Nguyễn Chí Hiếu - 1/100 sinh viên xuất sắc nhất thế giới

(Dân trí) - Đến nước Anh một cách tình cờ “nghe lời bạn rủ đi thi thử, ai dè lại được học bổng”, cậu sinh viên “chưa bao giờ tự học quá 8h/tuần” này đã vượt qua rất nhiều đối thủ khác để trở thành 1 trong 100 sinh viên xuất sắc nhất thế giới 2006 - Giải thưởng thường niên do Viện giáo dục quốc tế IIE bình bầu.

Hiện, Nguyễn Chí Hiếu đang học năm cuối ngành kinh tế của Học viện Kinh tế và Chính trị London (LSE) - Vương quốc Anh.

 

Hiếu đón nhận niềm vui được bầu chọn là 1 trong 100 sinh viên xuất sắc nhất thế giới năm 2006 như thế nào?

 

Mình biết tin qua email từ Hội đồng bình chọn đúng lúc đang ôn thi cuối năm 2 (tháng 5/2006). Mệt mỏi tan biến hết, tinh thần như được lên “dây cót”, mình ôn thi càng hiệu quả hơn và đặc biệt là có nhiều thời gian tham gia hoạt động ngoại khoá hơn.

 

Khi nghe tin thì thấy vui lắm, một chút tự hào nữa vì nghĩ đó là một món quà cho công sức đã bỏ ra, một sự tự khẳng định mình để tạo ra động lực mới trong học tập và cuộc sống. Nhưng khi đi nhận giải thưởng, được nghe một số nhà lãnh đạo, nhân vật nổi tiếng cũng như ban tổ chức nói chuyện, mình cảm thấy còn rất nhiều việc phải làm nếu là một “Goldman Sachs Global Leader” (nhà lãnh đạo tương lai).

 

Những công việc từ thiện, những dự án phát triển cộng đồng… khiến cuộc sống sinh viên của mình đỡ nhàm chán hơn, lên “tinh thần” phục vụ cho việc học, đi nhiều nơi, quen với nhiều bạn hơn do được sống trong một tập thể gồm 600 cá nhân xuất sắc, sử dụng quỹ thời gian rảnh rỗi một cách hiệu quả… và điều quan trọng nhất là nó khiến mình thật sự trưởng thành cũng như học hỏi được nhiều điều. 

 

Hoạt động ngoại khoá nhiều, chắc hẳn bạn phải có bí quyết riêng để có những thành tích xuất sắc trong học tập?

 

Nguyễn Chí Hiếu từng tham gia tổ chức, đạo diễn chương trình “Good morning, Vietnam!”.

 

Tổ chức, đạo diễn sân khấu và MC cho đêm nhạc Trịnh Công Sơn ở Anh.

 

Giúp các bạn sinh viên Việt Nam ở trường khác tại Anh tổ chức thành công các lễ hội văn hóa Việt Nam.

 

Tình nguyện dạy thêm cho học sinh cấp I-II-III ở những trường học công lập còn gặp nhiều khó khăn thiếu thốn tại London, Anh...

Thực ra cũng chẳng phải bí quyết gì, chỉ là khi tiếp cận một kiến thức mới phải hiểu thật sâu. Trong năm học, một tuần thời gian mình tự học thật sự không nhiều (trừ mùa thi cuối năm), có tuần mình “lười” quá, chẳng học chữ nào vì bận… các họat động ngọai khóa nhưng mình luôn đảm bảo một điều: thầy cô giảng gì, không cần phải nhớ hết mà chỉ cần hiểu hết, như thế khi quay lại ôn tập sẽ dễ và nhanh hơn nhiều.

 

Những năm học xa nhà, bạn thấy thế nào?

 

Cuộc sống bên đây giúp mình trưởng thành rất nhiều. Đơn giản từ việc biết nấu ăn (chưa kể là ngon nữa), biết giặt đồ, đi chợ... cho đến những mặt xã hội như cách giao tiếp, làm việc với tập thể... Nhưng có lẽ trưởng thành nhất là trong nhận thức và suy nghĩ của mình: nhìn nhận một vấn đề không còn đơn giản từ một khía cạnh mà phải tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau.

 

Điều mình cực ấn tượng ở đây là bạn có thể tự lựa chọn lối sống của riêng mình mà không cần phải điều chỉnh theo những người xunh quanh, nó tạo cho bạn một trạng thái cân bằng thật sự. Mỗi khi rảnh rỗi, mình lại chơi đàn piano (mình tự học đã được hơn 1 năm), tập thể dục, tụ tập nấu các món Việt Nam ở nhà bạn bè cho đỡ nhớ nhà, đi xem phim hoặc dã ngoại…

 

Dân Anh nổi tiếng là “phớt Ănglê”, chắc hẳn giới trẻ ở đó cũng vậy?

 

Đó cũng là những gì mình nghĩ về họ trước khi sang đây, nhưng thật ra thì không phải vậy. Đặc biệt là giới trẻ Anh - họ học được mà chơi cũng được lắm và khá thân thiện. So với dân mình, giới trẻ Anh có lẽ thiếu sự cần cù, chăm chỉ và những ràng buộc về tình cảm trong gia đình nhìn chung không sâu sắc như chúng ta.

Nhưng bù lại, họ rất sáng tạo. Đặc biệt các kỹ năng giao tiếp xã hội và họat động ngoại khóa của họ phong phú hơn giới trẻ Việt Nam rất nhiều. Trường đại học nào cũng có hàng trăm Câu lạc bộ do sinh viên tổ chức và tuần nào cũng có các hoạt động lớn.

 

Như vậy, chương trình học ở Anh không nặng như ở Việt Nam?

 

Chương trình học ở đây không hề nặng nề chút nào (chỉ học 12 tiếng/1tuần, trong đó 8 tiếng tự chọn và 4 tiếng bắt buộc) nhưng lại có tính thực tiễn cao. Thầy giảng - trò nghe, ai thích thì ghi chú, không thích thì thôi.

 

Thầy cô luôn biết lắng nghe, không áp đặt mà khuyến khích sự sáng tạo, biết tiếp nhận ý kiến của sinh viên và sửa sai. Thông thường, mỗi một môn học có 2 tiết trên giảng đường lớn để nắm bắt vấn đề và thêm một tiết lên lớp (10-15 sinh viên) để sinh viên có dịp đi sâu cũng như tranh luận với thầy cô hoặc thắc mắc tại phòng làm việc riêng.

 

Tài liệu giảng dạy thường được đưa lên mạng, để ai không tham dự lớp học vẫn có thể xem tại nhà. Sinh viên thường hay học nhóm, đặc biệt là vào mùa ôn thi, vừa để chia bớt công việc (tóm tắt tài liệu) vừa có cơ hội học hỏi lẫn nhau.

 

Một phòng thi ở đây có thể lên tới 100 sinh viên với 2-3 giám thị nhưng họ rất... rảnh. Mọi người đều nghiêm túc làm bài vì hình phạt cho việc gian lận là vô cùng nặng: có thể đánh trượt môn thi đó và nặng hơn thì đánh trượt tất cả các môn khác.

 

Đề thi chỉ kiểm tra sự hiểu biết và khả năng áp dụng kiến thức chứ không kiểm tra trí nhớ, có đem tài liệu vào thì cũng không xài được... Dù vậy, sinh viên cảm thấy rất thoải mái bởi họ có thể được mang nước uống và thức ăn nhẹ vào phòng thi, miễn không gây tiếng ồn và ảnh hưởng đến các sinh viên khác. 

 

Xin cảm ơn và chúc bạn thành công hơn nữa!

 

“Điểm mặt” một vài thành tích của Nguyễn Chí Hiếu

 

- Đạt giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh + tuyển thẳng đại học.

 

- 2002-2004: Học dự bị đại học (A-levels) - đoạt học bổng 100% của trường Cambridge Tutors College (CTC). Vượt qua 330.000 sinh viên giành danh hiệu Thủ khoa nhóm Toán - Thống kê của kỳ thi A-level; một trong ba Huy chương Vàng giải “Richard Smart Joint Gold Medal” của tổ chức CIFE (bao gồm 17 trường dự bị đại học) dành cho 3 sinh viên A-level xuất sắc nhất. Được học bổng 100% của trường LSE.

 

- 2005: Giải “C.S. Mac Taggart Prize” dành cho sinh viên thủ khoa năm 1 của trường LSE.

 

- 2006: 1 trong 100 sinh viên xuất sắc nhất thế giới 2006.

 

Hồng Anh
(Thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm