Người thầy chuyên đẩy trò lên... núi

Ai đó ví von người thầy như ông lái đò suốt đời đưa đàn em qua sông, còn tôi lại thấy <i>lão</i> chỉ chuyên trị “đẩy” học trò lên... núi. Ngọn núi mơ hồ có tên Olympia theo thần thoại Hy Lạp cổ xưa, nhưng với <i>lão</i> thì đó là đỉnh cao trí tuệ, không hề ảo ảnh.

1. Dễ chừng từ cả chục năm trở lại đây, thỉnh thoảng máy di động của tôi lại nhảy ra cái tin nhắn của lão: “Mời đón xem VTV3 lúc … giờ, để cổ động cho đệ tử của Thạch Gia Trang chinh phục đỉnh Olympia…”. Bốn mốt bốn hai tuổi đầu chưa chịu vợ con, từ lâu đã xưng mình là “lão gia”, lại có hẳn một Thạch Gia Trang đông đúc đệ tử, ai cũng nghĩ lão thuộc nòi phong lưu lắm. Cái nick Thạch Lão Gia trôi từ 360.yahoo, qua Plus, Multiply, giờ là Facebook...

Nhớ một buổi chiều mùa hè năm 2009, lão từ đâu nhắn tin hẹn tôi ra sông Hàn ngồi lai rai. Khá bất ngờ, vì cứ nghĩ giờ này lão đang gõ đầu trẻ ở xứ cát Phan Rang – Ninh Thuận, lọ mọ đi đâu lúc này? Chọn quán bên sông, ngồi chờ một chặp thì lão phi tới.

 
Trên con xe máy mang biển số 85V5 – 2011 tả tơi bùn đất lỉnh kỉnh ba lô túi tăm dây nhợ ấy bước xuống hai người. Lão thì đã biết. Còn thanh niên kia, lão giới thiệu đó là Lâmquản gia, sinh viên, người cai quản gia trang.

Gớm, nhìn lão gia với quản gia người ngợm gầy rộc rạc, lấm lem, và cháy nắng đến nỗi chỉ thấy có mỗi đôi mắt và hàm răng là trắng… nhởn! Té ra là thầy trò lão vừa phóng xe máy từ… đỉnh Fansipan xuống. Đận ấy, lão dẫn nữ đệ tử Trương Thị Thu Trang từ Phan Rang ra Hà Nội lên truyền hình dự vòng thi quý cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 10.

 
Đệ tử này trước đó đã lần lượt thắng giòn giã vòng thi tuần và thi tháng. Thầy trò bay ra Hà Nội trước, Lâm quản gia rong ruổi xe máy chạy theo. Đệ tử thi xong bay về, lão gia và quản gia ở lại, rong ruổi hành trình hồi hương hơn 1.500 cây số trên xe máy.

Thạch lão gia tên thật là Nguyễn Đức Thạch, sinh năm 1969, tốt nghiệp ĐHSP khoa Ngữ văn năm 1991, hiện là giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Phan Rang, Ninh Thuận).

Sau cuộc thi, lão buồn, viết lên blog “Sau chuyến thướng sơn Olympia của đệ tử, chữ chinh phục đã không còn, lòng ta chỉ còn từ du ngoạn mà thôi”. Nhưng rồi lão nghĩ tới một nữ đệ tử nữa là Phạm Thị Hồng Ngân vừa đứng đầu cuộc thi tuần lên đỉnh Olympia, đang chuẩn bị thi tháng.

Thế là lão cùng quản gia hì hụi vắt mồ hôi vặn xương cốt leo lên tới đỉnh Fansipan 3.143 mét cao ngất. Ngồi chễm chệ trên đỉnh, lão treo cái áo truyền thống của Thạch Gia Trang mang dòng chữ “Một thời & mãi mãi” lên ngọn tháp hình chóp, mà lão bảo để thỏa chí tang bồng của kẻ bốn mươi tuổi đầu, cũng vừa để động viên khích lệ các học trò không được nao lòng bỏ cuộc.

 
Hình ảnh người thầy chinh phục đỉnh cao ấy quả là liều thuốc mạnh, khiến đệ tử Hồng Ngân tiếp tục đứng đầu vòng thi tháng lên đỉnh Olympia cùng năm. Và 2 năm sau, tháng 6-2011, lần đầu tiên đệ tử Lê Bảo Lộc đem được cầu truyền hình trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 11 về đất Ninh Thuận.
Người thầy chuyên đẩy trò lên... núi - 1
Thày và trò sung sướng khi được vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia. (Ảnh nhân vật cung cấp)
 
Sau tròn 10 năm kể từ cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 2 (năm 2001), đến nay đã có 10 cô cậu đệ tử của lão lên truyền hình trực tiếp, đem về 13 vòng nguyệt quế lớn nhỏ, trong đó có 9 lần vào vòng tháng, 4 vào vòng quý và 1 vào chung kết. Gia tài thành tích đáng nể cho một ông thầy dạy văn nơi xứ cát tỉnh lẻ cùng các đệ tử Thạch Gia Trang…
 
2. Trước khi quen biết với Thạch lão gia, tôi đã chơi với em ruột của lão là Nguyễn Hồng Lam bên báo An ninh thế giới từ sau chuyến ra Trường Sa năm 1998. Một cây bút “người của giang hồ” đáng gờm. Rồi sau này quen biết la cà với hai đứa em ruột khác của lão, cũng là những nhà báo sừng sỏ là Đức Hiển bên Pháp luật TPHCM và Viễn Sự ở Tuổi trẻ TPHCM.
 
Tôi nhớ trên blog của cậu em Viễn Sự với cái nick K’Lu (nghĩa là thằng cu, theo tiếng Chăm), và cả trên blog Bố cu Hưng của Đức Hiển có treo một entry bồi hồi nhớ về ngôi nhà xưa ở Đức Thọ (Hà Tĩnh). Mấy chục năm theo cha mẹ vào xứ cát Phan Rang – Ninh Thuận để lớn lên ở đó, lần lượt vào Sài Gòn học hành rồi định cư, lập nghiệp.
 
Nhưng khu vườn xanh mát tre pheo cùng ngôi nhà tranh ngày xưa nơi quê cũ thì vẫn còn, cho đến một ngày phải sang nhượng cho người khác. Thôi thì eo sèo tiếc nuối, nhớ nhung, qua từng seri ảnh cũ có, mới vừa chụp có.
 
Có bức ảnh trắng đen cũ kỹ ghi lại cảnh mấy anh em nhà lão đầu trọc tếu, đang ngồi xúc cơm trên bậu cửa, nom bồi hồi đến lạ.
 
Cái dòng sông La, núi Hồng và khu vườn ký ức rồi sẽ cứ luần quần chảy mãi theo cuộc đời mấy anh em nhà lão mà thôi. Cả cái chất “gàn” đặc biệt trên tài kiểu ông đồ xứ Nghệ cũng vẫn đậm nguyên trong con người lão gia này.
 
Như cái chuyện lập ra Thạch Gia Trang, mới nghe cứ tưởng kiểu chơi của nòi đại gia trưởng giả. Ai ngờ một lần ghé chơi Phan Rang, tôi bật ngửa trước cái gia trang của lão. Trên khu đất chừng 80m2 là cái nhà cấp 4 rộng đâu 30 m2 vách gỗ, cót ép lợp tôn sơ sài. Phía trên lão “độ” thêm 20 m2 sân thượng với cái cầu thang dẫn lên nhỏ xíu mà lão gọi đó là “Vườn đại học”.
 
Nơi ấy đêm ngày lão ở một mình, còn nhà bố mẹ cách đó chừng 30 mét. Lão tâm sự: “Gọi Thạch Gia Trang cho nó cóphong vị vậy thôi. Quan điểm, đó là Ngôi nhà chung của Thầy và Trò, là nơi nuôi dưỡng và vun đắp cho những ước mơvừa sức, một chốn để cười – một nơi để khóc cho đệ tử”.
 
Kể từ ngày ra đời 16-4-1995 đến nay, lúc nào trong cái gia trang của lão cũng đầy nhóc một tụi học trò thông minh, nghịch ngợm dù nhiều đứa không học cùng trường, cùng tỉnh. Đã nhiều đứa lớn lên, bay xa, học cao làm lớn.
 
Những đứa em ở nhà lại nhổ giò khôn lớn từng ngày qua bài giảng của lão giữa gia trang nóng rang xứ cát. Rồi chúng cũng lại bay thôi. Để lão ở lại giữa ngày tháng cát bay chậm chậm, lặng lặng, với phấn trắng và … tay trắng.
 
Trong cái vườn đại học của lão, vô số chậu lớn nhỏ trồng vô số những thứ cây linh tinh. Quy định của Thạch Gia Trang, mỗi học sinh thi đỗ đại học “được” mang tới một chậu cây nhỏ đặt trong Vườn đại học làm kỷ niệm. Thầy sẽ chăm sóc những cây đó, xem như giữ “bổn mạng” của học trò.
 
Bao nhiêu năm, giờ thì hầu như không còn chỗ để chậu nữa. Lão bảo, 16 năm rồi, cũng đã có những cây ra đi vì hết tuổi, vì thời tiết. Trong chuyện này cũng có nhiều cái hơi bị tâm linh. Đôi khi có những cây chết bất thường hoặc suy thoái, thì cũng là lúc có những thông tin bất lợi về học trò ấy. Cũng có nhiều học trò về trồng lại cây khác…
 
Cũng từ lâu, Thạch Gia Trang có một Quỹ hỗ trợ học sinh nghèo với nguyên tắc: “Những viên kẹo trong lọ thủy tinh”, nghĩa là công khai, minh bạch tuyệt đối. Một Forum được lập với đông đảo thành viên, mỗi nick của member đều có đuôi ghi năm tốt nghiệp để huynh đệ phân biệt trên dưới.
 
Mỗi thành viên từ thầy đến trò đóng 600 ngàn đồng/năm, cứ đến mùng 7 Tết là đập heo đất, gọi là “hạ nêu”, lấy tiền hỗ trợ những sinh viên khó khăn, tiếp sức mùa thi.
 
Học trò học thêm thầy vẫn thu tiền mức tối thiểu, miễn trừ cho học trò nghèo. Tiền ấy thầy lại dồn cho những khóa luyện thi lên đỉnh Olympia, và chi phí cho những chuyến dẫn học trò đi thi.
 
Suốt 10 năm ròng, hầu như lão không có ngày Chủ nhật cho riêng mình. Cứ đến 13 giờ ngày Chủ nhật hàng tuần, khi VTV3 phát chương trình Thi lên đỉnh Olympia, lão lại cùng các đệ tử ngồi trước tivi, mỗi người một vị trí giống như đang thi thật, giấy bút sẵn sàng.
 
Mỗi câu hỏi trên tivi đưa ra, các đệ tử lập tức tìm lời giải căn theo từng phút từng giây. Thường cuộc thi trên truyền hình kết thúc lúc 14 giờ, lão lại kéo học trò ra quán bao tất cả một chầu cà phê, rồi bắt đầu tranh cãi sôi nổi.
 
Thầy trò “tra tấn” nhau như thế nhiều khi đến tận 5-6 giờ tối. Suốt 10 năm trời đều như vắt chanh kiểu ấy, lắm khi lão bận việc riêng đến chết bỏ cũng đành gác lại. Và toàn tiền túi bỏ ra, cả chi phí dẫn học trò đi thi.
 
Người thầy chuyên đẩy trò lên... núi - 2
Thạch lão gia (giữa) và đệ tử trong niềm vui leo núi Olympia. (Ảnh nhân vật cung cấp)
 
Thạch lão gia dạy trường THPT Chu Văn An (Phan Rang, Ninh Thuận), nhưng thu nạp đệ tử Olympia từ khắp nơi. Lão có 2 đệ tử đặc biệt đến từ Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận cách nhà lão tới 180 cây số, đều là con trai của nhà văn Nguyễn Hiệp. Em vợ Nguyễn Hiệp là bạn học cũ hồi Đại học Sư phạm TP HCM với Thạch lão gia, đâm quen biết.
 
Năm 2005, khi Nguyễn Vũ Hưng chuẩn bị thi Olympic lần thứ 6, lão chạy vào nhà Hiệp luyện cấp tốc đúng 1 ngày. Lần ấy, Hưng nhất vòng thi tuần, là học sinh Bình Thuận đầu tiên giành Vòng nguyệt quế. Tới năm 2010, đến lượt cu em Nguyễn Vũ Hội đi thi.
 
