Nhìn lại những biến động với du học sinh tại Mỹ thời gian qua
(Dân trí) - Nhìn lại thời gian qua, các du học sinh tại Mỹ, trong đó có bạn trẻ Việt Nam đã trải qua thời gian nhiều biến động với sự xuất hiện của dịch Covid-19.
Hàng chục nghìn du học sinh chỉ học trực tuyến đối mặt nguy cơ phải rời Mỹ
Tháng 7/2020. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố bỏ quy định mới về thị thực có thể khiến hàng chục nghìn sinh viên nước ngoài bị trục xuất khỏi Mỹ nếu chỉ học trực tuyến.
Theo đó, động thái này có thể ảnh hưởng tới hàng chục nghìn du học sinh nước ngoài tới Mỹ để học đại học, tham gia các chương trình đào tạo hoặc các khóa nghiên cứu phi học thuật, cũng như các khóa học dạy nghề.
Các sinh viên nước ngoài đang học tập tại Mỹ sẽ phải rời khỏi nước này hoặc đối mặt với mối đe dọa bị trục xuất nếu trường mà họ theo học chuyển qua hình thức đào tạo trực tuyến.
ICE nêu rõ rằng: "Bộ Ngoại giao sẽ không cấp thị thực cho những sinh viên ở các trường cung cấp khóa học hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến cho học kỳ mùa thu và cơ quan hải quan, bảo vệ biên giới Mỹ cũng sẽ không cho phép các sinh viên này vào Mỹ".
ICE đề xuất rằng các du học sinh tại Mỹ cân nhắc các phương pháp khác như chuyển trường có hình thức đào tạo trực tiếp trên lớp. Có những ngoại lệ với các trường sử dụng hình thức kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và đào tạo trực tiếp trên lớp.
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các trường đại học trên khắp nước Mỹ đã đưa ra quyết định về việc có chuyển các khóa học trên lớp thành học trực tuyến hay không.
"Có rất nhiều thứ không chắc chắn. Nó thật sự gây bối rối. Nếu tôi phải trở về quê nhà ở Mexico, tôi sẽ quay lại được, nhưng nhiều sinh viên quốc tế thì không thể", Valeria Mendiola, 26 tuổi, sinh viên tại trường Kennedy thuộc Harvard cho biết.
Mỹ bất ngờ hủy quy định trục xuất sinh viên quốc tế học trực tuyến
Chính sách mới đưa ra gặp hàng loạt phản ứng gay gắt, chính quyền Mỹ đã quyết định rút quy định gây tranh cãi về thị thực của sinh viên quốc tế chỉ học trực tuyến.
Điều này khiến nhiều đại học bối rối khi họ vẫn đang lên kế hoạch cho kỳ học mùa thu, để cân bằng giữa nhu cầu muốn trở lại giảng đường và những lo ngại về số ca bệnh Covid-19 tăng vọt tại nhiều bang của Mỹ.
Đại học Havard, trường có kế hoạch chuyển toàn bộ các lớp học sang dạy trực tuyến vào năm 2021, cùng Học viện Kỹ thuật Massachusetts đã nộp đơn kiện chính phủ vì quy định mới trên.
Cụ thể, ngày 14/7/2020, chính quyền Mỹ đã đưa ra động thái bất ngờ trên sau khi vấp phải nhiều chỉ trích và áp lực từ các trường đại học, cũng như các doanh nghiệp lớn.
Họ cho hay, sẽ bỏ quy định trên, trong bối cảnh nhiều đại học đã có động thái pháp lý nhằm bày tỏ quan điểm phản đối.
Có hơn một triệu sinh viên quốc tế đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng ở Mỹ và đóng góp nhiều doanh thu cho các cơ sở giáo dục này.
Bảy trường Ivy League và hàng loạt ĐH Mỹ bỏ yêu cầu thi SAT
Năm 2020, bảy trường đại học thuộc khối Ivy League gồm Cornell, Brown, Columbia, Yale, Dartmouth, Pennsylvania, Harvard ra quyết định bỏ thi SAT trong kỳ tuyển sinh 2021-2022.
