Người trẻ nhất đạt giải Nobel Hòa Bình kể về đời sinh viên tại Đại học Oxford

(Dân trí) - Nữ sinh Malala Yousafzai (21 tuổi), người trẻ nhất từng được trao giải Nobel Hòa bình Malala Yousafzai mới đây đã có những chia sẻ thú vị về quá trình theo học tại Đại học Oxford.

Malala Yousafzai hiện là sinh viên năm hai tại Lady Margaret Hall, Đại học Oxford. Nhà hoạt động vì nữ quyền này vinh dự được trao giải Nobel Hòa bình năm 17 tuổi và hiện đang là người trẻ nhất từng được trao giải thưởng này.

Mới đây, cô đã có những chia sẻ cho thấy một khía cạnh khác rất đời thường của mình. Một nữ sinh viên Malala Yousafzai như bao nữ sinh viên khác, cũng bắt đầu viết bài luận vào 11h đêm trước ngày nộp và mê món ăn mẹ nấu hơn thức ăn tại trường.

Malala Yousafzai (Ảnh: PA).
Malala Yousafzai (Ảnh: PA).

Malala chia sẻ, cô từng rất nhiều lần bắt đầu viết bài luận vào đêm trước ngày nộp vì quá bận rộn với những hoạt động tại các câu lạc bộ, các tổ chức và hoạt động xã hội trong trường học.

Malala cũng cho biết, việc bắt đầu cuộc sống sinh viên thực sự là một sự thay đổi lớn trong cuộc đời cô, như đối với biết bao người trẻ khác.

“Đời sống đại học là một sự thay đổi lớn với mỗi sinh viên, và tôi cũng không phải là một ngoại lệ. Không có món ăn nào trong nhà ăn có thể so sánh với món gà và cơm của mẹ tôi. Mới đầu, tôi rất nhớ cha mẹ và các em trai”, Malala chia sẻ.

Malala Yousafzai cùng những người bạn tại trường đại học.
Malala Yousafzai cùng những người bạn tại trường đại học.

Cô gái cũng bày tỏ niềm vui và lòng biết ơn khi có cơ hội theo học tại ngôi trường Oxford danh tiếng. “Tôi hiểu rằng mình đã may mắn đến thế nào khi được tiếp cận với nền giáo dục tuyệt vời với những bài giảng, nghệ thuật, thể thao và cả những góc nhìn mới”.

Tại trường học, Malala học chơi polo, tận hưởng những tối muộn vui chơi cùng bạn bè, tham gia những tổ chức trong nhà trường và thậm chí còn học nhảy theo những bài hát của Beyonce. Cô đăng ký theo học tại Oxford vào tháng 10/2017.

Malala được trao giải Nobel Hòa bình 2014 cho những đóng góp trong phong trào đấu tranh chống lại sự đàn áp thanh thiếu niên của chính quyền Taliban và đòi quyền được đi học cho trẻ em trên toàn thế giới.

Nhà hoạt động vì nữ quyền cho biết, “điều khó khăn nhất” với cô là phải thấy những phụ nữ trẻ “với những giấc mơ và niềm cảm hứng” nhưng lại bị kìm hãm “trong những hoàn cảnh không do họ tạo ra và không thể chọn lựa tương lai cho chính bản thân”.

“Do không có được sự chuẩn bị cần thiết trong giai đoạn đầu của cuộc đời, hàng triệu cô gái không có được những kỹ năng cần thiết để thành công trong thị trường lao động ngày nay. Họ sẽ phải đối mặt với những công việc có mức lương rẻ mạt và vị trí thấp trong xã hội, nghèo đói và bất ổn. Những tiềm năng chưa được khai phá của họ là sự mất mát với toàn chúng ta”.

Nói về kế hoạch tương lai, Malala cho biết cô vẫn chưa quyết định con đường nghề nghiệp mình sẽ theo đuổi, nhưng vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh vì quyền lợi của phụ nữ.

Minh Hương

(Theo Daily Mail)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm