Nghệ An:
Nhóm lớp mầm non Thuận Chân IQ: Gia đình thứ hai của trẻ
(Dân trí) - Với tiêu chí “Trẻ ở lớp như ở nhà”, Nhóm lớp Mầm non Thuận Chân IQ đã giải quyết được “nỗi sợ” phải tới trường, tới lớp của hầu hết trẻ nhỏ, biến “nỗi sợ” đó thành sở thích của trẻ, đồng thời giúp hàng trăm giáo viên địa phương có việc làm đúng nghề, tâm huyết với môi trường giáo dục trẻ thơ. Đặc biệt là phụ huynh yên tâm làm việc không còn thấp thỏm với nạn “bạo hành”.
Nhóm lớp mầm non Thuận Chân IQ do cô Trần Thị Nga (SN 1985, trú tại xóm 6, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) làm chủ nhóm. Chức năng chủ yếu là đào tạo kỹ năng sống, khai thác tâm tư, tình cảm của trẻ em.
Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Kinh tế kế toán, cô thành lập một công ty kinh doanh hoạt động trên địa bàn thành phố Vinh. Cô quyết định chuyển hướng qua ngành sư phạm kể từ khi cậu con trai đầu gửi ở một cơ sở tư thục bị bạo hành. Nhìn con hoảng loạn tinh thần, cô xót xa, không sao cầm được nước mắt thương con trẻ dâng tràn. Ý chí trong người cô trỗi dậy: “Phải làm gì để các trẻ thơ được sống trong môi trường trong sáng nhất, lành mạnh nhất”.
Vậy là năm 2012, trong lúc Công ty đang pháp triển lên đến thời kỳ rực rỡ nhất, thịnh vượng nhất, tiền vô như nước, cô bỗng quyết định thôi chức Giám đốc và đi học lớp quản lý sư phạm rồi bán hết mọi gia tài ở thành phố Vinh, bế con về tại quê chồng ở xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu).
Chồng cô là một sỹ quan quân đội chuyên nghiệp, mải miết với nhiệm vụ có khi vài ba tháng mới về một lần. Anh tôn trọng mọi quyết định của cô, bởi anh hiểu rõ, vợ mình, người mà thời học sinh đã từng có một thời gian dài trầm cảm, đã từng nghĩ đến chuyện tự tử nay đang có một ý chí thật sắt đá.
Với suy nhĩ cần tìm ra một mô hình giáo dục dành cho lứa tuổi từ 12 tháng đến 4 tuổi, với tiêu chí: “Đào tạo kỹ năng sống, khai thác tâm tư tình cảm của bé, giúp bé biết yêu thương chia sẽ với gia đình bạn bè, lễ phép kính hiếu với người trên tuổi, với cha mẹ ông bà, biết tự làm các việc phục vụ bản thân, gắn việc học vào nụ cười trẻ thơ, tạo sự yên tâm tuyệt đối đối với cha mẹ bé, sống trong tình yêu thương bao bọc của bạn bè, của cộng đồng”.
Về cơ sở vật chất, trước hết cô chọn các điểm đặt trường phải đạt tiêu chí: Thoáng mát, rộng rãi, tránh xa nơi ồn ào, tránh quá sát đường lớn, nơi môi trường không bị ô nhiễm. Cách bài trí làm sao để bé không có tư tưởng nặng nề là “Phải đến lớp” mà là “Được đi chơi với bạn, được đến với cô”. Trong khuông viên phải có khu học hành, khu ăn uống, khu vui chơi, khu tắm rửa... tạo ra những cái gì mà trẻ yêu thích nhất, những cái chỉ ở đây mới có mà ở nhà không có. Loại hình hoạt động cũng được thay đổi liên tục, không tạo ra sự nhàm chán cho các cháu. Môi trường phải thật sự thân thiện, như mẹ con, như gia đình của cháu.
Sau khi hoàn thành dự án, chị mạnh dạn mang đến trình bày với Phòng giáp dục, chính quyền địa phương và nhận được sự ủng hộ quan tâm nhất và động viên cao của các ban ngành.
