Nhà Khoa học ĐH Duy Tân giành Giải thưởng Nghiên cứu Trẻ năm 2016 về Vật lý
Đạt nhiều thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học về Năng lượng và Kỹ thuật Hạt nhân, TS. Trần Hoài Nam của Đại học Duy Tân đã vinh dự được Hội Vật lý Lý thuyết Việt Nam trao Giải thưởng Nghiên cứu Trẻ năm 2016 trong khuôn khổ chương trình Hội nghị Vật lý Lý thuyết Toàn quốc lần thứ 41 diễn ra từ ngày 1 đến 4/8/2016 tại Tp. Nha Trang.
Đây là lần thứ 2, giải thưởng danh giá này được trao cho một nhà khoa học của ĐH Duy Tân, sau khi TS. Phan Văn Nhâm nhận Giải thưởng Nghiên cứu Trẻ tại TP. Buôn Ma Thuột năm 2014.
Giải thưởng Nghiên cứu trẻ là giải thưởng được Hội Vật lý Lý thuyết Việt Nam trao tặng hàng năm cho một nhà nghiên cứu trẻ duy nhất chưa quá 35 tuổi, hiện đang là hội viên chính thức của Hội Vật lý Lý thuyết. Giải thưởng nhằm khuyến khích, động viên các nhà nghiên cứu trẻ say mê nghiên cứu Vật lý Lý thuyết và các lĩnh vực liên quan, để tôn vinh những kết quả nghiên cứu xuất sắc mà nhà nghiên cứu trẻ đó đã đạt được.
Sau khi tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành Vật lý Hạt nhân, Hệ đào tạo Cử nhân Khoa học Tài năng của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Trần Hoài Nam (sinh năm 1981) đã có một thời gian dài làm nghiên cứu tại Viện Khoa học & Kỹ thuật Hạt nhân với GS. Đào Tiến Khoa, nhà khoa học hàng đầu về Lý thuyết Hạt nhân của Việt Nam.
Quyết tâm theo đuổi niềm đam mê và nắm bắt được xu thế ngày càng phát triển của ngành Điện Hạt nhân cùng tiềm năng của chuyên ngành Vật lý Lò Phản ứng tại Việt Nam, Trần Hoài Nam đã theo học chương trình đào tạo Tiến sĩ về Vật lý Lò Phản ứng tại Tokyo Institute of Technology (KIT - Nhật Bản). Sau đó anh tiếp tục nhận được học bổng nghiên cứu sau tiến sĩ của Quỹ JSPS (Japan Society for the Promotion of Science) và có 2 năm tập trung nghiên cứu Đề tài “Tối ưu nạp tải nhiên liệu lò phản ứng hạt nhân” tại ĐH Nagoya, Nhật Bản.
Hoàn thành chương trình postdoc tại ĐH Nagoya, TS. Trần Hoài Nam chuyển sang làm việc tại ĐH Công Nghệ Chalmers, Thụy Điển. Với mong muốn cống hiến tài năng cũng như trí tuệ cho đất nước, TS. Nam đã quyết định trở về nước và lựa chọn Viện Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ cao, ĐH Duy Tân làm nơi phát triển sự nghiệp của mình. Tại đây, TS. Nam đã tập trung xây dựng, phát triển các hướng nghiên cứu về mô phỏng Vật lý Lò Phản ứng, đồng thời tham gia giảng dạy một số môn Vật lý cho khoa Khoa học Tự nhiên. Các hướng nghiên cứu hiện nay của TS. Nam đang được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học & Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) bao gồm: (1) Nghiên cứu thiết kế nhiên liệu mới cho lò phản ứng hạt nhân trong đó có lò phản ứng thế hệ mới (thế hệ IV), (2) Nghiên cứu tối ưu thay đảo nhiên liệu lò phản ứng và (3) Nghiên cứu chuẩn đoán an toàn hoạt động của lò phản ứng thông qua phân tích nhiễu nơtron.
Cho đến nay, TS. Trần Hoài Nam đã có nhiều công bố quốc tế, trong đó có 20 bài báo thuộc danh mục ISI và nhiều công bố khác được đăng tải tại các Hội nghị Quốc tế và trong nước. Với cụm công trình về "Thiết kế cải tiến và chuẩn đoán an toàn lò phản ứng hạt nhân" gồm 9 bài báo đăng tải trên các tạp chí uy tín trong 3 năm gần đây, TS. Trần Hoài Nam được Hội Vật lý Lý thuyết Việt Nam trao tặng Giải thưởng Nghiên cứu trẻ năm 2016.
Nhận được giải thưởng danh giá, TS. Trần Hoài Nam chia sẻ: “Tôi rất vui khi nhận được giải thưởng ý nghĩa này. Đây chính là sự ghi nhận đối với những thành quả trong suốt quá trình làm nghiên cứu của riêng bản thân tôi đồng thời là sự khích lệ dành cho những nhà khoa học đang theo đuổi trong nghiên cứu về Vật lý Lò Phản ứng Hạt nhân, chuyên ngành hiện vẫn còn rất mới ở Việt Nam. Đối với các nhà khoa học trẻ mới về nước, điều quan trọng là cần tìm được môi trường làm việc thuận lợi để đảm bảo cuộc sống, duy trì đam mê nghiên cứu và từng bước xây dựng được nhóm nghiên cứu cho riêng mình. ĐH Duy Tân với việc thành lập Viện Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ Cao đã thu hút được rất nhiều Tiến sĩ trẻ tốt nghiệp ở nước ngoài về nước lập nghiệp. Cũng giống như các đồng nghiệp khác, tôi đã nhận được sự quan tâm đầu tư và tạo mọi điều kiện tốt nhất từ Nhà trường. Từ môi trường này, tôi có được sự "tự do" để tiếp tục phát triển đam mê khoa học của mình, để cống hiến và góp phần đẩy mạnh hơn hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học.”