Mẹ tắm mát cho em. Em ăn cơm xong, mẹ bảo em đi ngủ. Buổi chiều, em chơi cùng chị Rita, em Trang, em Nhím, anh Hưng. Em rất nhớ mẹ".
Đó dòng nhật ký ngày 12/5 trong nét chữ nguệch ngoạc của Bill, con trai chị Tình khi em ở nhà một mình để mẹ đi làm.
Bill đang là học sinh lớp 1 tại một trường tiểu học gần nhà. Có thể nói, "thời gian biểu" của Bill cũng tương tự hơn 1,7 triệu học sinh ở TPHCM hiện nay. Kể từ ngày 10/5, Bill phải nghỉ học ở nhà vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Từ khi trường học đóng cửa, chị Tình quyết định để con ở nhà một mình cho mẹ đi làm. Đó là lựa chọn cuối cùng của họ khi không còn phương án nào khả dĩ hơn.
Chị nói với con về dịch bệnh, về lý do trường học đóng cửa, về nhiều em bé phải đến khu cách ly, về sự cần thiết của giãn cách, hạn chế tiếp xúc, về việc làm, về thất nghiệp... như một sự chuẩn bị về tâm lý.
Mẹ may mắn là còn có việc để làm. Thấy nhiều cô chú trong khu trọ thất nghiệp, không có việc làm, Bill không dám đòi mẹ, chấp nhận ở nhà một mình.
Chị gắn chốt an toàn mọi ổ cắm điện, cất các dây cắm điện lưu động, gác cao những đồ đạc có thể gây nguy hiểm cho con, khóa gas, khóa nguồn nước, chỉ để sẵn một chậu nước cho con đủ dùng.
Chị bày sách khắp nhà như một cách để giữ chân con. Biết con thích viết chữ, chị chuẩn bị rất nhiều bài vở cho con viết. Chị để thêm mấy tờ báo Nhi Đồng, để con chán viết bài thì... tiếp tục chép thơ.
Ngoài ra, chị cũng không quên để một ít bánh trái, hoa quả cho con có thể ăn hoặc chia cho bạn bè trong xóm trọ. Những ngày đầu, chị khóa con trong phòng trọ. Vài hôm sau, chị quyết định "thả cửa" để con có thể chơi đùa với các anh chị, em út trong xóm trọ. Ở khu trọ này, nhiều người cũng như chị, để con ở nhà một mình hoặc đứa nhỏ trông đứa nhỏ hơn.
Mới đây, chị Tình mua cho con một cái radio nhỏ thu nhạc, truyện kể giáo dục, tiếng Anh, khi con thích thì bật mở nghe để có thêm hoạt động, khi "giữ chân con" ở nhà.
12h trưa, kéo ga của chiếc xe máy sao cho "phi" nhanh nhất có thể, chị vượt hơn 15 cây số từ công ty về nhà trọ. Chị về để lo cho con ăn, tắm giặt cho con, rồi lại tất tả quay lại công ty làm ca chiều. Có bữa, người mẹ nôn nao về gặp con vì lo con ở nhà một mình quá lâu, chị cứ "phi thẳng" từ công ty về nhà, về đến nơi mới nhớ chưa mua cơm, những bữa thế này thì mì gói là "cứu cánh" hiệu quả nhất cho hai mẹ con.
"Có trưa tôi chạy về gặp con xong thì trời mưa. Con trải gối ra nằm giữa nền nhà ngủ, còn nói với theo "Mẹ mặc áo mưa khỏi ướt và nhớ chạy xe cẩn thận" - người mẹ xúc động kể.
Mới hôm nọ, chiều tối chị về nhà, bọn trẻ chạy ùa ra ngõ kêu cô Tình ơi, không thấy Bill đâu. Tim chị muốn rớt khỏi lồng ngực, luống cuống dựng xe rồi chạy ào vào phòng, chị Tình thấy con đang ngồi chơi xếp giấy. Lúc này, chị mới đủ bình tịnh hít một hơi, rồi cười thật tươi, cố không để con thấy sự hoảng loạn, lo lắng ban nãy của mình.
Để con yên tâm, tự tin với việc ở nhà một mình thì trước hết, ít nhất mẹ cũng phải tỏ ra vững vàng. Có những lúc chị cười tươi vậy thôi, chứ lòng như lửa đốt. Lo tai nạn, lo con té, Bill còn hay bị chảy máu cam.
Hai tuần nay, chị toàn "ăn cắp" của công ty mỗi ngày 15 - 20 phút, về nhà sớm hơn với con, và "chưa thấy các sếp nhắc nhở gì", nên chị cũng "tự vấn an", chắc sếp cũng hiểu và thông cảm vì thời Covid-19 mọi thứ đều có thể thay đổi, "du di"... để mọi người có thể duy trì cuộc sống "bình thường mới" một cách tốt nhất cho từng hoàn cảnh.
Tối về, chị dành nhiều thời gian, trò chuyện với con nhiều hơn như thể bù đắp cho ban ngày thiếu thốn sự chăm sóc. Chị kể cho con nghe việc mẹ đi làm như thế nào, khuyến khích Bill kể về chuyện con làm những việc gì khi ở nhà một mình.
Hai mẹ con cùng nói lời cảm ơn về mọi thứ. Bill lần lượt cảm ơn cuốn sách đã làm bạn cùng con, cảm ơn quả bóng rổ chơi cùng con, cảm ơn cái máy kể chuyện con nghe.
Còn chị, chị cảm ơn con vì con là một chàng trai hiểu chuyện, rất dũng cảm khi ở nhà một mình, cùng mẹ vượt qua dịch thật tốt, cảm ơn vì mẹ còn khỏe mạnh, còn có việc để làm... Trước giờ đi ngủ, ngoài câu "Bill yêu mẹ!" con luôn nói câu: "Mẹ nhớ về đúng giờ nghen".
Trước giờ chị vẫn nghĩ, cảnh trẻ ở nhà một mình chỉ có trong phim Mỹ, không thể nào nghĩ điều này lại xảy ra ngay với đứa con 7 tuổi của mình cũng như với không ít trẻ khác.
Hai tuần qua, với gia đình chị Tình, việc con ở nhà một mình vẫn ổn. Nhưng khi trẻ không đến trường, ở nhà một mình, ít gặp gỡ, tương tác, ít hoạt động... thì ngoài nỗi lo lắng về sự an nguy của con, điều khiến không ít mẹ băn khoăn, đó là rất có thể, con phải đối diện với những ảnh hưởng về mặt tinh thần, tâm lý.
Dịch Covid-19 đã thay đổi cuộc sống của mọi người đến chóng mặt, ngay cả trẻ em sẽ phải đối diện với những xáo trộn "chưa từng có" hoặc "lần đầu thấy".
Vậy nên, theo chị Tình, ngoài kiến thức, nhà trường cần chú ý trang bị cho trẻ thêm nhiều kỹ năng hơn để thích nghi, tồn tại. Trong đó, cần có kỹ năng ở nhà một mình.
Theo cách này hay cách khác, dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động đến tất cả mọi người, mọi đối tượng. Từ phụ huynh, thầy cô giáo, nhân viên đến giám đốc, quản lý và cho đến từng đứa trẻ. Mỗi người phải tìm cách để thích nghi, để vượt qua thời điểm đầy thử thách này.