Với tư tưởng đặt lợi ích con trẻ lên trên hết, cô chỉ tính toán làm sao đủ trang trải, không tính đến lợi nhuận. Vì vậy, cô thông báo tuyển các giáo viên phải đạt tiêu chí: Trung cấp mầm non trở lên, người ở tại địa phương để thuận lợi việc đi lại và chăm sóc trẻ em.
Chế độ lương thưởng, bảo hiểm... đều thực hiện theo quy chế của ngàng giáo dục chính thống của nhà nước. Đặc biệt, số cháu trên cô phải cơ cấu thấp hơn chuẩn nhà nước quy định không tham lam nhận vượt quá để tạo điều kiện cho cô chăm sóc tốt nhất cho học sinh và tiêu chí đầu tiên phải là đạo đức, luôn coi bé như con của mình.
Một thái độ nóng nảy, một sự sơ ý gây ảnh hửởng cho con trẻ đều lập tức được cho thôi việc. Học phí cô cũng chỉ thu tùy lứa tuổi từ 350.000 đồng đến 600.000 đồng/tháng. Các cháu được chăm sóc 26 ngày/tháng, ngày ăn 2 bữa chính, 2 bữa phụ. Để tạo sự yên tâm cho phụ huynh, tất cả các điểm trường đều được đặt Camera quyét tổng thể, không có “góc khuất”, nối trực tiếp vào điện thoại thông minh của bố mẹ để bố mẹ dù ở đâu, ở bất cứ nơi nào, cũng có thể theo giõi được con mình và “Giám sát” được... các cô.
Để khai trương ý tưởng của mình, cô chọn thị xã Hoàng Mai, khu thị xã trẻ nhất tỉnh làm bước khởi điểm. Không ngờ, chỉ sau một năm khai trương, phụ huynh dẫn bé đến đăng ký quá tải buộc cô phải mở rộng thêm cơ sở 2 rồi cơ sở 3. Nhiều phụ huynh đề nghị tăng số lượng học sinh trên đầu cô để con họ “được nhận”. Nhưng cô kiên quyết giữ vững nguyên tắc của mình “Không vì lợi nhuận, chỉ vì trẻ thơ”.
Chỉ sau 4 năm, mô hình Nhóm lớp này đã được các cấp chính quyền địa phương đến tận nơi, tham quan, dự lớp, dự giờ và mở rộng vòng tay “rải thảm đỏ” tha thiết đề nghị được đón mô hình về địa phương mình.
Tính đến thời điểm hiện tại, mô hình này đã được triển khai từ thị xã Hoàng Mai, lan sang huyện Diễn Châu, lan về huyện Quỳnh Lưu ở các xã như: Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Minh, Quỳnh Hồng, Thị trấn Cầu Giát....
Trao đổi với chúng tôi, cô Trần Thị Nga bồi hồi, nước mắt cứ rấm rứt tâm sự: “Cuối cùng tâm nguyện, ước mong của tôi cũng thành hiện thực, tuy còn đó những khó khăn, nhưng nhất định tập thể Nhóm lớp mầm non Thuận Chân IQ của chúng tôi sẽ đồng lòng, đồng sức, miệt mài vì sự phát triển trẻ thơ, tất cả đều hướng về trẻ nhỏ, dậy dỗ, uốn nắn các bé bằng tình thương, sự nhiệt huyết để trẻ phát triển ban đầu 1 cách toàn diện nhất”.
Còn phụ huynh Huỳnh Thị Kim Ngân cho biết: “Vợ chồng chúng tôi đều làm cơ quan nhà nước, áp lực rất cao, đã đau đầu thay bao nhiều người giúp việc, đi 2, 3 mô hình nhưng đều không đạt. Từ khi gặp được Nhóm lớp này, chúng tôi thật sự yên tâm, đầu óc thoải mái. Vui và yên tâm nhất là cứ những ngày bố mẹ được nghỉ, giữ con ở nhà chơi cho vui nhưng con lại nằng nặc đòi đi học. Mẹ cho cơm mà cứ đòi cô Thúy đút, cô Thương đút. Đặc biệt, từ hôm cô Nga cho lắp đặt khu vui chơi thì mẹ đến đón còn không chịu về”.
Kim Cương - Nguyễn Duy