Người xin trợ cấp cho cán bộ khuyến học
(Dân trí) - Đó là chú Ba Phong, cựu Bí thư tỉnh ủy Long An và hiện là Chủ tịch hội Khuyến học tỉnh Long An. Chú Ba Phong đã quyết tâm xin được trợ cấp theo kiểu biên chế nhà nước cho cán bộ khuyến học từ cấp tỉnh cho đến huyện, xã ở tỉnh Long An.
Chú Ba Phong, tên thật là Phạm Thanh Phong, làm Bí thư tỉnh ủy Long An từ năm 1993. Năm 1999, ông ra Hà Nội làm nhiệm vụ trong Ban chỉnh đốn Đảng, Ủy viên TW Đảng. Năm 2003, ông về hưu, trở thành hội viên danh dự của Hội Khuyến học tỉnh Long An. Cuối năm 2008, ông làm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Long An và là thành viên Ban chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam.
Kể từ khi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Long An, chú Ba Phong quyết định sẽ đi thật nhiều, đi để kiểm tra, để hiểu hơn hoạt động khuyến học của tỉnh nhà. Những lần đi thực tế đã làm chú Ba thấy đời sống của người làm khuyến học còn khó khăn lắm nhưng họ rất hăng hái làm công việc xã hội.
Có lần chú Ba xuống huyện Thủ Thừa thì mới biết Hội Khuyến học huyện được nhận 1 triệu đồng. Trong đó chi cho ông chủ tịch hội 700 ngàn đồng để sinh hoạt trong một tháng, còn lại 300 ngàn đồng dùng vào việc giấy tờ. Thế nhưng trong 300 ngàn đó, Hội Khuyến học cũng trích lại 10% để làm tiết kiệm cho hoạt động khuyến học. Chú Ba Phong tính: “Với 300 ngàn đồng đó, chỉ việc gọi điện thoại, in giấy mời là không đủ”.
Rồi có một ông chủ tịch Hội Khuyến học huyện đạp xe đi cọc cạch lên Sở Tài chính để xin trợ cấp cho 100 ngàn đồng nhưng cũng bị từ chối vì không ó hướng dẫn chi. Chú Ba Phong biết chuyện mới rầy: “Tụi bây sao ác quá trời. Người ta làm công việc xã hội có lợi cho bao nhiêu người mà 100 ngàn đồng cũng không chi là sao”. Vậy là từ đó, chú Ba Phong tìm cách tác động với UBND tỉnh để có tiền trợ cấp cho những người làm khuyến học.
Việc xin trợ cấp cho những người làm trong các hội xã hội không phải là chuyện đơn giản, bởi vì đó là các hội tự nguyện. Ở tỉnh Long An, cứ khoảng 1 quý hay 6 tháng gì đó, UBND tỉnh lại trợ cấp khoảng 50-70 triệu đồng cho hoạt động khuyến học. Từ số tiền này, chú Ba Phong hỗ trợ một ít tiền xăng xe cho cán bộ khuyến học ở cấp tỉnh. Mỗi người được chia đều 800.000 đồng/tháng. Còn cán bộ cấp huyện như đã nói ở trên thì mỗi nơi mỗi khác nhưng cũng đều ít ỏi như nhau. Chú Ba Phong suy nghĩ: Hội Khuyến học làm gì cũng vì sự học của xã hội, chứ đâu có vì lợi ích của mỗi người. Phải có trợ cấp theo kiểu biên chế thì hoạt động hội mới tốt lên được.
Từ ý nghĩ này, chú Ba Phong đưa ra ý kiến với Tỉnh ủy và được chấp nhận. Sau đó, Sở Nội vụ và Sở Tài chánh mời Hội Khuyến học, Ban Tuyên giáo họp mặt để quyết các mức trợ cấp. Chú Ba Phong đề nghị cấp trợ cấp cho 5 cán bộ cho Hội Khuyến học tỉnh nhưng chỉ được đồng ý cho 3 người. Chú Ba tuyên bố nếu vậy thì chú nhường lại số tiền trợ cấp của chú cho 2 suất bị cắt bỏ. Chú Ba cũng đề nghị rằng ở Hội Khuyến học huyện phải có 3 người, bởi vì nếu chỉ có 2 người là chủ tịch và phó chủ tịch thì ai sẽ giữ tiền, nghe điện thoại, lập công văn…Vậy là Sở Tài chính chấp nhận đề nghị của chú Ba.
Sự quyết liệt của chú Ba Phong đã giúp cho những người làm khuyến học các cấp của tỉnh Long An có được một số tiền trợ cấp nho nhỏ. Theo đó, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh nhận được 1.600.000 đồng/tháng; phó chủ tịch hội được nhận 1.400.000 đồng/tháng; chánh văn phòng, thư kí và thủ quỹ nhận 1.150.000 đồng/tháng. Còn ở cấp huyện, chủ tịch hội được nhận 1.150.000 đồng/tháng, phó chủ tịch 1 triệu đồng/tháng, thư kí 730.000 đồng/tháng; cán bộ khuyến học cấp cơ sở (phường, xã) nhận 730.000 đồng/tháng.
Bí quyết của chú Ba Phong có lẽ nằm ở phương châm: “Phải kéo những Tỉnh ủy viên về hưu vào hội khuyến học”. Chính vì những Bí thư tỉnh ủy, Phó bí thư tỉnh ủy nằm trong Ban chấp hành của Hội Khuyến học ở tỉnh, ở huyện, ở phường xã mà tiếng nói của những người làm khuyến học ở Long An càng có sức vang xa và tác động mạnh mẽ.
Bài và ảnh: Hiếu Hiền