Người thầy giáo già rèn "nét chữ nết người"
(Dân trí) - Vào các buổi chiều chủ nhật tại làng Sơn Đồng ở xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội, người lớn cũng như trẻ em đều tập trung tại gian nhà của một người thầy thông thái - thầy Nghiêm Quốc Đạt để học chữ Hán.
Ở tuổi gần thất thập cổ lai hy, thầy Đạt đã tổ chức các buổi dạy chữ Hán trong 5 năm và giờ đây các lớp học của thầy được nhiều người biết đến.
Thầy Đạt cho biết: “Trước hết, tôi muốn giúp các cháu trong làng duy trì truyền thống hiếu học của gia đình. Sau đó, chữ Hán thực sự rất quan trọng đối với làng mỹ nghệ Sơn Đồng. Giờ đây chúng tôi đã có thể làm những bức hoành phi và bảng câu đối bằng gỗ khắc chữ Hán lên trên. Vì thế chúng tôi cần dạy chữ cho tụi trẻ, thế hệ tương lai của làng để các cháu có thể gìn giữ nghề truyền thống của làng Sơn Đồng”.
Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội 20 km, làng Sơn Đồng nổi tiếng về sản xuất những bức hoành phi và câu đối bằng gỗ khắc chữ Hán. Đó là lý do tại sao làng lại có nhiều người viết chữ Hán rất đẹp. Tuy nhiên ngày càng có ít người viết chữ Hán, đặc biệt là những người trẻ tuổi.
Trăn trở về chuyện này, ông Đạt đưa ra ý tưởng tổ chức một lớp học chữ Hán với ban khuyến học mà ông là một thành viên trong đó. Lớp học đầu tiên được ông mở vào năm 2006 và học đều đặn vào Chủ Nhật hàng tuần.
Mặc dù bản thân thầy Đạt rất nghèo và đang phải mưu sinh hàng ngày nhưng hàng tháng thầy đều dành số tiền ít ỏi của mình để mua mực và bút lông cho học sinh. Căn nhà nhỏ của thầy được sắp xếp lại để tạo thành một lớp học và học sinh đầu tiên của thầy là lũ trẻ trong làng.
Người thầy cao tuổi ấy đã dạy học với tất cả lòng nhiệt huyết của mình mà không nhận một đồng công nào.
Thầy Đạt đặt tên lớp là Sao Khuê, một biểu tượng của tri thức trong văn hóa Việt Nam. Dù không có kinh nghiệm dạy học nhưng thầy chuẩn bị bài rất kĩ và luôn khiến lớp học trở nên thú vị bằng những bài thơ, câu đố và những câu chuyện kể giúp học trò nhớ và hiểu những chữ Hán phức tạp. Nỗ lực của thầy đã có kết quả và lớp học của thầy được nhiều người biết đến.
Khi lớp học của thầy Đạt trở nên đông hơn, nhà thầy không đủ để cho tất cả học trò đến học. Nhưng nhờ danh tiếng của lớp Sao Khuê mà Trường THCS Sơn Đồng đã cho thầy mượn một lớp học.
Lớp Sao Khuê không chỉ dạy học sinh cách viết chữ Hán tao nhã và đẹp mà học sinh còn được học những bài học đạo đức. Dân làng đều nhận thấy con em họ có cách ứng xử tốt hơn sau khi theo học lớp của thầy Đạt.
“Ở đây chúng tôi đều biết thầy Đạt có kiến thức uyên bác và hơn thế nữa là một người đầy nhân cách. Chúng tôi rất vui khi thấy những đứa trẻ nghịch ngợm trở nên ngoan ngoãn hơn sau khi học thầy” - chị Văn Thị Duyên có cậu con trai 10 tuổi theo học lớp của thầy Đạt cho biết.
Đó là lý do quan trọng nhất mà các bậc cha mẹ khuyến khích con em họ đến lớp học Sao Khuê. “Chúng tôi không hi vọng chúng sẽ theo nghề truyền thống của gia đình khi lớn lên nhưng những bài học đạo đức của thầy rất có ích với chúng”, chị Duyên cho biết thêm.
Lớp học của thầy Đạt thu hút hàng trăm học sinh địa phương, có cả người lớn là giáo viên, nông dân, họa sĩ và cả những nhà sư. Số lượng học sinh khác nhau tùy theo lớp vì có thể các học sinh bận việc hoặc bận học.
Thầy Đạt cũng được một số người hỗ trợ trong các buổi dạy, trong đó có anh Nguyễn Trung An, người giúp thầy chấm điểm.
Thầy Đạt nói đầy tự hào về các học trò của mình: “Tôi rất ngạc nhiên khi thấy lớp học của mình được nhiều người ưa thích. Trong số các học trò có những người khiến tôi tự hào về kết quả học tập cũng như nỗ lực của họ”.
Người thầy giáo uyên bác kể một câu chuyện cảm động về một học trò cưng của mình. “Anh Tiến là một thương binh nhưng suốt 2 năm qua đều lăn chiếc xe ba bánh của mình từ một nơi cách Hà Nội 20 km để tham dự lớp học. Trước đây anh là người nóng tính nhưng sau khi học chữ Hán, anh đã tự tin và giải quyết mọi vấn đề tốt hơn nhiều”
Một học sinh khác tên Nguyễn Phúc Hiệp, công nhân xây dựng ở làng Đông La (cách làng Sơn Đồng 15 km). Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, anh Hiệp phải thôi học khi mới 13 tuổi. Khi biết tiếng về lớp thầy Đạt, Hiệp đã đến tham gia và sau ba năm anh đã trở thành một trong những học sinh xuất sắc nhất.
Anh Hiệp cho biết: “Học chữ Hán rất thú vị. Bên cạnh nghĩa của từng chữ, tôi phải học các nét uốn lượn như học vẽ. Tôi thực sự rất thích học và muốn mở một lớp để dạy mọi người ở làng tôi”.
Nhờ thầy Đạt, nhiều học trò trong làng đã trở thành những “ông đồ trẻ”, người sẽ góp phần phát triển làng nghề Sơn Đồng sau này.
Với những kết quả thành công như vậy, thầy Đạt dự định tiếp tục dạy học trong làng. Thầy cho biết: “Tôi vẫn muốn có thêm học trò. Tôi sẽ dạy cho đến khi sức khỏe của mình không cho phép nữa. Phần thưởng lớn nhất của tôi là thấy học sinh mình đam mê viết chữ Hán”.