Nhà thám hiểm National Graphic cùng sinh viên lên núi làm nghiên cứu khoa học
(Dân trí) - Thay vì mang tranh ảnh, video và những bài giảng khô khan lên giảng đường, Giáo sư David K.Harrison, Phó hiệu trưởng Đại học VinUni, chọn đưa sinh viên từ Hà Nội vào Kon Tum, ăn, ở, làm việc cùng đồng bào dân tộc Ba Na để nghiên cứu văn hóa bản địa.
Đại học VinUni không có ngành nhân chủng học nhưng Giáo sư David K.Harrison cho hay ông tin rằng học, nghiên cứu về văn hóa sẽ tạo nền tảng vững chắc cho bất cứ sinh viên nào, dù học bất cứ ngành nghề nào, để đi đến thành công.
Sinh viên phải được "nhúng" vào thực tế
Cao Hải Lâm là sinh viên ngành Kỹ thuật cơ khí, Đại học VinUni. Ngành học không liên quan đến văn hóa nhưng ngay khi biết thông tin về dự án nghiên cứu văn hóa dân tộc Ba Na ở Tây Nguyên, Lâm đã lập tức đăng ký.
"Dự án thực sự là một cơ hội để em có thể có thêm kiến thức mới mà lĩnh vực theo học không có. Đây cũng là điều đặc biệt ở VinUni khi sinh viên không đóng khung trong một ngành học mà luôn được khuyến khích, mở không giới hạn", Lâm chia sẻ.
Đến Kon Tum, mỗi ngày Lâm và các bạn dậy từ 5 giờ sáng, cùng ăn, cùng ở, cùng lên nương, làm gốm, dệt, nấu rượu, đánh cồng, làm cây nêu, uống rượu cần với người dân Ba Na.
"Trải nghiệm thực tế rất khác biệt so với ngồi ở lớp nghe và xem. Tôi thực sự ấn tượng và ngưỡng mộ cách mà thầy David K.Harrison đã làm. Thầy cho rằng cách tốt nhất để truyền cảm hứng cho sinh viên để tìm hiểu, nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa, nhân chủng học - một lĩnh vực khá đặc thù, là mang sinh viên đến đó trải nghiệm thực tế. Đó là suy nghĩ tạo cho sinh viên cơ hội thực tế vốn ít khi có ở Việt Nam", Lâm hào hứng nói.
Với Nguyễn Xuân Huy, sinh viên chuyên ngành Quản trị kinh doanh của VinUni, chuyến đi Kon Tum không chỉ giúp em hòa mình với cuộc sống người dân Ba Na, cảm nhận được nét văn hóa đặc sắc của họ mà còn hiểu sâu hơn về giá trị của việc giữ gìn di sản văn hóa dân tộc cho đời sau. Huy cũng học được nhiều kỹ năng, từ việc phải chuẩn bị cho một chuyến đi xa dài ngày, kỹ năng giao tiếp để tạo sự gần gũi và tin tưởng với người lạ, kỹ năng làm việc nhóm…
"Chuyến đi cũng khiến em nghĩ nhiều hơn đến việc bản thân nên làm gì cho tương lai, nên nghiên cứu nhân chủng học tốt hơn hay làm doanh nghiệp tốt hơn, sự kết nối giữa hai lĩnh vực", Huy nói.
Những cảm nhận, kiến thức và thay đổi trong cách tư duy của Lâm, của Huy cũng là điều mà Giáo sư David hướng tới. Theo ông, trong giáo dục khai phóng, sinh viên học đại học không nên chỉ để kiếm công việc tốt mà cần có nền giáo dục tốt, nên tìm hiểu kiến thức vượt ra khỏi chuyên ngành của mình.
"Giáo dục về văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng trong giáo dục khai phóng. Khi được tìm hiểu thêm về văn hóa, sinh viên sẽ có sự chuẩn bị cho việc trở thành công dân toàn cầu, có thể hoạt động tốt ở nhiều nền văn hóa khác nhau, biết cách học hỏi và tôn trọng các nền văn hóa, các giá trị khác biệt. Vì vậy, dù trường không có ngành nhân chủng học nhưng tôi vẫn mở dự án này để sinh viên các ngành khác có cơ hội tham gia", Giáo sư David K.Harrison chia sẻ.
Chọn cách đưa sinh viên đi thực địa nghĩa là chọn con đường khó khăn hơn, phức tạp hơn. Giáo sư phải liên hệ trước với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum để xin giấy phép, đi tiền trạm để làm việc với chính quyền địa phương, bố trí chỗ ăn, nghỉ cho sinh viên, trao đổi trước với người dân.
"Công tác chuẩn bị cũng tốn nhiều công sức nhưng hoàn toàn xứng đáng. Sinh viên không phải chỉ được nhìn, được nghe, mà điều quan trọng hơn là các em phải được 'nhúng' vào trong nền văn hóa đó. Điều thuận lợi là thầy trò đã nhận được sự chào đón nhiệt tình từ những dân Ba Na hiền hòa. Đây là cộng đồng dân tộc thiểu số rất tốt mà tôi từng tiếp xúc", Giáo sư David K.Harrison vui vẻ nói.
Thầy hiệu phó nhiệt tâm
Chia sẻ về sự "bén duyên" với Đại học VinUni, giáo sư David K.Harrison cho biết: "Tôi thích làm việc trong môi trường giáo dục đại học cùng những con người có niềm đam mê với tri thức. Với kinh nghiệm làm việc tại một trường đại học khai phóng hàng đầu quy mô ít hơn 2.000 sinh viên, tôi hiểu được những lợi ích mà lớp học có quy mô chọn lọc mang lại", Giáo sư Harrison chia sẻ.
Tự hào chia sẻ về các học trò của mình, Giáo sư Harrison cho biết sinh viên VinUni rất tài năng, trình độ ngang với sinh viên các trường đại học hàng đầu ở Mỹ mà ông từng giảng dạy. "Tôi cũng học hỏi được từ sinh viên rất nhiều, như những kỹ thuật làm phim và hình ảnh mới, cách làm video cho Tiktok…", Giáo sư Harrison cho hay.
Cũng theo Giáo sư Harrison, Việt Nam là một dân tộc có nền văn hóa rất phong phú và đa dạng khi có đến 54 dân tộc anh em với trên 100 ngôn ngữ khác nhau.
"Người Việt Nam có câu nói rất hay: 'Tiên học lễ, hậu học văn'. VinUni là một đại học quốc tế nhưng tôi vẫn dành sự tôn trọng lớn với nền văn hóa Việt Nam và tôi muốn đưa sự tôn trọng đó vào từng lớp học để các sinh viên có thể cảm nhận được", Giáo sư Harrison nói.
Trước khi đến với VinUni, Giáo sư David K.Harrison từng là Phó hiệu trưởng phụ trách Học thuật và là Giáo sư Ngôn ngữ học và Khoa học Nhận thức tại Đại học Swarthmore (xếp số 1 trong các trường đại học khai phóng tốt nhất tại Hoa Kỳ theo công bố của Academic Influence 2021).
Giáo sư có bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Yale, là hiệu phó một trường đại học danh giá, một nhà nghiên cứu, nhà giáo dục, nhưng ông đồng thời còn là một nhà thám hiểm thuộc National Geographic Society, là thành viên của The Explorer's Club, thành viên của Daylight Academy (Thụy Sỹ) và là nhà nghiên cứu danh dự của Trung tâm nghiên cứu New York Botanical Garden's Center for Economic Botany.
Giáo sư Harrison còn là một nhà làm phim. Trong suốt sự nghiệp của mình, và với vai trò là nhà thám hiểm của National Geographic, Giáo sư Harrison đã đi khắp thế giới để làm phim và viết sách về các ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng và các nền văn hóa bản địa.