Nguyện vọng 3 cạn nguồn
Khi thời hạn nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 3 chỉ còn một tuần, các trường ĐH, CĐ càng lo lắng vì thí sinh nộp hồ sơ rất thưa thớt. “Hiện giờ, chúng tôi đang trông chờ từng ngày, ráng tuyển thêm được thí sinh nào hay thí sinh đó”.
Ông Lý Ngọc Đức, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM, cho biết.
Đến thời điểm này, trường chỉ mới nhận được khoảng 20 hồ sơ xét tuyển nguyện vọng (NV) 3 trong khi chỉ tiêu là 180.
Khan hiếm hồ sơ
Tình hình nộp hồ sơ NV3 tại các trường khác cũng “ế ẩm” không kém. Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM chỉ mới nhận được khoảng 500 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu NV3 trên 800.
Bà Nguyễn Thị Mai Bình, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Hùng Vương, cũng cho biết hiện trường mới chỉ nhận được khoảng 400 hồ sơ xét tuyển NV3 trong khi chỉ tiêu hơn 1.000. Trong đó, các ngành ngoại ngữ, kỹ thuật hiện nhận được rất ít hồ sơ.
Bà Ngô Thị Mỹ Lan, Phó Phòng Tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, cũng thông tin trường xét tuyển NV3 120 chỉ tiêu nhưng đến nay số hồ sơ nhận được không đáng kể.
Tại Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, một trong số ít trường ĐH công lập xét tuyển NV3, tình hình cũng không mấy khả quan. Ông Lê Tấn Phát, hiệu phó nhà trường, cho biết 2 ngành xét tuyển NV3 là quản trị kinh doanh và kế toán - kiểm toán là ngành mới nên TS không quan tâm nhiều và số TS đạt điểm 18,5-20 điểm đến thời điểm này thường đã có sự lựa chọn nên trường chỉ hy vọng tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu.
Bà Nguyễn Thị Phương Nga, Trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM, cũng cho biết trường rất trông chờ vào việc tuyển NV3, thế nhưng hiện nay hồ sơ cũng rất thưa thớt.
Do điểm sàn hay học phí cao?
Nguồn tuyển NV3 trong cả nước ước tính còn khoảng gần 300.000 (hơn 120.000 TS đạt điểm sàn ĐH, khoảng 150.000 TS đạt điểm sàn CĐ) so với tổng chỉ tiêu xét tuyển NV3 của các trường ĐH, CĐ xấp xỉ 45.000. Như vậy tại sao số hồ sơ NV3 các trường nhận được lại ít ỏi?
Nguyên nhân của việc tuyển sinh NV3 khó khăn, theo ông Ngô Cao Cường là do tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu học cũng chững lại khi mức học phí tại các trường có xu hướng tăng cao. Bên cạnh đó, điểm sàn cao so với mặt bằng chung cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho số TS đủ tiêu chuẩn khan hiếm hơn. Ở một góc độ khác, ông Lý Ngọc Đức cho rằng các trường thường tuyển NV3 ở những ngành vốn đã khó tuyển từ các NV trước nên dù có tuyển thêm cũng khó thu hút TS.
Giải pháp giảm học phí
Trước thực trạng thí sinh NV3 khan hiếm, các trường hiện đang lo tìm mọi giải pháp. Bà Nguyễn Thị Mai Bình cho biết trường đã tính tăng mức học phí lên 8.500 đồng/tiết, tuy nhiên trước tình hình tuyển sinh khó khăn, trường đành giữ mức học phí cũ là 7.500 đồng/tiết với hy vọng “ghi điểm” với TS. Bên cạnh đó, ngành kỹ thuật xây dựng do số lượng hồ sơ nộp rất ít nên trường đã giảm 20% học phí cho TS vào ngành này.
“Trường đã quyết định tổ chức đào tạo 30 sinh viên mỗi lớp nếu ngành đó không tuyển đủ chỉ tiêu và điều chỉnh những ngành thừa hồ sơ sang ngành thiếu hồ sơ để vớt TS”- bà Nguyễn Thị Mai Bình nêu giải pháp. Trong khi đó, ông Lý Ngọc Đức cho biết nếu tuyển NV3 vẫn không đủ, trường đành phải chuyển TS ngành này sang ngành khác hoặc liên kết đào tạo với các trường để không đóng cửa ngành học.
Không chỉ lo không tuyển đủ chỉ tiêu mà số vớt vát được, các trường vẫn chưa yên tâm. Tại Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, ông Lê Tấn Phát cho biết hằng năm có khoảng 50% TS NV3 bỏ học. “Những TS quyết tâm lắm mới chọn NV3 nhưng đó không phải là sở thích của các em nên vào học một thời gian, các em sẽ bỏ”- ông Lê Tấn Phát nói.
Theo Thùy Vinh
Người Lao Động