Nhân tài bội tín
Những ngày qua, chuyện bội tín của những người được cấp tiền ngân sách đi đào tạo “nhân tài” của Đà Nẵng thu hút nhiều sự chú ý của dư luận. Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng cho biết, họ buộc phải khởi kiện cùng lúc nhiều học viên được đưa đi đào tạo trong và ngoài nước theo Đề án 922 vì phi phạm hợp đồng và cam kết phục vụ TP sau khi tốt nghiệp, trở thành “nhân tài”.
Một góc sông Hàn, TP Đà Nẵng.
Đề án 922 được triển khai bởi Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng (CPHUD). Lãnh đạo CPHUD cho biết, đến đầu tháng 10/2015, đã khởi kiện 15/42 học viên vi phạm hợp đồng, cam kết phục vụ TP Đà Nẵng sau khi đào tạo. Trong 15 trường hợp khởi kiện có 14 trường hợp Tòa án TP thụ lý, trường hợp còn lại do Tòa án quận Hải Châu thụ lý.
Tính từ tháng 6 đến nay, Tòa án đã tuyên 5 trường hợp học viên được đào tạo trở thành “nhân tài” phải bồi hoàn chi phí đào tạo mà ngân sách TP thông qua CPHUD số tiền trên 10 tỷ đồng. Trong số này có học viên phải bồi hoàn 3 tỷ đồng và học viên khác bồi hoàn 2,7 tỷ đồng.
Thông tin từ CPHUD cho biết, ĐA 922 (đào tạo nhân tài choTP Đà Nẵng) triển khai bắt đầu từ năm 2004 đến năm 2006 với 100 học viên được đưa ra nước ngoài đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ. Đến thời điểm này, đã có trên 625 lượt học viên được đưa đi đào tạo (trong nước và nước ngoài) theo Đề án.
Đến quý II-2015, TP Đà Nẵng đã bố trí công việc cho 336 lượt/390 lượt học viên tốt nghiệp theo Đề án. Trong 625 lượt học viên được đào tạo thành “nhân tài” có 71 học viên vi phạm cam kết, hợp đồng và xin rút khỏi ĐA. 42 học viên tốt nghiệp không về phục vụ TP sau khi học xong.
Cũng theo lãnh đạo CPHUD, học viên thuộc Đề án 922 được đưa ra nước ngoài đào tạo ngoài việc được ngân sách chi trả học phí còn được hỗ trợ chi phí sinh hoạt từ 1.032 USD đến 1.200 USD/tháng (tại các nước Úc, Pháp, Anh, Mỹ, Nhật). Bình quân hàng năm ngân sách phải chi cho 1 học viên “nhân tài” được đào tạo ở các nước nêu trên (gồm cả học phí, sinh hoạt phí, bảo hiểm và vé máy bay) từ 600 đến 800 triệu đồng.
Đầu năm 2015, tại Hội nghị tổng kết 15 năm công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP (gồm ĐA 922 và ĐA 933), TP Đà Nẵng công bố khoản ngân sách đã chi trong 8 năm (2006 đến năm 2014) cho đào tạo “nhân tài” là 600 tỷ đồng.
Theo hợp đồng được ký kết, học viên khi bỏ Đề án sẽ phải bồi hoàn gấp 5 lần khoản kinh phí đào tạo mà ngân sách đã chi ra nhưng sau đó, TP Đà Nẵng quyết định giảm xuống, chỉ phải bồi hoàn gấp đôi (nếu vi phạm hợp đồng trước ngày 10/12/2013).
Học viên vi phạm hợp đồng sau thời điểm này thay vì phải bồi hoàn gấp 5 lần, chỉ phải bồi hoàn 100% kinh phí từ ngân sách đã chi ra cho việc đào tạo của mình. Cực chẳng đã mới phải kiện học viên “nhân tài” ra tòa. Một lãnh đạo của CPHUD than thở.
Một lãnh đạo hội - ngành cho rằng có nhiều nguyên nhân để những người được đào tạo thành “nhân tài” của Đà Nẵng rời bỏ Đề án một cách theo kiểu chiếm dụng vốn, chiếm dụng lòng tin (bội tín). Một trong nhiều nguyên nhân được vị lãnh đạo hội - ngành dẫn ra là tiền lương quá thấp, không hấp dẫn, níu kéo được nhân tài.
Theo vị lãnh đạo này: Đầu tư nào cũng có rủi ro và rủi ro của TP Đà Nẵng trong việc bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để đào tạo nhân tài về phục vụ TP là tạm chấp nhận được nhưng nếu so sánh giữa việc bỏ trên dưới 600 tỷ đồng ngân sách đưa hàng trăm người đi đào tạo nhân tài những năm qua với việc thu hút nhân tài theo cách “trải thảm đỏ” thì việc thu hút có hiệu quả hơn. Khi “trải thảm” đón nhân tài, TP sẽ có cơ hội lựa chọn, đặt ngay nhân tài vào vị trí công việc thích hợp.
Đà Nẵng đã thực hiện việc thu hút nhân tài song hành với bỏ tiền ngân sách đào tạo trong hơn 15 năm qua. Chính sách thu hút nhân tài có thời điểm gặt hái thành công nhưng nhìn chung vẫn còn có những vấn đề phải tinh toán lại, chẳng hạn như chưa thu hút được nhân tài có tiếng tăm hay chuyên gia đầu ngành, lĩnh vực. Cấp tiền từ ngân sách đưa người đi đào tạo là chủ trương đúng nhưng lại tiềm ẩn rủi ro về thất thoát ngân sách do nhân tài bội tín, bỏ cuộc giữa chừng hay chấp nhận bồi hoàn vài tỷ đồng tiền ngân sách đào tạo, không về phục vụ TP như cam kết.
Hiện tại, chưa có phát ngôn chính thức từ lãnh đạo TP Đà Nẵng về nguyên nhân khiến “nhân tài” bội tín, làm thiệt hại lớn về ngân sách nhưng nhìn ở góc độ xã hội, bội tín có nguyên nhân sâu xa từ nhân cách.
Theo quan niệm của người phương Đông nhân cách gồm ba yếu tố Trí, Nhân, Dũng và theo quan niệm tương đối thống nhất của các nhà hiền triết phương Đông, nhân cách hội đủ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, trong đó Nhân là cốt lõi, là gốc của nhân cách, định hướng phát triển cho các cấu trúc còn lại trong nhân cách. Theo quan niệm này, người có nhân cách cao quý không vì lợi danh hay mưu cầu của mình mà bội tín. Những người như thế được gọi là quân tử.
Khó có thể nói rằng những học viên được đào tạo bằng 600 tỷ đồng tiền ngân sách của TP Đà Nẵng, khi đỗ đạt trở thành nhân tài đều là “quân tử” và cũng khó chấp nhận được câu chuyện nhân tài “bội tín” theo cách của kẻ tiểu nhân.
Theo Dương Thanh Tùng/Báo Đại Đoàn Kết