Nghệ An:

Nhiều giáo viên hợp đồng bỏ dạy vì bị thuyên chuyển

(Dân trí) - Cầm hợp đồng thuyên chuyển trên tay, nhiều giáo viên hợp đồng ngắn hạn ở huyện Yên Thành (Nghệ An) bỗng ìu xìu vì phải thuyên chuyển đến một nơi khác. Nhiều giáo viên gắn bó với ngôi trường mình dạy cả chục năm nay giờ đành... bỏ dạy.

Nhiều giáo viên hợp đồng bỏ dạy vì bị thuyên chuyển  - 1
Quyết định thuyên chuyển giáo viên hợp đồng của huyện Yên Thành (Nghệ An) đã gặp phải sự phản đối của nhiều thầy cô.
 
Những ngày qua, nhiều giáo viên (GV) tiểu học tại huyện Yên Thành (Nghệ An) đã ăn ngủ không yên vì nhận quyết định thuyên chuyển công tác đi nơi khác. Nhiều GV nhận được quyết định này đã đem trả lại Phòng Giáo dục và xin ở nhà đi phụ hồ, có người đi làm phụ việc ở quán hàng ăn của vợ.

Ở miền núi về, giờ lại bị chuyển lên miền núi

Ra trường năm 2004, cô giáo Nguyễn Thị Ng. nhận công tác với mức lương hợp đồng về dạy tại Trường tiểu học miền núi xã Hùng Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An). 5 năm công tác giảng dạy ở xã miền núi, cố gắng hết mình để mong được chuyển về xã miền xuôi. Đến năm 2009, nhờ công tác giảng dạy tốt, cô được chuyển về Trường tiểu học Xuân Thành (xã Xuân Thành, huyện Yên Thành).

Tuy nhiên, niềm vui cũng chỉ ngắn tày gang. Chưa đủ 3 năm giảng dạy tại Trường tiểu học Xuân Thành, bỗng dưng cô Ng. nhận quyết định thuyên chuyển công tác đi nơi khác. Ngày 14/10/2011, cô Ng. cầm quyết định của Phòng Giáo dục huyện chuyển công tác giảng dạy đến Trường tiểu học Quang Thành. Điều đáng nói, Trường tiểu học Quang Thành cũng là xã miền núi của huyện Yên Thành. Trong khi đó, năm 2004, cô Ng. lúc mới ra trường cũng đã về công tác giảng dạy tại một xã miền núi khác trước đó.
 
Nhiều giáo viên hợp đồng bỏ dạy vì bị thuyên chuyển  - 2
Thầy H. đã 2 tuần ở nhà giúp vợ bán hàng...

Tâm sự cùng PV Dân trí, cô Ng. buồn bã nói: “Ngày nhận được quyết định thuyên chuyển đi công tác lại lên một xã miền núi, tôi buồn lắm. Vì trước lúc ra trường tôi đã 5 năm giảng dạy tại một trường ở xã miền núi rồi. Cố gắng mãi mới về được dưới xuôi thì nay lại bị chuyển lên một xã khác cũng là miền núi (lên xã miền núi Quang Thành - PV), quãng đường hơn 30km, đi lại quá khó khăn. Tôi cũng không hiểu nỗi ngành giáo dục Yên Thành sao lại nỡ đối xử, làm khổ GV hợp đồng như chúng tôi thế này chứ. Trong khi đó, tôi đang có con nhỏ, chồng cũng thường xuyên đi công tác xa nhà nên chẳng có ai trông giữ con cả. Thôi thì đành bỏ dạy vậy, chứ đi dạy mỗi tháng được 830.000 đồng cũng không đủ tiền xăng mô nhà báo à”.

Cùng chung cảnh với cô Ng. còn có thầy H., thầy Ng., thầy Kh., cô H., cô Th.... là GV các trường tiểu học Hợp Thành, Phú Thành, Nhân Thành, Thị trấn cũng bị thuyên chuyển đi các xã miền núi. Khi được hỏi tâm tư, nguyện vọng của mình, hầu hết các thầy cô tâm sự phải nghỉ dạy thôi.

Tiền lương không đủ đổ xăng

Nhận được quyết định của huyện Yên Thành phải thuyên chuyển đến một trường, nhiều GV đã cầm luôn quyết định này lên gặp Trưởng phòng và trả lại. Một số GV đã “mạnh mồm” bảo: "Chúng tôi không mặn mà đi dạy nữa mô nhà báo ơi. Đường đi xa quá, tiền lương được mấy đồng ấy chẳng đủ đổ xăng".

Từ ngày có quyết định đến nay (6/10/2011), nhiều GV tiểu học tại Yên Thành đã nghỉ dạy vì quãng đường quá xa so với thời điểm trước đây ở trường mình công tác. Thầy H. - người gắn bó với nghề gõ đầu trẻ đã gần 11 năm nay bức xúc nói: “Tôi đi dạy đến nay đã gần 11 năm rồi, là con gia đình chính sách. Hiện bố tôi đã già hơn 80 tuổi, nằm một chỗ không có ai chăm sóc... Từ khi nhận quyết định thuyên chuyển đến nay đã hơn 2 tuần rồi tôi không đi dạy nữa. Thú thật với chú từ ngày đi dạy đến giờ lương bèo bọt quá, chưa đưa được đồng nào cho vợ con cả, thậm chí tiền xăng xe còn xin vợ”.

Cùng chung cảnh nghỉ dạy hơn 2 tuần nay còn có cô Ng., thầy Ng... “Bây giờ thuyên chuyển tôi đến một trường nơi khác xa quá (từ nhà đi xe máy mất hơn 30km), trong khi đó trước đây tôi dạy chỉ đi có 2km. Thôi thì đành bỏ dạy chứ biết làm sao, lương được 830.000 đồng nếu mà ngày nào cũng phải đi xe máy thì tiền lương không đủ đổ xăng đâu nhà báo ơi. Làm GV hợp đồng như chúng tôi bây giờ khổ lắm...”, GV N. cho biết.

Sáng ngày 26/10, PV Dân trí đem vấn đề trên trao đổi với ông Trần Văn Thành - Trưởng Phòng GD huyện Yên Thành, ông Thành cho biết: “Chuyện các GV hợp đồng chuyển đi trường khác là bình thường. Do thực trạng GV ở Yên Thành chúng tôi nơi thừa nhiều, nơi thừa ít nên phải chuyển đến nơi thừa ít để cho công bằng...

... Theo tôi các GV khi có hợp đồng thuyên chuyển nên chấp hành thực hiện quyết định. Còn trong quá trình thực hiện các GV có quyền kiến nghị như thế nào đó thì tùy. Nếu các GV không tiếp tục hợp đồng thì chúng tôi sẽ thực hiện theo quyết định chế độ chính sách hiện hành. Nhưng trước mắt chúng tôi động viên các GV nên tiếp tục đi dạy”.

Tuy nhiên khi PV đặt câu hỏi hỏi "Có một số GV trước đây đã dạy từ miền núi về, bây giờ Phòng tiếp tục chuyển họ trở lại miền núi?", về vấn đề này, ông Thành bảo không có GV nào như thế.

Nhưng trên thực tế theo điều tra của PV, trong số những GV tiểu học của huyện Yên Thành thuyên chuyển trong đợt này có cô Ng. đã từng công tác 5 năm ở miền núi. Nay cô Ng. tiếp tục “bị” thuyên chuyển ngược trở lại miền núi sau chưa đầy 3 năm về xuôi.
 
Nhiều giáo viên hợp đồng bỏ dạy vì bị thuyên chuyển  - 3
Ông Trần Văn Thành - Trưởng phòng GD-ĐT Yên Thành cho biết: "Theo tôi các giáo viên khi có hợp đồng thuyên chuyển nên chấp hành thực hiện quyết định. Còn trong quá trình thực hiện các giáo viên có quyền kiến nghị như thế nào đó thì tùy...".

Khi PV hỏi số GV phải thuyên chuyển đợt này có bao nhiêu người, ông Thành không nói rõ mà lại chuyển sang vấn đề khác. Ông Thành cũng cho biết thêm, hiện GV các bậc học tại Yên Thành đều thừa (bậc nào cũng thừa) và đây là một thực trạng khó khăn hiện nay của ngành giáo dục huyện.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Lợi - chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho PV biết thêm: “Vừa rồi chúng tôi rà soát lại, những trường thừa từ 4 biên chế trở lên sẽ không cho hợp đồng nữa. Còn các GV này (các GV hợp đồng ngắn hạn - PV) nếu họ không đi thì đó là quyền của họ. Trước đây do số trường lớp nhiều nên huyện ký hợp đồng với họ, nhưng chưa vào biên chế vì chưa đủ điều kiện biên chế của tỉnh giao. Mặc dầu có những GV đã công tác 7, 8, 9 năm rồi. Nhưng sau đó tỉnh có chủ trương tất cả các GV này không được hợp đồng chúng tôi cũng băn khoăn không biết giải quyết như thế nào.

Về lý thì phải dừng hợp đồng với các GV, nhưng về tình do họ đã bám trụ từ đó đến giờ (nhiều GV công tác giảng dạy đã 9-10 năm) nên huyện hằng năm trích ngân sách để hợp đồng (từng năm một) cho đúng luật. Theo đó, chờ biên chế của tỉnh sẽ đưa hợp đồng với họ, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa có thêm biên chế nào (4 năm nay GV tiểu học ở Yên Thành chưa có thêm biên chế nào - PV).

Để đảm bảo đúng hợp đồng, huyện thực hiện chủ trương của tỉnh nên tiếp tục cho một số trường trên địa bàn ký hợp đồng với các GV nói trên. Đồng thời, huyện cân đối ngân sách để chi trả, bên cạnh đó để giữ các GV làm nguồn giữ phòng. Khi hợp đồng huyện cố gắng tạo điều kiện để các GV ở gần. Nhưng năm nay do số lớp, học sinh giảm nên khi cân đối một số trường không có nhu cầu hợp đồng nên chúng tôi điều chuyển các GV này đi các trường khác để đảm bảo cân đối. Còn nếu GV nào không đi thì thôi hợp đồng chứ không chấm dứt (vì các GV này chỉ hợp đồng từng năm một).

Nguyễn Duy