Người trẻ khởi nghiệp không biên giới
Không bị rào cản suy nghĩ cản trở, không bị những lối mòn níu bước, nhiều người trẻ Việt đã ghi dấu ngoạn mục với ý tưởng, khát vọng khởi động sự nghiệp bằng sự đam mê, tận tâm, tận lực.
Học cấp 3, thi vào đại học, học rồi ra trường đi xin việc, tìm một chỗ làm “ấm êm”… dường như là con đường định sẵn của rất nhiều người trẻ trước tương lai. Nhưng cũng có những bạn trẻ, không chấp nhận đi theo lối mòn ấy.
Năm nhất Đại học gia nhập đội ngũ Google
Hiện là sinh viên năm thứ nhất ngành CNTT, nhưng Trần Nguyễn Huệ đã được chọn vào nhóm sinh viên hỗ trợ cho Google (Google Student Group) tại Tp.Hồ Chí Minh. Huệ và các bạn trong nhóm sẽ tham gia các chương trình, sự kiện của Google ngay tại Việt Nam giúp đưa công nghệ đến gần hơn với người Việt. Để có được vị trí này, Huệ đã phải vượt qua ba vòng thi và nhiều ứng viên nặng ký. Cậu là thành viên nhỏ tuổi nhất được lựa chọn vào nhóm. Huệ cho biết, hiện tại nhóm bạn đã tham gia hỗ trợ các nhóm DEV cũng như Business của Google ở Việt Nam và đang thực hiện một sự kiện online - cuộc thi viết CV cho tất cả các bạn sinh viên Việt Nam.
Nói về “bí quyết” để có thể được vào hỗ trợ, làm việc cho một công ty lớn như Google, Huệ giản dị cho rằng, bản thân không có nhiều kinh nghiệm sống, cũng như tài năng đặc biệt, chỉ có một tinh thần: Theo đuổi đam mê, bắt lấy cơ hội, đừng lo sợ mình còn quá trẻ hay mình chưa đủ khả năng… Trong tương lai gần, Huệ còn muốn ứng tuyển vào Google Student Ambassador (GSA) Việt Nam. Đây là chương trình giới thiệu công nghệ dành cho sinh viên trên toàn cầu. Tham gia chương trình, ứng viên có nhiệm vụ tìm hiểu sản phẩm và các chương trình mới nhất của Google; lên kế hoạch và tổ chức sự kiện trong khuôn viên trường; hoạt động như một liên lạc viên của Google; trợ giúp Google hiểu rõ hơn về văn hóa của từng trường. Còn xa hơn, cậu mong muốn tìm học bổng du học để mở rộng kiến thức, tầm hiểu biết và nắm bắt được nhiều cơ hội hơn nữa.
CEO chưa tốt nghiệp Đại học
Hiện vẫn đang dồn sức làm đồ án và học tiếng Anh cho đợt bảo vệ đồ án tốt nghiệp sắp diễn ra vào tháng 4 ở trường, nhưng Đặng Thái Vinh – SV khoa Quản trị kinh doanh ĐH FPT đã có 2 năm kinh nghiệm làm quản lý. Trong trường, Vinh từng nổi đình đám với ý tưởng kinh doanh đoạt giải nhì cuộc thi khởi nghiệp quốc gia năm 2012, Giải Nhì cuộc thi Ý tưởng kinh doanh sáng tạo năm 2010 của ĐH FPT; Top 10 cuộc thi Ý tưởng Kinh tế xanh năm 2010 – 2011. Từ ý tưởng kinh doanh đạt giải, với hậu thuẫn của nhiều bạn bè, trong đó có rất nhiều những doanh nhân có tâm, có tài, Vinh đã chính thức thành lập công ty riêng – công ty cổ phần Eco Plus hoạt động trong lĩnh vực du lịch sinh thái. Thời điểm ấy, Vinh đang là sinh viên năm thứ 3.
Chia sẻ về những cơ duyên đưa Vinh đến với vị trí CEO từ sớm như thế, cậu chỉ cười, bảo: “Cũng đều là từ những lần tham gia tổ chức các sự kiện, các hoạt động trong và ngoài trường mà mình có ý tưởng, có kinh nghiệm để lập dự án khởi nghiệp tự tin lèo lái con thuyền của riêng mình”. Hiện Vinh đang chuyển hướng sang làm truyền thông về mạng xã hội, một chặng đường mới nhiều thách thức, nhưng phù hợp hơn với ngành học, cũng như thế mạnh của cậu. Quan trọng là, dù gian nan đến đâu Vinh cũng không chịu từ bỏ con đường mà mình đã chọn.
Chia sẻ về mình, Vinh cho rằng, cũng như bao sinh viên khác, cậu phải hết sức cân đối thời gian để vừa đi học, vừa đi làm; phải ngụp lặn giữa kiến thức lý thuyết và thực tế; phải đấu tranh giữa theo đuổi và bỏ cuộc khi gặp khó khăn, thất bại. Bí quyết để Vinh vẫn hăng say làm được nhiều việc quan trọng một lúc là: Lựa chọn những điều phù hợp, thực tế, cần thiết cho mình để học tập; thông minh lựa chọn đối tác, tìm kiếm nhà đầu tư; và luôn chân thành, chính trực, trung thực khi bước vào kinh doanh.
“Mình có một lợi thế rất lớn, đó là sự tự tin, năng động, công nghệ và ngoại ngữ - những yếu tố rất quan trọng khi đi làm mà mình may mắn được rèn từ trường đại học, hoặc có thể nói đơn giản là mình đã may mắn chọn được đúng ngôi trường tốt. Theo mình, đây cũng là những nhân tố cực kỳ cần thiết cho sinh viên trước khi ra trường, dù con đường các bạn chọn là gì đi chăng nữa” – Vinh đưa ra lời khuyên.
Cuộc sống là không giới hạn
Mới đây, câu chuyện về chàng trai bỏ việc làm ở một hãng ô tô, một mình đạp xe qua 63 tỉnh thành để sống với người nghèo và làm từ thiện đã khiến cộng đồng xôn xao. Nhưng hành động của anh, cũng như chuyện về Trần Nguyễn Huệ, Đặng Thái Vinh đã không còn quá lạ lẫm, hay gây sốc nữa. Những câu chuyện của họ tiếp tục trở thành nguồn cảm hứng, cho giới trẻ và cũng là minh chứng để khẳng định rằng cuộc sống là không giới hạn, và chẳng có biên giới nào cho bạn trẻ thiết lập định hướng, mục tiêu cho tương lai của mình.