Nguyện vọng 2, 3: Ngoại ngữ “thất sủng”

Trường ĐHDL Văn Hiến đã phải ngưng xét tuyển 4 ngành ngoại ngữ. Trường DL Kỹ thuật công nghệ cũng ngưng đào tạo ngành tiếng Anh. Các ngành ngoại ngữ... thất sủng với thí sinh nộp NV2, NV3.

Sau một tuần nhận hồ sơ NV3, các trường ĐHDL đang tìm cách thu hút thí sinh. Theo thống kê của nhiều trường, chất lượng đầu vào của NV3 có khả năng tốt hơn đợt xét tuyển trước.

 

Hồ sơ xét tuyển rải rác

 

Cho đến nay, trường ĐHDL Hùng Vương đã nhận được 450 hồ sơ xét tuyển NV3 cho tất cả các ngành. Tuy chỉ tiêu NV3 của trường chỉ 330, nhưng theo thông tin từ Phòng Đào tạo, con số tuyển vào sẽ phải lên đến 700 - 800. Bởi số thí sinh đến nhập học NV1, NV2 cho đến nay chỉ khoảng 45-50%.

 

Trường ĐHDL Văn Hiến cũng nhận được 221 hồ sơ (tính đến ngày 19/9). Có những ngành nhận được 60, 70 hồ sơ xét tuyển như Du lịch, Kinh tế; nhưng cũng có những số lượng hồ sơ gởi đến chỉ đếm trên đầu ngón tay (Tâm lý học: 3 hồ sơ, Văn hoá học: 5 hồ sơ).

 

Mỗi ngày, Trường ĐHDL Kỹ thuật Công nghệ TPHCM nhận được vài chục hồ sơ xét tuyển NV3 cho tất cả các ngành. Tuy nhiên, số lượng không nhiều như NV2. Trường còn 650 chỉ tiêu cho NV3, nhưng cho đến hôm nay, số hồ sơ còn thiếu khoảng 400. Trường cũng đưa ra phương án lấy ngành có nhiều SV để bù cho những ngành thiếu chỉ tiêu.

 

ĐHDL Hồng Bàng tuyển 400 SV cho NV3. Nhưng sau một tuần nhận hồ sơ xét tuyển, số còn thiếu là 350. TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng nhà trường nhìn nhận: "Chúng tôi hy vọng đến hết ngày 30/09, số hồ sơ xét tuyển sẽ đủ với chỉ tiêu đào tạo của trường".

 

Để thu hút thí sinh đến với trường, các trường ĐH ngoài công lập đã có nhiều phương án xét tuyển linh hoạt. Trường ĐHDL Văn Hiến cập nhật thông tin số lượng hồ sơ nộp NV3 của từng ngày từng ngành để thí sinh tiện theo dõi và có đầy đủ dữ liệu thuận lợi cho việc nộp hồ sơ xét tuyển. Thí sinh chỉ cần trên điểm sàn, mang hồ sơ trực tiếp đến trường để nộp NV3 sẽ được cấp ngay giấy trúng tuyển và làm hồ sơ nhập học ngay.

 

Còn trường ĐHDL Kỹ thuật Công nghệ TPHCM thì không xét tuyển theo ngành mà theo khối thi. Chỉ cần đúng khối tuyển thì thí sinh có thể đăng ký vào ngành mình thích mà không có giới hạn. Chính vì thế, thí sinh có điểm từ điểm sàn trở lên thì sẽ được vào trường và học ngành mình yêu thích.

 

ĐHDL Hồng Bàng thu hút thí sinh bằng chương trình liên thông của mình. Điểm thí sinh trên sàn nào thì nhận vào học hệ đó. Dưới sàn CĐ thì vào trung học chuyên nghiệp và sẽ được liên thông sau này.

 

Đầu vào tốt hơn

 

Một tín hiệu vui mà nhiều trường ĐH ngoài công lập đang mừng, chất lượng thí sinh xét tuyển NV3 cao hơn NV2.

 

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐHDL Hồng Bàng vui vẻ: "Không như những hồ sơ nộp NV2, điểm chỉ 14,15. Các thí sinh nộp NV3 tại trường có điểm 18, 19 khá nhiều. Đây là điều đáng mừng, đầu vào tốt thì chất lượng sẽ cao".

 

Cũng chung niềm vui, TS Nguyễn Quốc Hợp, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐHDL Văn Hiến cho hay: "Chất lượng đầu vào khá cao. Hầu hết các thí sinh đều không đủ điểm NV2 ở các trường công lập nên tìm cơ hội NV3 ở các trường dân lập".

 

Theo TS Hợp, điều này sẽ giúp cho chất lượng đào tạo tốt hơn. Tuy nhiên, sẽ không ảnh hưởng đến việc xét tuyển NV3 của các thí sinh có điểm thấp. Bởi hầu hết các trường ngoài công lập đều lấy điểm xét tuyển bằng điểm sàn.

 

Với lượng hồ sơ xét tuyển NV3 gửi về ĐHDL Kỹ thuật công nghệ TPHCM, ông Trần Xuân Thành, Phó phòng Đào tạo trường cho biết: "Chất lượng đầu vào đối với NV3 khá chênh lệch. Có nhiều hồ sơ gửi đến với số điểm 20, 21. Không như số hồ sơ xét tuyển NV2, đa số bằng điểm sàn". Ông Thành còn giải thích: "Các thí sinh này không đủ điểm để vào các ngành có điểm cao của các trường công lập. Với đầu vào khá chất lượng, chúng tôi tin rằng công tác đào tạo sẽ tốt hơn".

 

Tại trường ĐHDL Hùng Vương, theo nhận định, điểm của thí sinh xét tuyển NV3 có nhiều trường hợp rất cao, vượt hơn sàn 4 - 5 điểm. Theo ThS Nguyễn Thị Mai Bình - Trưởng phòng Đào tạo, Phó Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh nhà trường, "đầu vào NV3 cao như thế là điều đáng vui cho các trường ngoài công lập. Ở ngành nào cũng có những thí sinh có điểm thi tốt nộp hồ sơ để xét tuyển".

 

Ngoại ngữ bị... chê

 

Năm học 2006-2007, Trường ĐHDL Văn Hiến ngưng xét tuyển 4 ngành ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Pháp và tiếng Nhật. Lý do ngưng đào tạo vì không đủ lượng sinh viên theo chỉ tiêu đề ra. Theo thống kê, với ngành tiếng Anh và tiếng Nhật có 1 hồ sơ NV1, đến NV2 thì được thêm 8 hồ sơ xét tuyển nữa.

 

Nhưng ngành tiếng Trung thì cả hai nguyện vọng chỉ được 2 hồ sơ xét tuyển. Bi kịch hơn, ngành tiếng Pháp không có hồ sơ nào xét tuyển.

 

Nhận định về tình hình này, theo TS Nguyễn Quốc Hợp: "Khá nhiều trường cũng thiếu nguồn tuyển các ngành khối ngoại ngữ. Bởi thí sinh đã nhận ra  khó mà kiếm một nghề với tấm bằng ĐH ngành này. Thí sinh cũng biết rằng, ngoại ngữ chỉ là phương tiên trợ giúp cho một nghề nào đó. Và thời điểm này, cung hầu như đã vượt cầu".

 

TS Nguyễn Quốc Hợp nhận định thêm: "Đây cũng là tín hiệu đáng mừng, bởi học sinh đã chín chắn hơn trong việc chọn ngành nghề cho tương lai của mình. Thực tế cũng cho thấy, sinh viên ngành ngoại ngữ ra trường thường phải học thêm một nghề nào đó thì mới đi làm được".

 

Theo ông Hợp, hiện nay số thí sinh trúng tuyển NV2 vào các ngành trên đến làm thủ tục nhập học rất ít. Đối với những thí sinh đến làm thủ tục nhập học, nhà trường có giải thích rõ ràng lý do ngưng đào tạo 4 ngành trên và tư vấn để thí sinh chuyển sang ngành khác cùng khối thi. Cụ thể là ngành Du lịch. Riêng những thí sinh vẫn có nguyện vọng học ngoại ngữ thì nhà trường chủ động liên hệ với các trường ĐH ngoài công lập khác để chuyển các thí sinh này đến học.

 

Cũng năm học này, trường ĐHDL Kỹ thuật công nghệ TPHCM ngưng xét tuyển ngành tiếng Anh.

 

Ông Trần Xuân Thành, Phó phòng Đào tạo của trường cho biết: "NV1, NV2 chỉ nhận được 7 hồ sơ xét tuyển. Vì thế, thí sinh đến làm thủ tục nhập học chúng tôi tư vấn để các em chuyển sang ngành Quản trị hoặc Công nghệ thông tin". Các thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành tiếng Anh của trường hầu hết đều có nguyện vọng chuyển sang ngành Quản Trị.  

Theo Đoan Trúc 
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm