Nhật Bản: Cười hay khóc?
(Dân trí) - Nhật Bản, sau 1 năm 2 tháng 14 ngày, là hiện thân thú vị của sự giao hòa giữa nụ cười và nước mắt đối với Đặng Thục Minh Yến (sinh viên năm 2 Khoa Quan hệ quốc tế - Trường Đại học Quốc tế Tokyo, Nhật Bản).
Người Nhật, hay cười và hay giúp đỡ
Họ cười nhiều và hay đáng yêu đến mức, ai gặp cũng sẽ chỉ thấy họ cười rồi ngợi khen, động viên cổ vũ, chứ rất ít khi tỏ rõ thái độ thực sự của mình.
Mình nói chuyện với cô giáo người Nhật, cô bảo, từ bé, người Nhật, họ luôn được dạy bảo và nhắc nhở mỗi ngày mỗi lúc, để rồi luôn tâm niệm là “Không bao giờ được làm phiền đến người khác”.
Nên dù có buồn, có vất vả, họ cũng không dễ mở lòng chia sẻ, hay cho người khác cơ hội để lắng nghe.
Họ dùng nụ cười để thay thế mọi xúc cảm trong lòng, vì như vậy, mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn, vì như vậy, mọi người sẽ không bị ảnh hưởng.
Mấy bạn Nhật đáng yêu hỏi han giúp đỡ rồi đi chơi về nhớ đến mình cho quà các kiểu. Các thầy cô không quản ngại vất vả dành thời gian chỉ lại bài cho mình vì mình lỡ việc phải nghỉ học.
Các bạn nước ngoài dễ chơi, dễ nói chuyện, lại cực kì biết "quẩy", rồi dạy mình “quẩy”.
Ở chỗ làm, những ngày đầu tiên khi tiếng Nhật của mình còn nghe hiểu chẳng rõ, những người bạn làm cùng mình, rồi bác quản lý, rồi cô phụ quản lý, mọi người dù nhiều khi bực mình, nhưng vẫn rất kiên nhẫn chỉ bảo rồi nhắc nhở mình từng chút từng chút.
Bác cạnh nhà, thỉnh thoảng gọi mình cho rau về ăn. Bác quản ký túc xá, dù mình đã chuyển ra, vẫn nhắc nhở mình nhiều điều liên quan đến cuộc sống, đến khi mình gặp chuyện không biết giải quyết sao, vẫn là chạy qua nhờ bác và được bác giúp đỡ tận tình.
Đặc biệt nhất là lần trước, còn có bác người Nhật thấy mình bỏ tiền không nổi vào máy mà rút tiền ra trả luôn cho mình, dù số tiền không quá lớn, nhưng mình cảm động không thôi.
Thực ra, bình thường ở Việt Nam, không phải mình không được giúp đỡ, chỉ là vì ở nơi đất khách quê người, những sự giúp đỡ, thấu hiểu, lắng nghe ấy lại càng khiến mình trân trọng nhiều hơn.
Nhưng cười nhiều rồi, con người ta cũng phải khóc, cuộc sống ở Nhật, vốn chẳng nhiều màu hồng đến vậy.
ĐH Quốc tế Tokyo (TIU) ở khu vực khá yên bình, đồng thời là môi trường trường quốc tế, cộng với chút may mắn của mình khi được làm việc ở chỗ gần gặn mở lòng, nên mình được trải nghiệm nhiều điều “hồng” hơn nhiều người khác.
Những áp lực đè nặng
Dần dà, bước chân lên Tokyo nhiều hơn, nghe anh chị kể chuyện nhiều hơn, mình hiểu thêm, nụ cười chẳng bao giờ giấu nổi hết những nỗi khó khăn.
Là những chuyến tàu chật chột đông đúc người chen nhau không còn chỗ thở. Những dòng người vội vã ngược xuôi chẳng kịp liếc nhau một lần. Những người Nhật say chẳng còn tỉnh táo đến quán ăn, cửa hàng người ta gây gổ. Những bóng hình co ro vất vơ khắp ga tàu. Là những người bạn Nhật hơi khó mở lòng, hơi khó tiếp cận. Áp lực đè nặng vì cuộc sống thiếu đi bạn bè, của những du học sinh, những ngày đầu đại học.
Là những gia đình thiếu đi sự ấm áp mỗi ngày, vì ai cũng bận rộn, và tự lập quá, tự dưng người ta cũng bị cướp đi nhiều khoảnh khắc thương yêu. Bố mẹ - con cái chính là máu mủ, nhưng anh chị em thì cũng không hẳn. Độc lập đến mức mình tự hỏi, việc mình quan tâm đến em trai mình, liệu có tốt hơn là người ta không quan tâm nhau không?
Người nước ngoài – Người Nhật – cùng là con người những xuất xứ khác nhau, họ đối xử cũng có phần nào khác nhiều, cách họ đánh giá bản thân mình cũng khác, vì mình vốn đã là “người nước ngoài”. Là cảm giác tim gợn nhói, khi chẳng biết sau nụ cười kia, có thực sự là sự vui vẻ, hay họ thấy mình sai mà không nhắc, rồi chê trách mình sau lưng, để mình cứ mãi sống trong những niềm vui họ tạo?
Vậy những niềm vui và sự hiếu khách, những nụ cười kia, liệu có bao phần là thật?
Một câu hỏi bỏ ngỏ và mà mình tin rằng, theo thời gian, khi tiếng Nhật của mình tốt hơn, khi mình đi nhiều hơn, chắc mình sẽ còn nhìn thấy nhiều hơn, và biết đâu, mình sẽ khóc nhiều hơn cười như bây giờ…
Thỉnh thoảng, nhiều đứa bạn của mình còn nói, làm người Nhật thì tốt rồi. Có yêu người Nhật cũng dễ bày tỏ? Có đi lại làm gì cũng không bị xem như là “người ngoài”? Hòa nhập với cuộc sống ở đây cũng chẳng vất vả đến vậy... Nhưng mình thấy tự hào vì mình là người Việt Nam trên đất Nhật. Vì văn hóa, vì lối sống, vì góc nhìn, giữa hai đất nước khác nhau, mình đột nhiên có cơ hội học hỏi và nhận ra nhiều điều ý nghĩa.
Đặng Thục Minh Yến
(Sinh viên năm 2 Khoa Quan hệ quốc tế - Trường Đại học Quốc tế Tokyo;
Phó ban Thông tin Hội SV Việt Nam tại Nhật)