Nhà kiên cố khóa trái cửa, học sinh co ro trong lều tạm
(Dân trí) - 13 phòng nội trú kiên cố đã được xây dựng nhưng do chưa có giường, chăn, màn cho học sinh dùng nên vẫn phải khóa cửa để đấy. Trong khi đó hơn 300 em học sinh của Trường THCS Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) vẫn phải co ro trong những chiếc lều tạm dưới cái rét 6-7 độ C.
Na Ngoi là xã vùng biên của huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An), nằm ở độ cao gần 1.000 m so với mực nước biển (đỉnh núi cao nhất là hơn 2.700m) với 19 bản làng, 80% là người Mông. Vừa qua xã Nậm Càn, xe bắt đầu leo dốc. Độ cao tăng đột ngột, tai chúng tôi ù đi, đau buốt. Đường quanh co dốc đứng, chìm trong sương mù dày đặc. Na Ngoi mùa này luôn ướt sũng trong màn sương mù.
Trước cổng Trường Tiểu học Na Ngoi 1 và THCS Na Ngoi, những chiếc lán bằng gỗ, thậm chí bằng nứa được dựng lên, im lìm trong giá rét xuống 6 độ C và sương mù dày đặc. Đó là chỗ ở của hàng trăm học sinh Trường THCS Na Ngoi. Do nhà ở xa, các em được bố mẹ dựng lán, dựng lều để trọ học. Những căn nhà tạm bợ, thấp tè là chỗ trú ngụ của từ 6-10 em học sinh, hầu hết là người trong một bản hoặc trong một dòng họ.
Căn lều bé tí, 4 phía thưng bằng phên nứa, cửa nẻo xộc xệch là chỗ ở của 6 bé gái lớp 6, lớp 8. Cả 6 em đều ở bản Phú Quặc, từ bản đến trường phải đi bộ 2 tiếng đồng hồ. Đẩy cánh cửa, khom mình lách vào, tôi thấy 6 bé gái đang ngồi quanh bếp lửa. Hôm nay chủ nhật, các em không phải đến trường, đường hỏng lại xa nên không về nhà được. Xồng Y Sành học lớp 6, co ro trong chiếc áo khoác mỏng, em ngồi sát hơn vào bếp lửa. 6 học trò đắp chung nhau 2 cái chăn cũ, giường chỉ là tấm liếp ghép lại, cũng chẳng có điện đóm gì.
“Tối thì chúng cháu lên trường học. Học xong thì về ngủ thôi. Lạnh thì 6 chị em ôm nhau cho ấm. Có hôm rét quá thì dậy đốt lửa sưởi đến sáng”, Xồng Y Sành cho biết. Dưới gầm giường của Sành chất đầy củi. Đó là thứ duy nhất giúp các em chống chọi với mùa đông khắc nghiệt nơi vùng đất biên cương này.
Già Bá Số (lớp 8C, Trường THCS Na Ngoi) ở bản Huồi Xai - một trong những bản xa nhất của xã Na Ngoi. Nhà Số có 7 anh em, chỉ có 4 người được đi học. Bố mẹ nghèo, cho Số đến trường đã là cố gắng lắm rồi nên một cái áo ấm đối với Số cũng là điều xa xỉ. Giữa cái rét như dao đâm vào da thịt, Số cũng chỉ mặc độc cái áo thun dài tay. Mặt trời vừa khuất núi, Số với các bạn cùng phòng đã ôm nhau vùi trong chăn, sách vở vứt chỏng chơ nơi mặt rương kê trên giường. Chiếc chăn cáu bẩn, mỏng lét chẳng giúp Số và các bạn đủ ấm trong những ngày đông lạnh giá.
Trước đó, vào ngày 23/3, một học sinh của trường là em V. Y. L. ( khi ấy đang là học sinh lớp 8) đang ở trong lán cách khá xa cổng trường đã bị 5 thanh niên trong bản kéo ra ngoài để thực hiện hành vi hiếp dâm tập thể. Sau sự việc này, trước sự cần thiết phải xây dựng nhà bán trú cho các em học sinh, nhóm “Tấm lòng xứ Nghệ” kêu gọi sự hỗ trợ kinh phí từ một quỹ từ thiện, cùng với sự hỗ trợ 150 triệu đồng từ UBND huyện Kỳ Sơn, 3 dãy nhà với 10 phòng ở kiên cố đã được xây dựng cho các em học sinh trong trường.
Ngoài ra còn có 3 phòng học được xây nguồn kinh phí cuộc vận đồng mỗi sinh viên đóng góp 500 đồng/tháng do Hội HS-SV (thuộc Tỉnh đoàn Nghệ An) phát động.
Hệ thống các phòng bán trú này đã được khánh thành từ tháng 11/2015. Tuy nhiên sau khi khánh thành thì nhà trường đành phải… khóa cửa để đó vì thiếu trang thiết bị nội thất bên trong. Theo tính toán của nhà trường thì tổng số học sinh thuộc diện bán trú là 327 em. Với 10 phòng bán trú, mỗi phòng 10 giường, như vậy cần có 100 cái giường tầng (2 tầng).
Dãy nhà bán trú khang trang được hoàn thành từ tháng 11/2015...
Ông Nguyễn Thế Hiển - Hiệu trưởng Trường THCS Na Ngoi cho biết: "Theo báo cáo của Phòng Tài chính huyện thì mỗi chiếc giường khi vận chuyển vào đây là 2,3 triệu đồng, như vậy cần tới 230 triệu đồng. Số tiền này thực sự là ngoài khả năng của nhà trường. Chúng tôi đã xin UBND huyện, Phòng GD-ĐT huyện nhưng đều chưa có nguồn. Quan trọng là giường thôi, còn chăn, màn các em học sinh có thể tự lo được.
Trong khi chưa có giường thì các em vẫn chưa thể chuyển vào trong phòng bán trú để ở. Bên cạnh việc chưa có giường thì hệ thống nhà vệ sinh, bể nước, nhà tắm phục vụ hơn 300 học sinh cũng chưa có nguồn để thực hiện. Biết các em ở ngoài là nguy hiểm, không những thế việc quản lý giờ giấc sinh hoạt, nề nếp… rất khó khăn nhưng không thể làm khác được”.
Hoàng Lam