Đại học Cornell thông báo bỏ thi SAT đầu tiên, từ ngày 22/4/2020, sau đó lần lượt các trường. Chính sách không bắt buộc tham dự kỳ thi SAT của các đại học danh giá Ivy League được áp dụng trong năm học này (2021-2022). Một số học sinh sẽ vẫn bị yêu cầu nộp kết quả SAT để làm rõ tính cạnh tranh, đặc biệt là học sinh quốc tế.
Sở dĩ các đại học bỏ yêu cầu điểm SAT là tác động của Covid-19, trường học đóng cửa. The College Board, tổ chức quản lý kỳ thi SAT đầu vào đại học Mỹ, hủy kỳ thi SAT trong nhiều tháng.
Ngoài 7 trường khối Ivy League, nhiều trường đại học đã thông báo học sinh nhập học cho năm học 2021-2022 sẽ không phải nộp kết quả hai kỳ thi chuẩn hóa SAT và ACT, trong đó có nhiều trường top đầu như Williams, Caltech, hay chuỗi các trường thuộc hệ thống Đại học California.
Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận FairTest, 85 trong số 100 trường đại học Liberal Arts đứng đầu Mỹ, cũng sẽ không yêu cầu bắt buộc học sinh phải tham dự kỳ thi chuẩn hóa SAT.
Hiện, có hơn 1.000 trường cao đẳng và đại học trên khắp nước Mỹ không còn yêu cầu bài thi này.
Hiện phần lớn các trường đại học và cao đẳng áp dụng chính sách này như giải pháp tạm thời để hỗ trợ sinh viên trong đại dịch. Nhưng Bob Schaeffer, Giám đốc điều hành của FairTest tin rằng, đây là thời điểm có thể thuyết phục các trường áp dụng chính sách này vĩnh viễn.
"Từ kinh nghiệm của mình, chúng tôi nhận thấy rằng sau khi thử nghiệm thí điểm này, các trường sẽ không bao giờ quay lại phương án cũ nữa.
Với cách thức này, các trường sẽ nhận được nhiều ứng viên hơn và nhóm ứng viên sẽ đa dạng hơn. Về phía sinh viên, việc có cơ hội thể hiện nhiều hơn là một điểm rất hấp dẫn".
Tuy nhiên về phía ACT, Ed Colby, phát ngôn viên của tổ chức này lại cho rằng, điểm ACT sẽ cung cấp cho các trường đại học một thước đo chuẩn đối với học sinh đến từ các trường, tiểu bang và các nước khác trên thế giới. Sự công bằng này không phải công cụ nào cũng có thể có được.
Mỹ: Tổng thống Biden đề xuất kế hoạch tái mở cửa trường học
Ngày 26/1/2021, Chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden đã công bố về kế hoạch tái mở cửa trường học sau hơn 10 tháng phải đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Đây là một phần của kế hoạch tổng thể nhằm đối phó với đại dịch cũng như khôi phục lại nền kinh tế và hệ thống trường học trên toàn quốc.
Kế hoạch cũng nêu rõ mong muốn trước mắt sẽ tái mở cửa các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở trong vòng 100 ngày sắp tới, cũng như có thể đảm bảo hệ thống trường học được mở lại và duy trì một cách an toàn.
Ông Biden cũng đã kêu gọi Quốc hội hỗ trợ tối thiểu 130 tỷ USD dành riêng cho các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học, cũng như 350 tỷ USD từ các địa phương và liên bang nhằm ngăn ngừa việc cắt giảm nhân công và ngân sách do đại dịch.
Giới chuyên gia cho rằng thống đốc các bang sẽ tập trung khoản tiền đấy cho các trường học, khi mà các trường học đã cắt giảm đến khoảng 1 triệu nhân công trong trường.