Ban đầu Thạch lão gia và cu Hội “quần” nhau qua online. Sau đó Hội ra Thạch Gia Trang luyện thêm với thầy và bạn 16 ngày trước lúc lên đường ra Hà Nội. Thế là lần lượt nhất tuần, nhất tháng, nhì quý.
 
Nguyễn Vũ Hưng hiện là giảng viên tiếng Pháp tại Đại học KHXH&NV TP HCM, vừa tham dự Hội nghị Văn trẻ ở Tuyên Quang, là dịch giả tiểu thuyết “Hoàng đế và giai nhân” của nữ nhà văn Sơn Táp - người đoạt 2 giải Goncourt của Pháp. Còn cu Hội vừa đậu thủ khoa Đại học Việt - Đức (TPHCM).
 
3. Lòng trĩu nặng tâm sự, giờ đây Thạch lão gia tuyên bố “rửa tay gác kiếm” với hành trình đẩy học trò lên đỉnh Olympia. Lão bảo đã xin phép bố mẹ rồi. Bởi lão thấy tủi thân. Dù mới đây, lão được tỉnh tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc bồi dưỡng học sinh giỏi đạt thành tích cao toàn quốc.
 
Suốt chục năm trời, lão cứ thui thủi bỏ tiền túi dẫn đệ tử ra Hà Nội leo núi mà dường như chẳng nhận được lời hỏi han, động viên giúp đỡ nào của trường của ngành. Đến một mảnh giấy giới thiệu giúp lão “chính danh” hơn trong những cuộc đi như thế cũng không.
 
Chỉ có trận chung kết hồi tháng 6-2011 lão được một doanh nghiệp hỗ trợ 5 triệu đồng vé máy bay để cùng đệ tử ra Hà Nội. Lão suy đoán có lẽ cuộc chơi Olympia khốc liệt khó nói trước nên những người có trách nhiệm thiếu niềm tin và sợ tốn kém? Ngay trận chung kết, trường có học sinh đi thi cũng không cử giáo viên đi theo, khiến học sinh nhìn sang các đoàn bạn mà tủi thân.
 
Trong khi trưởng đoàn trường Quốc học Huế nói với lão rằng “Quốc học bọn tui đã lần thứ 4 vào chung kết rồi mà vẫn mừng như cha chết sống lại!”. Những ngày cuối cùng chuẩn bị cầu truyền hình trận chung kết Olympia lần thứ 11 tại Ninh Thuận, nghe nói đích thân ông Bí thư kiêm Chủ tịch tỉnh rất khí thế, đứng ra hò hét thì tất cả mới vắt chân lên cổ…
 
Giờ thì Thạch lão gia vẫn tập trung dạy học trên lớp và tham gia rèn các đội tuyển thi học sinh giỏi các cấp. Từ lâu, vô số học trò của lão đã đạt các giải cao toàn quốc rồi. Và một thú vui mãnh liệt khác nữa với lão, đó là phượt.
 
Con xe máy của lão suốt bao năm qua đã cùng lão một mình rong ruổi khắp trong nam ngoài bắc, lên non xuống bể. Có những chuyến lão chạy xe máy tới 4.481 km. Nhiều bận lão suýt bỏ mạng vì những tai nạn bất ngờ, như chìm lỉm trong bãi bùn, sẩy tay rơi xuống núi, mất sạch hành lý giấy tờ tiền bạc, hư máy ảnh …
 
Mục tiêu của lão là 5 năm tới sẽ đi cho đủ 63 tỉnh thành, hoàn thành đặt chân đến 4 cực Đông Tây Nam Bắc của đất nước, lên lại đỉnh Fansipan – nóc nhà Đông Dương lần 2 và mơ một ngày sẽ chinh phục đỉnh Kinabalu 4.095 mét cao nhất Đông Nam Á ở Malaysia!
 
Nhưng rồi, tôi biết có một đỉnh núi mà suốt đời lão không thể nào bỏ được, dù đã tuyên bố rửa tay gác kiếm. Đó là tiếp tục chinh phục đỉnh núi trí tuệ Olympia cùng đám đệ tử thương yêu ở Thạch Gia Trang nghèo đơn sơ mà ấm nóng tình thầy trò…
 
Theo Trần Tuấn
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm