Nhọc nhằn giáo viên nơi ngôi trường bị “xóa sổ” sau lũ

(Dân trí) - Cơn lũ cuối tháng 8 vừa qua đã khiến bản làng nơi vùng cao của huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) tan hoang, trường lớp học bị bùn đất vùi lấp. Gần 3 tháng trôi qua, hàng trăm học sinh và giáo viên nơi đây vẫn đang phải đi học nhờ trong những căn phòng chật chội, ngột ngạt.

Vất vả giáo viên, học sinh đi dạy học nhờ

Những ngày giữa tháng 11, chúng tôi có dịp trở lại xã Trung Sơn, huyện miền núi Quan Hóa sau gần 3 tháng kể từ khi cơn lũ quét qua. Dấu tích của trận lũ lịch sử vẫn còn đó, ngôi trường Tiểu học Trung Sơn gần như bị xóa sổ, hơn 200 học sinh và giáo viên nhà trường không còn chỗ để dạy học.

Trường Tiểu học Trung Sơn bị bùn đất vùi lấp, xóa sổ.
Trường Tiểu học Trung Sơn bị bùn đất vùi lấp, "xóa sổ".

Dẫn chúng tôi trở lại ngôi trường cũ, chỉ tay về những dãy nhà đổ nát và tràn ngập bùn đất, thầy giáo Hắc Xuân Phúc, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Sơn, cho biết: Trận lũ lụt lịch sử vừa qua đã khiến dãy nhà 2 tầng kiên cố với 11 phòng học của nhà trường bị đổ sập, hư hỏng hoàn toàn, không thể sử dụng được. Bên cạnh đó, các phòng chức năng, phòng ở của giáo viên cũng bị bùn đất vùi lấp.

Nhìn ngôi trường cũ xác xơ sau lũ, thầy Phúc nghẹn ngào: Trường bị lũ vùi lấp vào đúng thời điểm trước ngày khai giảng năm học mới khiến nhà trường trở tay không kịp. Nhiều đồ dùng dạy học cũng như sách vở, giáo án của giáo viên đã bị bùn đất nhấn chìm, cuốn trôi.

Những căn phòng mượn tạm cho hàng trăm học sinh có chỗ học.
Những căn phòng mượn tạm cho hàng trăm học sinh có chỗ học.

Để kịp tổ chức ngày tựu trường cho các em học sinh theo kế hoạch chung của cả nước, nhà trường đã huy động giáo viên quay trở lại trường cũ, nhặt nhạnh tất cả những gì còn sử dụng được, chùi rửa sạch sẽ để đưa lên khu cao hơn…

Trường sập, lớp học bị vùi lấp, ngay sau lễ khai giảng năm học mới, nhà trường đã phối hợp với Phòng GD&ĐT liên hệ mượn tạm nhà điều hành của Công ty 47 (thuộc Ban quản lý thủy điện Trung Sơn) làm phòng học tạm cho các em học sinh.

Tuy nhiên, nhà điều hành của Công ty 47 cũng chỉ đủ để tổ chức dạy học cho 8 lớp nhưng phải học 2 ca sáng - chiều; 3 lớp còn lại nhà trường chuyển sang khu lẻ bản Pó, cách điểm trường chính khoảng 5km.

Hơn 300 học sinh của trường Tiểu học Trung Sơn đang phải học trong điều kiện tạm bợ.
Hơn 300 học sinh của trường Tiểu học Trung Sơn đang phải học trong điều kiện tạm bợ.
Bàn ghế được kê sát vào nhau vì phòng quá chật.
Bàn ghế được kê sát vào nhau vì phòng quá chật.

Không còn trường lớp, các thầy cô giáo và học sinh gặp muôn vàn khó khăn từ những ngày đầu năm học mới. Trong điều kiện phải dạy học trong những căn phòng tạm bợ, nhưng các thầy cô giáo nơi đây vẫn luôn miệt mài, nỗ lực từng ngày để sự học của các em học sinh không bị gián đoạn.

Nơi học tập của hàng trăm học sinh là những căn phòng lắp ghép trước đây là nơi ở của công nhân được tận dụng lại. Mỗi phòng chỉ rộng chừng 20m2, sau một thời gian bỏ hoang đã bong tróc, hoen gỉ nhiều. Hơn nữa, do được thiết kế bằng tôn, lắp ghép nên thầy và trò phải dạy và học trong môi trường nóng bức, ngột ngạt.

