Người thầy và những áp lực vô hình

(Dân trí) - Hệ thống đánh giá và cách tổ chức thi cử chưa hiệu quả đã khiến động lực học của học sinh ngày càng giảm sút. Trong khi đó giáo viên chịu nhiều sức ép khi đứng lớp xen lẫn áp lực của xã hội đã làm mất đi quan điểm “dạy thật và học thật”.

Áp lực làm giảm sự nhiệt huyết

Nhiều học sinh (HS) thường ao ước tiết học nào cũng là giờ “thao giảng” vì giờ đó lớp học lúc nào cũng sôi nổi, cô dạy rất hay, rất nhiệt tình và rất dễ hiểu bài, còn lại thì... khó hiểu. Khi chứng kiến điều này không ít người đã đặt ra câu hỏi: Tại sao lại như vậy?

Trước vấn đề này nhiều giáo viên (GV) đều cho rằng, công tác để chuẩn bị một giờ thao giảng rất mất thời gian và đòi hỏi sự đầu tư của người thầy. Trong khi đó hiện nay GV chưa thể sống bằng mức thu nhập của đồng lương nên thường bị phân tán tư tưởng khó có thể tập trung vào công tác giảng dạy.

Ngoài vấn đề thu nhập thấp GV còn phải chịu sức ép từ khá nhiều phong trào, tiêu chí thi đua...Nếu như trước kia GV bước vào lớp với mục tiêu trọng điểm là giảng dạy hiệu quả thì giờ đây họ phải quan tâm đến nhiều mặt khác.

Không những thế, động lực học của HS ngày càng giảm sút bởi hệ lụy của việc bỏ kì thi tốt nghiệp THCS thì ở cấp học trên GV vẫn phải làm những nhiệm vụ “khó khăn”. Từ việc duy trì sĩ số, đảm bảo tỷ lệ lên lớp và tốt nghiệp…

Theo cô Nguyễn Thị Liên, GV một trường THPT ở Thanh Hóa thì cái khó của đội ngũ GV ngày nay đó là nếu làm tốt thì chẳng sao nhưng chỉ cần mắc khuyết điểm dù to hay nhỏ thì ngay lập tức xã hội đều lên án phê phán. Trong khi đó nhiều quy định quá hạn chế và ngặt nghèo về quyền người thầy làm cho uy lực và tiếng nói của GV mất đi nhiều trọng lượng khiến HS không sợ.

Đồng với quan điểm này, thầy Nguyễn Vũ Lương, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học và Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội), chia sẻ thêm: “Đối với nhà giáo thì vấn đề thu nhập cũng là yếu tố quan trọng nhưng đến một mức nào đó người thầy cần cái có ý nghĩa trong cuộc đời hơn đó là thương hiệu về mặt tinh thần. Chính vì thế nghề GV cần phải được xã hội tôn vinh nhiều hơn. Hiện nay cứ có vấn đề gì thì xã hội cũng đỗ lỗi cho giáo dục và nhà giáo lại là người hứng chịu tạo cho họ cảm giác thấy mình nhỏ bé và đáng thương quá. Vì vậy khó có thể bắt người ta yêu nghề được”

Và nỗi sợ “bệnh thành tích”

Một thầy giáo đã nhiều năm trong nghề không ngần ngại chia sẻ với chúng tôi về điều sợ nhất của mình khi tham gia giảng dạy đó chính là thực hiện chỉ tiêu thi đua đề ra. Chính vì yếu tố đó mà giáo việc không được phép cho HS điểm kém mặc dù các em làm bài không được.

Để có được những con số đẹp, GV phải bỏ rất nhiều công sức để phụ đạo cho HS yếu, dò bài những em lười học bài (cho dù những công sức này không được thù lao). Cuối năm, em nào thi lại lần 1 không đạt thì thi lần 2, lần 3 đến khi được lên lớp vì nếu có HS ở lại thì ảnh hưởng danh hiệu chung của trường.

Đồng cảm về vấn đề này, cô giáo L.TH bộc bạch: “Thật đau xót khi HS cũng biết điều đó, tôi từng nghe các em nói về GV chủ nhiệm của mình: “Cô mà cho lưu ban thì thầy hiệu trưởng sẽ kỉ luật ngay”. Thử hỏi chúng tôi có còn uy tín với HS không khi mà những em không chịu học hành gì cũng được lên lớp hoặc được công nhận tốt nghiệp?”

TS Nguyễn Tùng Lâm - hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) thẳng thắn nhìn nhận: “Trước kia bản thân HS tự đánh giá khả năng của mình, nếu học yếu kém thì sẵn sàng xin lưu ban để cũng cố kiến thức. Còn ngày nay điều này là không can thiệp được bởi GV cứ dựa điểm số mà cho lên lớp”.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi thì hiện nay việc chấm điểm đánh giá năng lực học trò khá dễ dãi. Nếu như trước kia người thầy sẵn sàng đầu tư để ra một đề thi đánh giá thực chất của lớp học thì ngày nay việc tổ chức ra đề thiếu hướng thiếu tích cực. Nhiều đề thi được khoanh vùng hoặc cho biết trước, thậm chí có nơi còn cho cả đáp án... Chính vì thế mà thời gian gần đây ở bậc tiểu học thì “lạm phát HS giỏi”, bậc phổ thông thì quá nhiều HS “ngồi nhầm lớp”...

Một bậc phụ huynh ở Hà Nội từng chua chát chia sẻ: “Phụ huynh chúng tôi sẽ rất vui khi biết các cháu đạt điểm cao. Nhưng điểm số cao ấy có ích gì khi không xuất phát từ năng lực của chính bản thân các cháu?”

Là thầy, ai chẳng muốn thoải mái đem tâm huyết cống hiến cho ngành giáo dục nhưng với những sự “trói buộc” vô hình không ít GV đã phải “bất lực” trong công cuộc trồng người của mình. Có lẽ đến lúc các nhà quản lý hãy nghiên cứu cách thức để “cởi bỏ” áp lực cho GV, hãy tạo điều kiện tốt nhất cho họ được cống hiến một cách trung thực nhất.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm