“Nhiễu cảnh” tân sinh viên nhập trường
(Dân trí) - Lần đầu tiên xa nhà, bắt đầu cuộc sống mới ở Thủ đô, không ít tân sinh viên bỡ ngỡ, phát “hoảng” khi chi tiêu và tự lập cuộc sống.
Gian nan nhập học
Bác Tú (Thanh Hóa) đã rút kinh nghiệm lần trước: “Lên thủ đô lớ ngớ đường phố, tốt nhất là mua thêm bản đồ Hà Nội tìm đường cho chắc ăn. Đi xe ôm không cẩn thận là bị chặt chém ngay. Hai bố con tôi đi từ sáng sớm lên đến nơi nghỉ ngơi rồi lo nhập học cho con, sau đó tìm chỗ ở nữa. Đỗ đại học rồi còn trăm thứ phải lo...”.
Hoàng Thu Hiền (tân sinh viên ĐH ngoại thương) sau khi lên Hà Nội đã phải nằm bẹp trên giường mấy ngày. Cả hai mẹ con lặn lội đi ô tô từ Quảng Bình ra. Đi xa, say xe lại “lạ nước”, hai mẹ con đều ốm. Đến lúc nhập trường, Hiền lại tá hỏa vì hồ sơ nhập học còn thiếu một số giấy tờ.
Đỏ mắt tìm chỗ ở
Đối với những tân SV thì mối lo lớn nhất trong những ngày này là kiếm được một chỗ ở. Kí túc xá luôn là mơ ước của nhiều sinh viên, hầu hết các phòng ở KTX chỉ dành cho sinh viên có điều kiện đặc biệt. Chính vì thế, sinh viên vẫn phải chịu cảnh... trôi nổi ngoài trường.
Nhập học được ba ngày rồi, Quỳnh Hương (ĐH Văn Hoá) vẫn chưa tìm được nhà trọ. Hai bố con đã phong toả khắp nơi từ Cầu Diễn, Nhổn tới Đê La Thành cả mấy ngày liền không có kết quả gì. Hương chia sẻ: “Nhà trọ bây giờ khan hiếm thật. Bây giờ đang ở nhờ tạm nhà đứa bạn. Giá cả phòng trọ chỗ nào cũng đắt, tìm được cái nhà vừa tiền quả là khó”.
Còn Tuấn (ĐH HN) thì may mắn hơn chút. Sau một ngày tìm nhà ở Phùng Khoang, Triều Khúc, Tuấn được một bác hàng nước giới thiệu có cái gác xép tầm 300 nghìn còn trống. Cái nhà bé như tổ chim bằng gỗ, xây tạm ở lối đi ra vào khu phòng trọ vừa ẩm vừa thấp. Tuấn muốn lên nhà phải leo cầu thang gỗ và không thể đứng được trong nhà. Tuấn vui vẻ: “Thôi tìm được cái nhà này có chỗ ngủ là được rồi. Mình mới lên lạ nước, lạ cái cứ ở đây, rồi tìm nhà sau”.
Chóng mặt tiêu tiền
Nhập trường mang theo hơn ba triệu, chưa được một tuần, Quân đã tiêu hết một nửa. Ra ở riêng cũng có nghĩa là mọi thứ sinh hoạt từ bát đũa, nồi cơm điện, bếp ga đến tủ quần áo, khăn mặt, kem đánh răng...tất cả đều phải mua. Nhà Quân quê ở Hòa Bình, xuất thân từ gia đình thuần nông, việc chi tiêu cũng hết sức dè dặt. Ngoài tiền học, mỗi tháng gia đình sẽ chu cấp 800.000 đồng/tháng. Trong khi có đủ thứ cần phải chi tiêu như tiền ăn, sách vở, điện, nước,...
Bác Thái, một phụ huynh của một tân sinh viên ĐH Mở Hà Nội cứ áy náy, không an tâm khi đưa cho con 900.000đồng tiền ăn tiêu tháng đầu. “Quả là chi phí cho em nó nhập trường đã vượt xa dự toán của gia đình. Đưa cho em nó ngần ấy có lẽ chưa hết tháng đã phải gửi thêm. Giá cả tăng, ngay các chuyến xe khách lên thành phố đã tăng giá vé. Chưa tính đến tiền thuê trọ, tiền đi chợ búa ăn uống của các cháu hàng ngày. Ngoài các chợ, giá thực phẩm cũng biến động không ngừng”.
Ngọc Tú (Bắc Quang, SV K53 ĐH KHXH NV) vừa làm thủ tục vào ký túc xá, nhập phòng xong đã gọi điện về nhà xin thêm tài trợ. Bố mẹ chạy đôn đáo cho tiền gửi nhờ người gửi xuống cho con. Lần đầu tiên xa nhà, tự quản tiền chi tiêu, Tú chóng mặt với hàng loạt khoản tiền bắt buộc phải chi.
Ngọc Lâm (Hải Hậu, Nam Đinh) cẩn thận hơn đã mua sắm mọi thứ từ quê lên cho tiết kiệm. Hai bố con lỉnh kỉnh đồ đạc ba lô, vali và đồ sinh hoạt mang theo hôm nhập trường. Lâm cho biết: “Thấy các anh chị nói ở trên này cái gì cũng đắt nên bố mẹ sắm hết ở nhà cho mình. Từ khi biết đỗ đại học đã nhờ ông anh họ tìm cho chỗ ở, chứ bây giờ mà đi tìm thì mỏi mắt. Mới lên có mấy ngày thôi mà mình cũng đã tốn hơn mấy trăm nghìn vì chưa quen với nếp sinh hoạt mới. Cái gì cũng phải mua, cái gì cũng mất tiền”.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều tân sinh viên mới chân ướt, chân ráo nhập trường đã tự lên cho mình một kế hoạch làm thêm. Hùng Cường (ĐH giao thông vận tải) cho biết: “Tháng đầu lên đây học làm quen dần, sau đó mình sẽ xin đi làm thêm để kiếm thêm tiền trang trải đỡ cho bố mẹ phần nào...”.
Duy Khánh - Hoài Nam