Nhà giáo Nhân dân chuyên lo chuyện "bao đồng" mùa dịch
(Dân trí) - Về hưu nhưng Nhà giáo Nhân dân Hồ Thanh Phong không chút nghỉ ngơi, thầy vẫn lên lớp dạy sinh viên rồi "cơn bão" Covid-19 ập đến vị giáo già cũng không thể đứng yên.
Không thể làm ngơ trước cảnh dân đói khổ
Nhìn những hình ảnh các gia đình nghèo vất vả chống chọi với cơn đói trong dịch bệnh, vị thầy giáo 63 tuổi lên mạng xã hội kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp chung tay giúp đỡ người nghèo. Ngoài giờ dạy online, người thầy ấy vẫn rong ruổi ở những con đường, hẻm nhỏ chuyển gạo cho những hoàn cảnh khó khăn.
Lúc bệnh dịch tại TPHCM đạt đỉnh, ông lại cùng cộng sự nghĩ ra mô hình khám chữa bệnh tư vấn từ xa để bớt gánh nặng lên các cơ sở y tế. Cứ thế, suốt 5 tháng TPHCM "gồng mình" trước dịch bệnh thì từng ấy thời gian thầy Phong cũng nỗ lực không ngừng góp sức dù không còn ở lứa tuổi thanh xuân.
"Ban đầu việc thiện nguyện của tôi xuất phát từ suy nghĩ cá nhân bởi tôi thấy bà con mình khổ quá. Khi thiên tai dịch họa kéo đến, bà con nghèo chính là đối tượng dễ tổn thương nhất, nhiều bà con không biết trông cậy nơi ai, tôi đã bàn với các bạn của mình, đồng nghiệp của mình quyết định chương trình tặng gạo", thầy Phong kể lại.
Nhờ các cựu sinh viên Cơ khí trường ĐH Bách Khoa TPHCM (trường thầy đang dạy - PV) trong nhóm giúp sức và những chiếc máy ATM băng chuyền gạo ra đời từ đó. Đến cuối tháng 6 sau gần một tháng kêu gọi, nhóm từ thiện của thầy Phong đã cùng nhau quyên góp mua được hơn 100 tấn gạo trong giai đoạn đầu.
Cuối tháng 7, thành phố bước vào đỉnh dịch với hàng ngàn ca F0 mỗi ngày, các bệnh viện dã chiến thành lập liên tục nhưng thiếu thốn cơ sở vật chất, thuốc thang, thiết bị do chưa kịp điều đến. Nhóm thầy Phong lại kêu gọi thêm thành viên, chuyển hướng mua đồ bảo hộ, khẩu trang, thuốc dùng để tặng cho các y bác sĩ tuyến đầu.
Khi TPHCM trở thành điểm dịch nóng, ai cũng ngại ra đường vì sợ Covid nhưng thầy Phong vẫn xung phong đi phát gạo từ thiện cùng bao người trẻ. Đem thắc mắc ấy hỏi thì vị giáo già bộc bạch: "Lúc đầu đi đưa gạo, tặng gạo, tôi cũng hồi hộp lắm vì tuổi mình cũng dễ bị virus này tấn công nhưng cứ thấy mình không thể không làm gì được… Có lẽ sự mong muốn chia sẻ khó khăn với bà con lớn hơn nỗi sợ, tôi suy nghĩ đơn giản là trong hoàn cảnh này, mình giúp được gì cho ai thì nên giúp".
"Ngoài tham gia từ thiện, tôi đang dạy trực tuyến các môn chuyên ngành thỉnh giảng cho Bộ môn Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp và Logistics trường ĐH Bách Khoa TPHCM.
Thú thật là mệt, đôi khi đuối sức nhưng cứ nghĩ đến niềm vui của người được hỗ trợ thì tôi và anh em lại cố gắng tiếp tục thôi", thầy giáo Hồ Thanh Phong chia sẻ.
"Đã biết sẽ giúp đến cùng"
Vào đầu tháng 8, các bệnh viện đều quá tải và thành phố cho phép F0 điều trị tại nhà thì thầy Phong cùng cộng sự đã họp nhanh và quyết định thành lập mô hình khám chữa bệnh tư vấn từ xa (telemedicine).
Chia sẻ những lo lắng, hoang mang của bệnh nhân, nhóm tận tình giúp đỡ, từ bệnh nhẹ cho đến nặng đều được tư vấn, cấp thuốc, trợ giúp oxy cho đến hỗ trợ nhập viện. Trong giai đoạn cao điểm mỗi ngày có đến 100 bệnh nhân "cầu cứu" đến nhóm thầy Phong và đến nay, số ca F0 được nhóm hỗ trợ lên đến hơn 35.400 ca, trong đó gần 23.100 ca đã hồi phục.
Những nỗ lực của nhóm đã được ghi nhận, thầy Phong mừng rỡ báo tin "Được sự ủng hộ của chính quyền thành phố, Sở Y tế đã cho phép nhóm được triển khai thí điểm mô hình hoạt động "Chương trình SPO2 tại nhà" trên các địa bàn quận 6, quận 10, Bình Tân". Dù từ cuối tháng 9 đến nay, số ca F0 cũng giảm tuy nhiên thầy Phong cho biết nhóm vẫn duy trì hoạt động giúp đỡ bà con với phương châm "Đã biết thì giúp đến cùng".
Vị hiệu trưởng được nhiều sinh viên quý nhất
PGS. TS Hồ Thanh Phong nguyên là hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) giai đoạn từ năm 2007-6/2018. Với những đóng góp cho ngành giáo dục, năm 2017 PGS. TS Hồ Thanh Phong được phong tặng Danh hiệu Nhà giáo nhân dân của Chủ tịch nước.
Khi làm lãnh đạo trường, thầy Phong được học trò rất yêu mến gọi là "Thầy hiệu trưởng bất thường" vì sự gần gũi với sinh viên. Khi có điều gì chưa hài lòng, sinh viên đều có thể gửi email hoặc trực tiếp trình bày với thầy tại phòng làm việc.
Rời ghế quản lý trường công, thầy Phong có 2 năm làm hiệu trưởng một trường đại học tư và với tư chất của mình, ở nơi này thầy cũng được nhiều sinh viên quý mến. Thậm chí, trên diễn đàn sinh viên của trường này, nhiều sinh viên bày tỏ "nếu có điều ước thì chỉ mong thầy Phong quay về".