Huế:
Người thầy trẻ “truyền lửa” môn Hóa cho sĩ tử vượt vũ môn
Với hơn 10 năm trong nghề bồi dưỡng kiến thức môn hóa thi đại học cho các sĩ tử, thầy giáo Nguyễn Xuân Ngọc (33 tuổi, trú tại TP Huế) đã “thắp lửa” cho rất nhiều thế hệ “chạm” vào ngưỡng cửa cuộc đời.
Từ mất căn bản môn Hóa đến thành viên đội tuyển học sinh giỏi Hóa
Xuất thân từ trường Đại học Huế, đại học niên khóa 2002-2006, rồi cao học 2007 – 2009, ngay từ thời sinh viên năm 2, thầy Ngọc đã cố gắng làm thêm giúp gia đình nghèo của mình với việc phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức môn Hóa cho các học sinh chuẩn bị thi đại học. Vốn nằm trong lớp chuyên Hóa và thuộc đội tuyển học sinh giỏi hóa của trường THPT chuyên Nguyễn Du, tỉnh Đắk Lắk nên niềm đam mê hóa đã nằm trong máu huyết của thầy. Tuy nhiên, một biến cố lớn trước đó mới chính là bước đẩy để thầy gắn bó với môn Hóa học.
Vào năm lớp 8, nhà nghèo, nên Ngọc bị mất căn bản môn Hóa. Qua lớp 9, cơ duyên được một cô giáo trong trường để ý và thương yêu, từ đó đã khơi dậy niềm đam mê trong thầy. Từ một học sinh yếu kiến thức, Ngọc đã vươn lên học giỏi nhất lớp môn Hóa. Những gì không hiểu hay sách vở thiếu thốn, Ngọc đều không ngại và chăm chỉ hỏi han thầy cô.
Cảm thấy tình yêu hóa trong người cậu học trò nghèo, sáng dạ này, các thầy cô giáo đã động viên, khích lệ rất nhiều từ việc cho mượn sách tham khảo cho đến dạy kèm miễn phí. Từ đó, vào cấp 3, Ngọc đã từng bước chinh phục được hóa học và có được một khối kiến thức hóa học cực kỳ vững chắc, nằm trong đội tuyển học sinh giỏi Hóa nhà trường.
Lên đến đại học, với mong muốn bồi dưỡng thêm kiến thức cho các em học sinh và tự lập trang trải cuộc sống xa nhà, Ngọc bắt đầu đạp xe đạp đi dạy phụ đạo môn hóa từ trưa nắng gắt cho đến tối khuya. Sau giờ học trên trường đại học, Ngọc chăm chỉ, cần mẫn dùng nguồn thời gian rảnh để dạy cho các em. Luôn tự nhớ về những ngày ban đầu được thầy cô giúp đỡ, Ngọc đã không lấy học phí đối với học sinh nghèo. “Thu nhập không quan trọng mà quan trọng là mình được trải nghiệm cuộc sống, thỏa đam mê và truyền đạt kiến thức cho thế hệ sau” – Ngọc chia sẻ về quan điểm sống trong thời sinh viên.
Sau khi ra trường, Ngọc cộng tác làm dự án với trường Đại học Khoa học Huế, song song vẫn giữ thói quen phụ đạo kiến thức cho các em học sinh chuẩn bị thi vào đại học. Con đường bồi dưỡng chuyên nghiệp về môn Hóa được Ngọc chú trọng, đặc biệt là khối 11, 12. Nhờ cái “duyên” với công việc này mà lớp học của thầy Ngọc ngày càng đông, và kết quả đã chứng minh với nhiều học sinh đậu đại học, đỗ đạt ở trường cao.
Bí quyết riêng của thầy Ngọc trong ôn luyện thi môn Hóa đạt điểm cao
Theo Ngọc, phương pháp giảng bài theo lối diễn giải, song hành với đó là cách dạy quy nạp đã giúp cho học sinh hiểu được vấn đề từ cơ bản đến phức tạp. Trong hóa vô cơ, thầy Ngọc đi sâu vào phương pháp giải, giảng kỹ bản chất các định luât bảo toàn vì đây là điểm rất quan trọng, rất hay gặp trong đề thi. Nếu em nào nắm vững bản chất của định luật bảo toàn chắc chắn làm được câu khó, nếu không chỉ xử lý ở mức cơ bản.
Về hóa hữu cơ, vấn đề lý thuyết cần được nắm kỹ, đó chính là mấu chốt. Sau khi có kiến thức lý thuyết hữu cơ chắc chắn rồi hẵng đi sang các bài toán đặc trưng cho từng chuyên đề một như: Hiđrocacbon, ancol, anđehit, axit cacboxylic, este,... Nhờ đó mà các bài tập trong các chuyên đề mang tính chất tổng hợp kiến thức (gọi là hữu cơ tổng hợp) được các em sẽ giải quyết một cách dễ dàng và đây được đánh giá là những câu khó trong đề thi đại học, ăn điểm 9, 10.
Ngọc trải lòng, khi đã “bơm đầy” kiến thức cho học sinh thì người thầy trở nên “bị động”, còn học sinh sẽ trở nên chủ động. Đây là giai đoạn quan trọng, ví như mình đã thắp lên ngọn lửa trong các em. Tuy vậy, muốn đạt được điểm cao, phải tùy mục tiêu của trò muốn đạt bao nhiêu điểm khi thi vào trường tương ứng.
Nếu thi trường có điểm sàn khoảng 21,22 thì chỉ cần 7-8 điểm môn Hóa, làm bài không nên căng thẳng quá, chỉ cần 7-8 điểm là được. Nếu chọn trường khó, phải đạt từ 8,5-9 điểm thì phải chú trọng các câu khó. Việc này cũng không khó khi toàn bộ kiến thức của thầy Ngọc dạy đã có sẵn, chỉ cần làm từ dễ đến khó và phải học kỹ lý thuyết để làm trọn các câu dễ. Ở câu khó, có 3 bước là: Đọc đề - tóm tắt đề; Dùng các định luật bảo toàn (phần vô cơ) và các mắc xích để giải quyết (phần hữu cơ); Có thể nhìn đáp án suy luận khi “bí”, làm không ra thì sẽ tiết kiệm thời gian.
Trì chí ôn thi, đậu đại học vào ngành nghề yêu thích
Thầy Ngọc tâm sự với chúng tôi, việc phát hiện tố chất của học sinh rất quan trọng khi dạy. Từ một học trò trình độ trung bình nhưng nếu người thầy thấy khả năng các em có thể phát triển được thì sẽ có cách bồi dưỡng. Học sinh sẽ từ trung bình mà lên khá, lên giỏi. Đã có nhiều em từ lúc không dám thi vào Đại học Y Dược Huế, sau thời gian học ở lớp thầy Ngọc với phương pháp hợp lý, đã thi đậu cao vào trường – điều mà gia đình không ngờ tới.
Điều quan trọng hơn, đó là chuyện nghề sau đại học. Không phải cứ chú ý phải thi đậu vào đại học, quan trọng hơn theo thầy Ngọc là các em phải lựa chọn trường yêu thích, phù hợp năng lực bản thân, có xác suất có việc làm cao sau khi ra trường là điều cần thiết và khôn ngoan hơn. Qua thực tế, nhiều học sinh có ước vọng thi y dược, quân sự, sư phạm… bị trượt năm đầu, sau khi thầy Ngọc động viên phải chấp nhận, cố gắng học lại, thi lại sẽ đậu. Nghe thầy, các em đã thành công.
“Con đường ước mơ các em sẽ rộng mở nếu không “dễ dãi” chọn cho mình 1 trường mà bản thân không yêu thích. Khi có ước mơ thì chính các em sẽ học ngày học đêm để đạt được ước mơ đó” – thầy Ngọc tâm đắc.
Bạn Phạm Sỹ Anh, đậu vào Học viện Kỹ thuật Quân sự trò chuyện, từ một học sinh mất căn bản, đuối dần khi dòng chảy kiến thức nhiều của môn hóa cứ cuốn em đi. Tình cờ em vào học lớp thầy Ngọc từ giới thiệu một người bạn. Ở đó em đã được học những điều từ nhỏ đến lớn, từ bấm máy tính cho đến suy luận, câu hỏi dù dễ hay khó thì thầy Ngọc luôn đưa ra những câu trả lời hợp lý nhất. “Thời gian trôi qua, em yêu dần môn hoá, và em cũng dần thay đổi mục tiêu của mình, từ mục tiêu đậu Đại học Bách khoa Đà Nẵng, em đã đậu luôn Học viện Kỹ thuật Quân sự. Bây giờ khi đã trở thành quân nhân, em nghĩ rằng, nếu mùa hè năm đó em không gặp thầy thì có thể em còn không mơ tới cả việc đậu vào Bách khoa Đà Nẵng ấy chứ! Có lẽ thầy chính là người thầy tốt nhất mà em biết cho đến tận bây giờ” - Sỹ Anh thổ lộ.
Em Võ Quốc Hưng, sinh viên năm nhất ngành Bác sĩ đa khoa, Đại học Y Dược Huế kể lại, “Em đã học được từ thầy Ngọc rất nhiều điều, dù có kiến thức cơ bản nhưng em lại không tốt về tốc độ giải toán và lý thuyết. Thầy đã gói ghém cho em những cách giải toán rất lạ, hay. Từ đó em thấy thích môn hóa. Một bài giải từ 4 bước trước đây, nay học thầy chỉ còn đúng 1 bước. Hướng suy nghĩ của em trở nên mới mẻ, thông thoáng hơn, việc tập trung giải toán được đi vào trọng tâm một cách chặt chẽ nhất. Năm 11 em bắt đầu học thầy Ngọc, kết quả thi vào y khoa em được 9,5 điểm môn Hóa”.
Còn bạn Trương Ngọc Bảo Vân, nguyên sinh viên Đại học Sư phạm Huế, ngành Vật lý vừa mới ra trường có nhận xét: “Nếu không học thầy Ngọc vào năm 12 chắc em chỉ đạt điểm trung bình môn Hóa. Được thầy truyền lửa, em từ mất căn bản đã có được “ngọn lửa” rất hữu ích của thầy, và việc học Hóa dễ hơn. Bên cạnh đó thầy còn giúp em nhiều nghiệp vụ về sư phạm, kể cả cho em lên bảng để thực hành kỹ năng sư phạm tốt hơn. Thực sự em cảm ơn thầy rất nhiều, em đã có được kiến thức, kỹ năng, sự tự tin để bước vào con đường sư phạm. Mỗi khi em dạy kèm các bạn học sinh nhỏ, hình tượng thầy vẫn được em lấy làm mẫu mực để noi theo”.
Hiện thành phần học sinh trong lớp bồi dưỡng kiến thức môn Hóa thi đại học của thầy Ngọc chủ yếu một nửa là học sinh THPT chuyên Quốc Học, còn lại là các em ở THPT Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng đều là những trường có chất lượng tại TP Huế. “Nhiệt” học trong lớp rất “nóng”. Các em phải chịu áp lực để ngày càng rèn luyện tốt hơn, tuy nhiên những em mất căn bản cũng không lo vì luôn được thầy quan tâm, để ý và nâng cao dần trình độ. Có nhiều học sinh nhà giàu nhưng vào học không đàng hoàng, không cố gắng thì thầy gọi điện về nhà và xin phép từ chối dạy vì nằm ngoài “guồng quay” của lớp. Nhờ vậy mà tỷ lệ đậu đại học từ học ở lớp thầy Ngọc luôn cao trên 90%. Theo thầy Ngọc, việc gì nếu làm đến nơi đến chốn thì các em sẽ thành công.
Mỗi năm, ngoài làm việc dự án, dạy bồi dưỡng học sinh, thầy Ngọc luôn dành thời gian hàng tháng trao tiền, trao học bổng khuyến học của riêng cá nhân thầy và các phụ huynh dành tặng học sinh có thành tích cao trên trường lớp, học sinh nghèo. Bên cạnh đó, thầy Ngọc còn có nhiều phần quà là tài liệu ôn thi hóa học miễn phí, sách giáo khoa trao tặng một số nhà sách tại Huế để phổ biến kiến thức tới học sinh…
Có lẽ, thấu hiểu được nỗi khổ từ quãng thời gian nghèo khó lúc xưa mà đối với thầy Ngọc, các em học sinh thiếu thốn luôn được thầy quan tâm, xem như em út trong nhà để giúp sức cho các em được học hành đến nơi đến chốn và thi đậu đại học.
Xin cảm ơn thầy - Người “truyền lửa” môn Hóa cho sĩ tử vượt vũ môn tại Huế. Một mùa thi nữa lại đến gần, chúc thầy Ngọc và các học trò có nhiều sức khỏe, gặt hái được thật nhiều thành công trong cuộc sống và trong công việc giảng dạy.
*Địa chỉ lớp dạy bồi dưỡng kiến thức Hóa thầy Ngọc: Số nhà 33 kiệt 50 đường Lê Thánh Tôn, TP Huế;
*ĐT thầy Ngọc: 01262-676788