“Người Việt có mê đọc sách?”

(Dân trí) - “Thời chiến tranh bom đạn, trong ba lô mỗi chiến sĩ vào Nam đều có một quyển sách. Câu hỏi “Người Việt có mê đọc sách?” lúc ấy thật không thích hợp. Ngày nay, thời bình thật thuận lợi để đọc sách mà câu hỏi ấy lại thích hợp một cách đáng buồn”.

Một câu hỏi buồn nhưng thích hợp

Nhà thơ Thanh Thảo lặn lội gần ngàn cây số vào Nam để than thở một câu như thế tại hội thảo “Người Việt có mê đọc sách?” tổ chức sáng 14/3 trong khuôn khổ Hội sách TPHCM lần 5.

Theo báo cáo của ngành văn hóa báo cáo, trong năm qua, mỗi người Việt mua 3,3 quyển sách. Nhưng Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đình Thiên chỉ ra cái hình thức của con số ấy: “Trong số đó, 80% là sách giáo khoa, các loại sách còn lại chỉ chiếm 20%. Nhưng sách giáo khoa không phải phục vụ nhu cầu đọc sách như người ta thường hiểu. Như vậy, thực tế mỗi người Việt chỉ mua 0,6 quyển/năm”.

Và ông khẳng định: “Đến hôm nay mà chúng ta hỏi “Người Việt có mê đọc sách?” chứng tỏ vấn đề đọc sách của người Việt đang có “vấn đề”.

Cũng như TS. Ngô Tự Lập than: “Đứng giữa hội sách lớn với hàng triệu cuốn sách, hàng chục ngàn người tham quan thế này mà bảo người Việt không mê đọc sách cũng lạ. Nhưng đó lại là sự thật”.

Nhiều học giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý tham gia hội thảo cùng nhau lý giải lý do dẫn đến điều kỳ lạ này. TS. Ngô Tự Lập cho là sách dở, sách giả quá nhiều. Các nhà kinh doanh sách thì cho rằng: chúng ta chưa marketing tốt cho sách.

Có học giả đề cập rằng lâu nay chúng ta quên rằng có đến 80% người Việt không đọc sách, không có nhu cầu đọc sách vì sách quá xa như cầu của họ. Đó là những người nông dân. Chúng ta có quá nhiều sách văn học, nghệ thuật, khoa học, tư tưởng cao siêu. Nhưng sách dạy trồng lúa, chăm cây điều, trị bệnh phổ thông cho heo… thì ít quá!

Bạn Thanh Phượng, sinh viên ĐH Kinh tế mang đến hội thảo lý do: “Người Việt trẻ như chúng em tìm đủ cái cần tìm trên mạng Internet rồi nên ít đọc sách”.

Các nhà quản lý giáo dục thì đau đầu vì từ nhỏ lớp trẻ đã học tập theo cách không cần sách nên lớn lên chúng cũng thấy chẳng cần thiết đọc sách làm gì. Nhưng đó là thực tế giáo dục nước ta, vẫn cố sửa nhưng không thể một ngày một bữa.

Phát triển văn hóa đọc: Làm thế nào?

Đó là vấn đề băn khoăn nhất của tất cả các học giả và người mê sách có mặt tại hội thảo và cũng là vấn đề cốt lõi mà hội thảo muốn bàn đến.

Hầu như tất cả các diễn giả đều cả quyết vai trò lớn nhất là Nhà nước. Muốn vực dậy và phát triển văn hóa đọc trong quần chúng phải thay đổi cả hệ thống giáo dục và nhận thức của người dân. Chỉ có khả năng lớn như Nhà nước thì mới giải quyết được vấn đề này.

GS. Trần Hữu Tá thì nhắc đến vai trò của nhà trường và gia đình. Ông buồn vì trong thời khóa biểu chật kín của học sinh chẳng có tiết nào dành cho việc đọc sách, rồi hình ảnh các bậc cha mẹ dẫn con vào hiệu sách tìm mua sách không có nhiều. Ông nhắc đến câu nói của một tác giả nổi tiếng: “Hãy chỉ đường cho con em mình đến với sách”. Chỉ có vậy văn hóa đọc mới phát triển được.”

Một số diễn giả thì muốn củng cố chất lượng sách hiện nay, hạn chế sách dở, sách giả, xuất bản và cổ súy các cuốn sách hay. Với chủ trương này, TS. Ngô Tự Lập đã đề xuất “Kế hoạch 500 cuốn sách” để dịch những quyển sách hay.

Còn ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD - ĐT TP.HCM thì cho rằng: “Cần có các tổ chức có uy tín giới thiệu đến đọc giả những quyển sách đáng đọc. Bởi để tìm một quyển sách hay trong rừng sách hiện nay khó quá”.

Anh Phạm Xuân Thạch, giảng viên ĐH KHXH&NV Hà Nội đề xuất thành lập một tổ chức xã hội của những người mê sách và tâm huyết với văn hóa đọc, xây dựng các chương trình quảng bá sách, lập các giải thưởng tôn vinh sách… để gây dựng phong trào đọc sách trong xã hội.

“Người Việt có mê đọc sách?”  - 1

Quang cảnh hội thảo “Người Việt có mê đọc sách”

“Người Việt có mê đọc sách?”  - 2

GS Trần Hữu Tá (bìa trái) tại hội thảo

“Người Việt có mê đọc sách?”  - 3

Ban tổ chức chương trình

Tùng Nguyên