Ngoài ra, Tổng thống Biden cũng đề xuất việc hoàn trả đầy đủ chi phí cần thiết cho các tiểu bang để có thể tái mở cửa trường học thông qua Quỹ Cứu trợ Thảm họa FEMA, cũng như để giúp các trường học có đủ điều kiện vật chất thể xét nghiệm và ứng phó với virus corona.
Dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Biden, các bộ ngành chính quyền, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Bộ Y Tế sẽ hợp tác, phối hợp để hướng dẫn chỉ đạo và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch. Lãnh đạo các trường học cũng sẽ được nhận sổ tay hướng dẫn về các biện pháp phòng ngừa, đối phó với dịch bệnh, cũng như tái mở cửa trường học an toàn.
Hiện tại, quá nửa số trẻ em Mỹ đang phải học trực tuyến hoặc chỉ đến trường hai hay ba ngày trong một tuần. Ngoài ra, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, như những học sinh gốc Phi hay Mỹ latinh thì không có đủ điều kiện vật chất, internet để có thể tham gia học trực tuyến.
Kế hoạch của ông Biden được giới lãnh đạo trong trường học cũng như các nhà giáo ủng hộ, những người đã đệ trình mong muốn được hỗ trợ đối phó với đại dịch nhưng đã bị chính quyền cựu tổng thống Donald Trump bỏ ngoài tai khi ông Trump và cựu bộ trưởng Bộ Giáo dục Betsy DeVos cho rằng đó không phải trách nhiệm của họ.
Đề xuất của chính quyền ông Biden sẽ nhận được sự đồng ý của cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa, khi cả hai đảng đều thừa nhận ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đến giáo dục.
Tuy vậy, sẽ có một số vấn đề có thể gây tranh cãi, khi kế hoạch này chỉ là một phần của gói kích thích lên đến 1,9 nghìn tỷ để đối phó với đại dịch cũng như tái khởi động nền kinh tế, sẽ không dễ để kêu gọi đủ sự ủng hộ.
Người phát ngôn của Nhà Trắng, bà Jen Psaki cũng thừa nhận sẽ cần một chi phí đáng kể nhưng cần thiết để hiện thực hóa kế hoạch sau khi tham khảo ý kiến từ các chuyên gia y tế và giáo dục.
Bà cũng tin tưởng là một chính khách có kinh nghiệm lâu năm, tổng thống Biden sẽ giải quyết được các vấn đề về thủ tục cũng như sự ủng hộ của cả hai đảng để thực hiện kế hoạch.
College Board ngừng tổ chức thi SAT II, bỏ phần viết luận trong SAT I
Ngày 21/1/2021, Tổ chức College Board thông báo ngừng tổ chức các bài kiểm tra SAT II các môn ở Mỹ ngay lập tức trong mùa xuân này, thí sinh sẽ được hoàn lại phí đăng ký đã đóng.
Theo đó, với nhiều thay đổi trong tuyển sinh gần đây và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, College Board thực hiện một số thay đổi để phù hợp hơn với tình hình thực tế.
College Board nhận thấy bài thi SAT II không còn cần thiết để học sinh thể hiện năng lực, trình độ của mình nữa vì mức độ phổ biến của bài thi Advanced Placement (AP) với phần lớn học sinh Mỹ. Với các học sinh quốc tế, bài thi SAT II cũng không còn nhiều tác dụng trong việc đánh giá thí sinh.
Bởi vậy, College Board sẽ ngừng tổ chức các bài kiểm tra SAT II các môn ở Mỹ ngay lập tức trong mùa xuân này. Các kì thi SAT II lẽ ra được tổ chức tại Mỹ sẽ bị hủy và thí sinh sẽ được hoàn lại phí đăng ký đã đóng.
Đối với thí sinh quốc tế, College Board sẽ tổ chức hai đợt thi cuối cùng vào tháng 5 và tháng 6 năm 2021. Nếu các thí sinh quốc tế đã đăng ký nhưng không muốn tham gia các bài thi SAT II nữa, có thể gọi cho bộ phận Dịch vụ Khách hàng để hủy đăng ký và được hoàn lại toàn bộ phí.