Nguyện vọng 3: Cuối đường là đóng cửa ngành
(Dân trí) - Hôm nay 30/9, hạn chót xét tuyển NV3 đại học, cao đẳng. Trong khi những trường công lập đã ung dung bước vào năm học mới thì có những trường dân lập ngậm ngùi đóng cửa một số ngành đào tạo vì không tuyển đủ chỉ tiêu.
Ngoại ngữ: “Chết” khi chưa về đích
Một vài năm gần đây, ngành ngoại ngữ đã tỏ ra suy yếu. Tuy nhiên, đấy là tình trạng của những ngôn ngữ khó như tiếng Nhật hay tiếng Trung. Còn giờ đây, ngay cả tiếng Anh cũng mất dần sức hút của nó.
Kết thúc mùa tuyển sinh năm ngoái, trường ĐH Văn hiến (TPHCM) phải chuyển những thí sinh ở ngành tiếng Trung và tiếng Nhật sang ngành tiếng Anh kinh thương. Lí do là chỉ có 2 bộ hồ sơ nộp vào tiếng Nhật, tiếng Trung. Ngỡ năm nay tình hình không quá bi đát đối với ngành tiếng Anh nhưng chiều hôm qua (29/9), Ths Nguyễn Quốc Hợp, Trưởng phòng đào tạo cho hay sẽ không thể mở ngành tiếng Anh kinh thương được nữa vì nhận quá ít hồ sơ.
Còn tại trường ĐH Hùng Vương (TPHCM), tính đến chiều 29/9, ngành tiếng Nhật chỉ có khoảng 5 hồ sơ trong khi chỉ tiêu là 50. Nếu đến chiều hôm nay, lượng hồ sơ không tăng lên trên con số 20 thì điều tất yếu là ngành này cũng sẽ không được mở ra. Phương án chính thức chưa có nhưng khả năng sẽ chuyển thí sinh trúng tuyển sang ngành khác cùng khối thi.
Tại trường ĐH Võ Trường Toản (tỉnh Hậu Giang), bà Lê Thị Hà, Phó hiệu trưởng cho hay đã thông báo đóng cửa ngành tiếng Anh. Lí do cũng chỉ vì không đủ hồ sơ nộp vào. Nhà trường đã tư vấn để thí sinh chọn ngành khác hoặc có thể rút hồ sơ nộp vào một trường đại học khác.
Tình hình cũng không mấy sáng sủa ở những ngành ngoại ngữ thuộc các trường ngoài công lập khác. Nhận được chỉ bằng một nửa so với chỉ tiêu nhưng các trường cũng đành bấm bụng mở ngành đào tạo. Ngành tiếng Anh của ĐH Hùng Vương hiện nay chỉ có 21 hồ sơ trên chỉ tiêu là 50. Tuy nhiên, theo Ths Nguyễn Thị Mai Bình, Trưởng phòng đào tạo của trường thì chỉ cần 20-30 sinh viên là có thể mở lớp, không cần đến đủ chỉ tiêu là 50.
Ngành tiếng Trung và Trung Quốc học của trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM cho đến chiều hôm qua cũng chỉ mới nhận được 40 hồ sơ. Ngành tiếng Anh của trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TPHCM cũng chỉ có khoảng 20 sinh viên vừa mới nhập học và có thêm 10 hồ sơ NV3 nữa vừa nộp vào.
Những ngành học ế ẩm
Có những ngành học mà chỉ mới nhìn tên gọi thôi là thí sinh đã nghĩ đến cảnh sau này ngán ngẩm đường xin việc. Những ngành này trong mùa tuyển sinh năm nay, cái thì bị đóng cửa, cái thì đìu hiu vắng lạnh. Muốn sống được, phải nhờ cậy lẫn nhau bằng cách nhập hai ngành thành một lớp.
Tại trường ĐH An Giang, đã 2 năm liền, các ngành như SP Kỹ thuật nông nghiệp, SP Kỹ thuật công nghiệp, Tài chính doanh nghiệp đều không thể mở lớp vì không đủ sinh viên. Trường phải bảo lưu kết quả chờ năm sau hoặc tự chuyển ngành cho thí sinh. Năm nay, ngành SP Kỹ thuật nông nghiệp cũng chỉ nhận được có 8 hồ sơ.
Hai ngành Việt Nam học và Văn hóa học của ĐH Văn Hiến cũng phải đóng cửa vì không đủ sinh viên. Trường đề ra hai phương án là lựa chọn ngành học khác cùng trường, hoặc sẽ chuyển các em sang trường khác có cùng ngành. Năm ngoái, hai ngành này cũng lâm vào cảnh đìu hiu chợ chiều như thế.
Ngành Xã hội học ở trường này tính đến ngày hôm qua cũng chỉ nhận được 20 hồ sơ. Lượng hồ sơ vừa không quá ít để có thể đóng cửa ngành, vừa không đủ nhiều để mở lớp khiến trường băn khoăn không biết tính toán làm sao. Trong khi chỉ cần khoảng chục bộ hồ sơ nữa là có thể êm ấm khai giảng cho ngành học này.
Tại ĐH Hùng Vương, ngành Công nghệ sau thu hoạch nhận thêm được 12 hồ sơ từ NV3, đưa tổng số sinh viên có thể nhập học lên đến 40. Tuy nhiên, không ai dám chắc đến ngày học, liệu có bị vơi đi hay không.
Với 5 bộ hồ sơ từ NV3, ngành Công nghệ tự động của ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM có khoảng 25 sinh viên. Phương án của trường là sẽ cho sinh viên ngành này học ghép với ngành Cơ khí tự động. Một số ngành ở hệ cao đẳng như Khoa học vật liệu ở trường CĐ Kinh tế công nghệ đến nay chỉ có vài bộ hồ sơ xét tuyển.
Tình trạng khan hiếm NV3 khiến nhiều trường hết sức bất ngờ. ĐH Văn Hiến chỉ có 500 hồ sơ trên tổng chỉ tiêu 800. ĐH Hùng Vương nhận được 200 hồ sơ trên chỉ tiêu 662 hệ đại học. Tính cả chỉ tiêu hệ đại học và cao đẳng thì ĐH Hùng Vương còn thiếu 200 hồ sơ nữa. ĐH Võ Trường Toản chỉ đạt 80% so với chỉ tiêu.
ThS Nguyễn Quốc Hợp, trường ĐH Văn Hiến cho biết năm nay ngành ngoại ngữ phải đóng cửa cho thấy nhu cầu xã hội đối với ngành này không còn nóng như những năm trước. Tuy nhiên, việc khá nhiều trường thiếu chỉ tiêu tuyển sinh là điều hơi khó hiểu vì tuy điểm năm nay không cao nhưng nguồn tuyển sinh NV3 theo như thống kê thì không phải quá hiếm.
Trong khi đó, ThS Nguyễn Thị Mai Bình, trường ĐH Hùng Vương cho rằng thiếu chỉ tiêu có lẽ vì điểm thi năm nay của các em quá thấp, điểm chuẩn của trường năm nay không cao lắm nhưng vẫn ít thí sinh.
Chung nhận định này, bà Lê Thị Hà, Phó hiệu trưởng trường ĐH Võ Trường Toản cho rằng có nhiều thí sinh ở ĐBSCL muốn học ngành tiếng Anh nhưng điểm thi dưới sàn nên không thể vào đại học được.
Hiếu Hiền