Nháo nhác tìm nơi “sơ tán” trẻ
(Dân trí) - Kỳ nghỉ hè đã đến, học sinh được nghỉ học khiến nhiều gia đình nháo nhác tìm nơi “sơ tán” trẻ. Trẻ được gửi về quê, lên cơ quan cùng mẹ, bị “nhốt” ở nhà và làm bạn với ti vi, trò chơi điện tử…
Một bà ba cháu…
Dù chỉ là kỳ nghỉ hè ngắn rồi đa số các bé sẽ lại bước vào học hè, kể cả hệ mầm non, tiểu học… nhưng việc không có người trông nom, chăm sóc trẻ cũng khiến nhiều gia đình lo lắng.
9h sáng tại phố Vũ Thạnh, bà Đinh Thị Phương (Hào Nam, Q. Đống Đa, Hà Nội) dắt díu 3 đứa cháu đi chợ. Mới hai ngày phải trông ba đứa cháu vì bọn trẻ được nghỉ hè, bà Phương đã "tối mắt, tối mũi". Dù có ông giúp đỡ nhưng riêng chuyện cho bọn trẻ ăn, rồi chúng “chí chóe” nhau cũng khiến ông bà đau đầu. “Vất vả lắm nhưng cháu mình thì phải trông thôi, chẳng còn cách nào khác, hai cháu nội, một cháu ngoại. Bố mẹ nó đi làm từ 7h sáng đến 7h tối mới về nhà, con nghỉ học thì ai trông cho, đành gửi sang bà. Tôi đang mong từng ngày đến 10/6, Trường mầm non Mầm Xanh học hè trở lại, sẽ bớt một đứa. Không chỉ mình vất, mà cũng không an toàn cho bọn trẻ vì cả ba đứa đều bám bà, đi đâu cũng líu ríu bốn bà cháu, chỉ sợ xe cộ va quệt”, bà Phương nói.
Tại hồ Giảng Võ, 9h30 sáng, có một nhóm 4 bé chừng 5 - 9 tuổi chạy nhảy, nô đùa ngay ven hồ. Cậu bé trai nghịch ngợm nhiều khi lò dò ra tận mép hồ. Thỉnh thoảng những người lớn câu cá ở đó mới quan sát thấy, quát trẻ vào trong nhưng chỉ được một lúc các bé lại chạy ra tận mép hồ.
Bé Dương Thúy Hằng (nhà ở D6 Khu tập thể Giảng Võ) và bé Dương Thị Thùy (Hưng Yên) vừa lên Hà Nội sáng nay cũng đang chơi quanh quẩn ven hồ. Được nghỉ hè, Thùy được bố mẹ cho lên nhà bác ruột chơi. Nhưng quanh quẩn ở nhà mãi cũng chán, hai chị em xin phép bà cho ra hồ chơi. “Chúng cháu không dám tới sát hồ đâu, nguy hiểm lắm, chỉ bạn trai kia nghịch ngợm thôi”.
Giờ đã qua tai nạn của con gái một năm, nhưng mỗi lần nghĩ lại, chị Ngọc Bích (ngõ Đại An, Hà Đông, Hà Nội) vẫn không khỏi rùng mình. “Khi đó con gái đã 6 tuổi, nghỉ hè. Nhà chú thím lại ngay sát bên cạnh nên mình liều để con ở nhà đi làm, định trưa mới về. Nhưng đi được 1 tiếng đã thấy thím hốt hoảng gọi về vì con gái tập tành đảm đang, tự cắm cơm và là quần áo cho mẹ. Áo quần bị cháy rồi chập điện, cháy đen cả bàn là, bốc khói nghi ngút, may mắn là hệ thống điện tự ngắt, nếu không khó lường được nguy cơ xảy ra”. Vì thế, hè năm nay, dù con đã lớn, chị vẫn quyết định gửi con về ngoại một tháng rồi mới đón con ra đi học. “Không có người trông, rồi chỗ chơi thì không có, ở nhà hay đi ra ngoài đều nguy hiểm”, chị Bích nói.
Còn con trai 8 tuổi của chị Ngọc Tú ở phường Ô Chợ Dừa thì mới nghỉ hè được gần 1 tuần đã tăng vọt 2kg vì ở nhà được bà chiều chuộng, ăn vặt nhiều. Quá hoảng trước cảnh con dán mắt vào ti vi, bên cạnh là lon co ca, bim bim…, chị đã tức tốc phải đăng kí cho con một loạt lớp học hè, từ học bơi, học cờ vua, tiếng Anh, toán, võ thuật… “Con được vận động tí, đỡ dán mắt vào ti vi thì mình lại rạc người vì đưa đón con đi học. Chỉ tiếc khu mình không có sân chơi cho con an toàn. Nếu có thì còn lùa con xuống chơi, vận động được”, chị Tú nói.
Nên “sơ tán” theo nhóm trẻ
TS.BS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng, tình cảnh trẻ nghỉ hè không có người trông, không có sân chơi, làm bạn với ti vi, máy tính là việc mà ai cũng biết, nhà nào cũng gặp nhưng chưa tìm ra cách giải quyết thoả đáng.
Theo TS Tuấn, trẻ em đang ở lứa tuổi quan sát, học hỏi và bắt chước, vì thế để trẻ sống trong các môi trường khác nhau sẽ rất tốt cho nhận thức của trẻ. Nếu chỉ nhốt trẻ ở nhà, làm bạn với ti vi, máy tính, game... thì rất nguy hiểm bởi trẻ em cần phải vận động. Vận động là phương thuốc dự phòng bệnh tật hiệu quả, giúp trẻ năng động hơn, đỡ nhút nhát, rụt rè. Môi trường “tĩnh” với máy tính, ti vi… sẽ cản trở sự phát triển lành mạnh của trẻ. Để tạo môi trường học hỏi mới cho trẻ, ngày hè là một cơ hội tuyệt vời. Được nghỉ hè, cha mẹ nên cho con rời hẳn khỏi môi trường giáo dục chính thống để hòa mình với thiên nhiên, sống trong môi trường với sự giao lưu giữa trẻ - trẻ.
“Không chỉ trẻ em thành phố mới không có sân chơi, không được hòa mình với môi trường thiên nhiên mà hiện trạng này cũng đang xảy ra với cả trẻ em nông thôn. Các khu vui chơi trẻ em (nếu có) thì đều hướng vào các loại hình dịch vụ, game, trò chơi mang mục đích thu tiền của trẻ, chứ không phải là những trò chơi vận động manh tính cộng đồng, giao lưu giữa trẻ với trẻ, chơi mà học như các trò dân gian. Đó là một điểm vô cùng thiệt thòi của trẻ em ngày nay”, TS Tuấn nói.
Bài và ảnh: Hồng Hải