Hà Tĩnh:

Nhiều giáo viên bị "khủng bố", bêu riếu trên mạng xã hội vì chuyện vay tiền

Xuân Sinh

(Dân trí) - Nhiều lãnh đạo ngành giáo dục ở Hà Tĩnh phải làm đơn "kêu cứu" tới các ngành chức năng vì liên tục bị "khủng bố" về chuyện vay tiền của giáo viên.

Ngày 25/5, ông Phan Thanh Dân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cho biết, hiện ông cùng nhiều lãnh đạo ở Phòng đã có đơn gửi cơ quan công an và Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hà Tĩnh về việc thời gian qua liên tục bị nhiều số điện thoại lạ, trang Facebook "khủng bố".

Theo Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lộc Hà, từ 10 ngày trở lại đây, ông cùng nhiều đồng nghiệp ở Phòng, một số hiệu trưởng và giáo viên liên tục bị số lạ gọi điện "khủng bố" đòi nợ. Thậm chí, nhiều tài khoản Facebook bêu riếu, vu khống trên mạng xã hội.

Nhiều giáo viên bị khủng bố, bêu riếu trên mạng xã hội vì chuyện vay tiền - 1

Nhiều lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Lộc Hà và nhiều giáo viên nơi đây bị bêu rếu, bịa đặt trên mạng xã hội (Ảnh: Phòng GD-ĐT Lộc Hà cung cấp).

"Cứ khoảng 11h trưa đến 13h chiều, liên tục nhiều số điện thoại lạ gọi đến yêu cầu thầy Y. trả tiền. Họ không nói từ cơ quan, tổ chức nào cả. Chúng tôi chặn hết số này thì họ lấy số khác gọi. Thậm chí nhiều trang Facebook còn cắt ghép hình ảnh kèm theo các thông tin bịa đặt để tạo áp lực", ông Phan Thanh Dân cho biết.

Theo thầy Dân, nguyên nhân xuất phát từ vợ chồng thầy L.K.Y. - chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Lộc Hà từng vay nợ của một công ty tài chính.

"Chúng tôi đã làm việc với vợ chồng thầy Y. thì họ cam kết trước đó có vay tiền của một tổ chức tín dụng và đã trả hết nợ từ lâu rồi. Khi chúng tôi gọi điện lại các số điện thoại này thì đều không được. Vụ việc gây ảnh hưởng lớn đến danh dự, uy tín của cá nhân cũng như ngành. Hiện chúng tôi đã trình báo lên Công an huyện Lộc Hà và Sở TT-TT Hà Tĩnh", ông Phan Thanh Dân cho biết.

Theo trình bày của thầy Y., đầu năm 2020, vợ thầy có vay 30 triệu đồng của một tổ chức tín dụng, và sau đó đã thanh toán xong cả gốc lẫn lãi.

"Khi gia đình tôi trả xong phần nợ ấy đến giờ không thấy ai gọi điện nữa. Thế nhưng khoảng nửa tháng trở lại đây, nhiều số điện thoại lạ lại gọi đến cho các lãnh đạo, đồng nghiệp của tôi, để nói về việc vay nợ của tôi. Đáng lẽ nếu tôi còn nợ thì họ phải gọi cho tôi để thông báo, chứ đằng này họ lại gọi cho đồng nghiệp, lãnh đạo của tôi", thầy Y. cho biết.

Nhiều giáo viên bị khủng bố, bêu riếu trên mạng xã hội vì chuyện vay tiền - 2

Khi gọi điện không được, các đối tượng lại nhắn tin vào số điện thoại của lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Lộc Hà để gây sức ép (Ảnh: Phòng GD-ĐT Lộc Hà cung cấp).

Tương tự, tại Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh (đóng tại huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), những ngày qua nhiều lãnh đạo, giáo viên nơi đây cũng bị nhiều số điện thoại lạ gọi điện, nhắn tin yêu cầu trả tiền.

"Có nhiều số điện thoại gọi điện đến nhưng tôi không nghe máy, sau đó họ nhắn tin yêu cầu một giáo viên trong trường trả nợ. Các khoản vay nợ này là quan hệ cá nhân không liên quan đến nhà trường, nên nhà trường không nắm được. Tuy nhiên, họ lại gọi điện cho những người không liên quan để gây áp lực", ông Đặng Thái Mân, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh nói, và cho biết nhà trường cũng đã gửi đơn trình báo đến Công an huyện Hương Khê và Sở TT-TT Hà Tĩnh để nhờ giúp đỡ.

Chánh Thanh tra Sở TT-TT Hà Tĩnh - ông Phạm Văn Báu cho biết, đơn vị vừa nhận được đơn trình báo của một số đơn vị phản ánh việc có nhiều số điện thoại gọi điện "khủng bố", và dùng Facebook ảo cắt ghép để gây sức ép lên một số lãnh đạo ngành giáo dục và giáo viên, liên quan đến chuyện vay tiền từ các công ty tài chính.

"Hiện chúng tôi đang phối hợp với các lực lượng xác minh, điều tra làm rõ sự việc", Chánh Thanh tra Sở TT-TT Hà Tĩnh cho biết.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm