Nhân vật “đặc biệt”
“Ba ơi...”. Thấy thằng con trai cầm tờ giấy trên tay, người bố biết ngay là có vấn đề. Xem giấy mời xong, ông bố quay sang bà mẹ: “Sáng mai em tranh thủ đi họp phụ huynh cho con nghen!”.
“Mọi khi anh vẫn đi họp cho con cơ mà. Em còn công việc cơ quan, rồi chợ búa, cơm nước”. “Biết thế. Nhưng ngày mai anh lại bận công việc quan trọng”.
Lúc chỉ có hai vợ chồng, người chồng nói nhỏ với vợ: “Công việc ngày mai anh cũng có thể thu xếp được để đi họp cho con. Nhưng anh ngại cái chức hội trưởng hội phụ huynh mà cô giáo và nhà trường đang dành sẵn. Năm ngoái không thể từ chối nên phải gánh. Em cũng thấy rồi đấy.
Bở hơi tai vì các khoản phí phải nộp, rồi lại phải lo vận động, thuyết phục các phụ huynh khác, chịu đủ điều qua tiếng lại. Có những khoản “phí” mà nhà trường “khó nói” nên cứ phải tác động các phụ huynh khác thông qua hội trưởng hội phụ huynh. Cuối năm, thầy hiệu trưởng lúc bắt tay anh còn nói: sang năm lại làm phiền đến anh nữa thôi. Anh ngại lắm!”.
Đây là câu chuyện có thật của đôi vợ chồng có con đi học khi năm học mới bắt đầu. Vấn đề chính ở đây là chức danh “hội trưởng hội phụ huynh” không phải do hội phụ huynh bầu ra mà do nhà trường chỉ định. Một sự chỉ định có chọn lọc (thường là những người thành đạt hoặc có vị thế trong xã hội). Đây là một nhân vật đặc biệt, được nhà trường săn sóc đặc biệt. Nhân vật này “hiểu” và “thông cảm” với những khó khăn của nhà trường, là chiếc cầu nối giữa nhà trường với các phụ huynh khác.
Nhưng nói ra để làm gì? Né không được đành tự an ủi mình: thôi thì tất cả cũng vì con em chúng ta!
Theo Tuổi Trẻ