Trong điều kiện chật chội, để có không gian dạy học, các thầy cô giáo phải bố trí bàn ghế sát vào nhau, tận dụng tối đa diện tích để dạy học. Những bộ bàn ghế cũng được thầy cô gom lại từ đống đổ nát do bùn đất vùi lấp rồi sửa sang lại lấy chỗ cho các em ngồi học.

Vào những ngày nắng nóng, không khí trong phòng ngột ngạt, nóng bức.
Vào những ngày nắng nóng, không khí trong phòng ngột ngạt, nóng bức.

Thiếu phòng học, học sinh phải học hai ca/ngày nên nhà trường không có phòng để các thầy giáo tổ chức dạy kèm cho học sinh yếu, kém và bồi dưỡng cho học sinh khá, giỏi.

Cô giáo Vi Thị Huệ, cho biết: Do thiếu phòng học nên ngoài giờ lên lớp chính, thầy cô giáo thường tận dụng hành lang lớp học, hoặc những bóng mát quanh khu vực để tổ chức dạy phụ đạo thêm cho các em học sinh. Dù khó khăn, nhưng các thầy cô giáo vẫn phải cố gắng khắc phục để đảm bảo chất lượng dạy và học.

Gian nan cuộc sống nơi ở tạm

Không chỉ phòng học của học sinh mà phòng ở của giáo viên cũng chật chội. Những hôm trời nắng, giáo viên không thể ngủ trong phòng vì nóng nực mà phải vào nhà dân xin ở tạm.


Điều kiện sinh hoạt chật chội, thiếu thốn của giáo viên nhà trường.

Điều kiện sinh hoạt chật chội, thiếu thốn của giáo viên nhà trường.

Dẫn chúng tôi vào nơi sinh hoạt của giáo viên, đó là một căn phòng rộng chưa đầy 20m2 nhưng có đến 3 chiếc giường được kê sát nhau. Đó vừa là nơi nghỉ ngơi và soạn giáo án của giáo viên.

Cô Lê Thị San cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn nước sinh hoạt không có, nhiều khi giáo viên phải sử dụng nước sông để tắm giặt. Nước ăn, uống hàng ngày thì lọc qua máy nhưng vẫn đục và còn mùi bùn đất. Để đảm bảo vệ sinh, giáo viên phải mua nước lọc về ăn, uống, thậm chí dùng để tắm, gội nên rất tốn kém…

Nơi sinh hoạt cũng là nơi soạn giáo án của giáo viên.
Nơi sinh hoạt cũng là nơi soạn giáo án của giáo viên.

Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, sau lũ, việc vận động học sinh ra lớp cũng gặp muôn vàn khó khăn. Trường Tiểu học Trung Sơn có 314 học sinh, trong đó gần 100% là con em các hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Hàng năm, để vận động các em ra lớp, các thầy cô phải đến từng nhà động viên, thăm hỏi để nắm được tâm tư, nguyện vọng của các em. Đến nay, dù còn nhiều khó khăn nhưng 100% học sinh đến lớp đều đặn, không có tình trạng học sinh bỏ học. Chất lượng dạy và học được đảm bảo theo đúng chương trình của Bộ GD&ĐT.

Ngôi trường mới đang được gấp rút xây dựng.
Ngôi trường mới đang được gấp rút xây dựng.

Niềm động viên đối với thầy và trò trường Tiểu học Trung Sơn khi ngôi trường mới đã được triển khai xây dựng tại một khu đất cao ráo, thoáng đãng. Dự kiến, ngôi trường mới sẽ được đưa vào sử dụng vào đầu năm 2019.

Ông Ngô Phi Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa, cho biết: Trong điều kiện khó khăn sau lũ, Phòng đã chỉ đạo và phối hợp với nhà trường tìm địa điểm học tạm. Hiện nay, cơ bản đủ phòng cho học sinh học. Còn trường mới được xây dựng ở vị trí khác. Theo chỉ đạo của tỉnh là phải hoàn thành trước học kỳ 2 năm học này.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm