Nhìn lại một năm biến động, du học sinh Việt ấp ủ dự định năm "Trâu vàng"
(Dân trí) - Các du học sinh tiêu biểu tại Mỹ, Nhật Bản, Thụy Điển, Vương Quốc Bỉ cùng nhìn lại năm cũ đã qua của bản thân và chia sẻ dự định ấp ủ trong năm mới Tân Sửu.
Bác sĩ Phạm Thanh Tùng là giảng viên bộ môn Sinh lý học, Trường Đại học Y Hà Nội và Điều phối của Dự án Research Advancement Consortium in Health (REACH). Anh hiện đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, chuyên ngành dịch tễ và phòng chống ung thư, Trường Y tế Công cộng T.H.Chan, Đại học Harvard, Hoa Kỳ.
Bác sĩ Tùng cho hay, trong năm vừa qua do dịch Covid-19 tại Mỹ, trường Y tế Công cộng T.H.Chan, Đại học Harvard, Hoa Kỳ đã chuyển sang học online từ tháng 3 khi trường xuất hiện các ca dương tính đầu tiên. Tính đến nay thì gần tròn 1 năm học online rồi và hầu hết anh dành thời gian ở nhà.
"Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng khá nhiều đến học tập và công việc của mình. Một số dự án phải kéo dài hơn dự kiến. Cụ thể là dự án REACH của bọn mình có tài trợ và hướng dẫn 2 đề tài nghiên cứu tại Việt Nam từ đầu năm 2020. Tuy nhiên dịch bệnh là quá trình thu thập số liệu của cả 2 dự án kéo dài đến giữa năm 2021", chàng trai Việt tâm sự.
Năm mới đến, Thanh Tùng ấp ủ mong ước: "Trong năm mới thì có lẽ ước mong lớn nhất của du học sinh là sớm được trở lại thăm nhà khi mọi thứ trở lại bình thường và dịch Covid-19 được kiểm soát. Khi về Việt Nam thì kế hoạch của mình là triển khai một số workshop về nghiên cứu y học cùng với các thành viên của dự án REACH.
Hiện tại, bọn mình đang có kế hoạch sẽ tiếp tục tài trợ cho các nghiên cứu nhỏ của các nhà khoa học trẻ tại Việt Nam trong năm 2021. Tuy nhiên, bọn mình đang hoàn thành nốt việc hướng dẫn cho các dự án hiện tại và chờ cho dịch bệnh được kiểm soát trước khi xem xét các dự án mới".
Năm qua có lẽ là năm đáng nhớ nhất trong đời của Huyền Trang, nữ du học sinh Việt tại Đại học quốc tế Kansai, Nhật Bản, vì cùng thế giới trải qua dịch bệnh lịch sử.
Mọi kế hoạch cho năm mới như đi thực tập ở Hàn Quốc, đi du học trao đổi ở nước thứ 3 đã chuẩn bị xong xuôi đều phải dừng lại. Thậm chí các nơi đã nhận em vào thực tập kể cả nước sở tại cũng không thể tiếp nhận em vì tình hình kinh tế khó khăn của họ.
"Có những giai đoạn không biết làm thế nào nên ở lại hay về Việt Nam trước sức ép từ gia đình. Những ngày mẹ em ngày nào cũng khóc rồi gọi điện kiểm tra xem có đi ra ngoài không vì sợ em bị nhiễm Covid-19. Nhưng em nhận thấy là cho đến cuối cùng mình và gia đình, bạn bè vẫn còn khỏe mạnh là điều may mắn nhất trong năm qua", Trang chia sẻ.
Theo nữ du học sinh, dịch bệnh khiến em có thời gian để sống chậm lại, đọc thêm sách, nhận ra những giá trị tốt đẹp mà bấy lâu nay mình bỏ qua. Ví dụ như là tình yêu quê hương, trước đây thì em vẫn không biết cụ thể tình yêu nước là như thế nào.
Nhưng cho đến ngày nhìn thấy hình ảnh chụp lại cảnh các y bác sĩ và nhân viên khu cách ly nằm la liệt vì kiệt sức, nhìn thấy tinh thần tương thân tương ái của đồng bào trong lúc giãn cách toàn xã hội thì lúc nào cũng xúc động rơi nước mắt.
Em nghĩ rằng chính tại ương dịch bệnh khiến ta nhận ra những điều nhỏ bé tốt đẹp xung quanh chứ không ở đâu xa xôi. Là một sinh viên ngành Quản trị kinh doanh nên năm vừa qua cũng là một năm sinh viên như chúng em được học hỏi rất nhiều về sự linh động trong việc tạo ra chiến lược kinh doanh để thích nghi với những "bình thường mới".
Dự định trong năm mới của Huyền Trang là tiếp tục học tập và xin đi thực tập ở thật nhiều nơi, trong nhiều lĩnh vực của nước bạn. Nền kinh tế của Nhật Bản dự đoán là sẽ gặp khó khăn sau đại dịch và nếu không tổ chức được Olympic Tokyo nên em cũng muốn khởi động hành trình tìm việc và chọn ra công việc yêu thích của mình từ sớm để chuẩn bị tốt nhất cho tương lai.
Tốt nghiệp xuất sắc 2 bằng thạc sĩ tại Hà Lan và Pháp, Trần Đình Đức trở thành người quản trị chiến lược thương mại điện tử khu vực Đông Bắc Á (NEA, làm việc tại tập đoàn H&M ở Stockholm, Thụy Điển.
Với chàng trai Việt, những thách thức đó còn là cơ hội để cũng giúp anh trưởng thành hơn, phát triển nhiều hơn trong công việc. Đức có chuyến đi công tác 3 tháng ở Hàn Quốc để quản lý dự án của vùng và đã học được rất nhiều điều. Đó cũng là những tháng ngày 9X Việt có thể chứng tỏ được năng lực bản thân.
Vì vậy sau khi trở về, Đức vừa nhận được quyết định thăng chức quản lý ở quy mô toàn cầu để làm chiến lược cho tất cả các vùng. Đó là điều anh cảm thấy hạnh phúc nhất sau những nỗ lực bản thân đã bỏ ra.
"Dự định ấp ủ trong năm sau chắc là nhiều lắm. Nhưng điều quan trọng vẫn là luôn chú trọng vào sự học hỏi và phát triển của bản thân. Mình cũng rất mong tình hình dịch sẽ cải thiện đáng kể để những người con xa quê như mình có cơ hội được về đoàn tụ với gia đình", Đình Đức nói.
Tính đến nay đã hơn 145 ngày kể từ ngày mình đáp cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất, TP. Hồ Chí Minh, niềm hạnh phúc lớn nhất của Châu Luân Luân - nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Antwerp, Bỉ tính đến thời điểm này là được cùng gia đình đón Tết Nguyên Đán ở Việt Nam.
Nhìn lại quãng đường mình đã đi trong năm 2020, điều thạc sĩ Châu Luân cảm thấy mãn nguyện với bản thân nhất là mình đã kịp thời hoàn thành bậc học cao học và bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ ở Anh Quốc với kết quả như mong đợi dù trong thời điểm châu Âu đã đối mặt với đại dịch Covid-19.
"Mình cũng rất mừng dịch Covid không cản trở mình khỏi việc hoàn thành việc giảng dạy tiếng Anh tình nguyện cho người dân tị nạn chính trị và thanh thiếu niên tại Lithuania.
Chương trình giảng dạy tình nguyện này đã giúp mình thực hiện được đam mê giảng dạy và truyền lửa đam mê học tập và nghiên cứu ngôn ngữ đến nhiều bạn học sinh - sinh viên ở Châu Âu.
Mình cũng đã cơ hội gặp gỡ và làm việc với những người bạn - người đồng nghiệp tuyệt với luôn giúp đỡ trong suốt thời gian mình ở Lithuania".
Năm 2020 chắc hẳn là thời điểm khó khăn và đầy áp lực đối với mọi du học sinh xa nhà như Luân. Tuy vậy, cá nhân Luân cảm thấy 2020 vẫn là một thời điểm tuyệt vời để bản thân nhìn nhận lại những nhiều khía cạnh của cuộc sống.
"Năm 2020 cũng là một thời điểm đã giúp mình nhận thức được về những điểm mạnh và giới hạn của bản thân. Từ đó, mình học được cách phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu để trở thành một phiên bản tốt hơn của bản thân trong tương lai.
Để đạt được nhiều thành tựu và trải nghiệm trong một năm qua, mình đã đánh đổi khá nhiều niềm vui trong cuộc sống và có những lúc quên ăn uống, ngủ nghỉ điều độ".
Châu Luân cho biết, trong năm 2021 này, anh sẽ sinh sống và làm việc ở một vùng đất khác của Châu Âu, đó chính là Vương quốc Bỉ để tiếp tục việc nghiên cứu và giảng dạy.
Suy nghĩ về một khởi đầu mới sắp đến, chàng trai Việt chỉ cố gắng nỗ lực sống hạnh phúc hết mức có thể và học cách yêu bản thân hơn. Tình yêu và niềm đam mê của Luân dành cho khoa học và giảng dạy vẫn không thay đổi.
"Trong năm 2021 này, mình hi vọng sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng cho chuyên ngành Ngôn ngữ học và Khoa học Nhận thức. Đồng thời, mình cũng hi vọng sẽ tiếp tục có cơ hội được giúp đỡ và truyền cảm hứng cho nhiều bạn học sinh - sinh viên.
Quan trọng hơn hết, mình hi vọng sẽ có dịp được chia sẻ với các bạn độc giả của chuyên mục Du học - Báo Dân trí về những trải nghiệm thú vị của mình tại Vương quốc Bỉ trong năm 2021", Luân hào hứng nói.