Người Pa Cô làm thạc sĩ

Đều là người Pa Cô nhưng sau khi lấy bằng thạc sĩ, Hồ Mạnh Giang và Lê Thị Liên đều quay về A Lưới công tác, trả ơn vùng đất nơi đã nuôi mình lớn lên.

Sơn nữ master
 
Cuối cùng tôi cũng gặp được Liên, một sơn nữ người Pa Cô dịu dàng, ít nói, năm nay vừa tròn 32 tuổi, vẫn độc thân. Biệt danh “Liên Pa Cô” là tên gọi thân thương mà các thầy cô Trường đại học Sư phạm Huế dành cho em khi em đang học cao học tại trường”, Liên mở đầu.
 
Nếu không nghe anh Lê Anh Miêng, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy A Lưới kể trước đó, tôi không biết Liên vốn là con nhà nghèo, đông anh em. Khi Liên vào đại học, rồi học thạc sĩ, bố mẹ Liên phải bán hết gia sản để trang trải việc học hành. “Lê Thị Liên cùng quê Bắc Sơn (A Lưới) với mình, con nhà nghèo nhưng được cái nó học giỏi và rất chịu khó”, anh Lê Anh Miêng tâm sự.
 
Liên Pa Cô đã vượt qua những khó khăn kỳ tích để lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Sư phạm Huế
"Liên Pa Cô" đã vượt qua những khó khăn kỳ tích để lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Sư phạm Huế.
 
Liên chia sẻ: “Năm 2007, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Huế, lấy bằng cử nhân lịch sử loại khá, em tiếp tục xác định mục tiêu vượt qua mọi khó khăn thi vào cao học với quyết tâm, chưa tốt nghiệp thạc sĩ thì chưa trở về quê hương…”. Vừa ôn thi cao học, ngày ngày Liên vừa tranh thủ tất tả đạp xe vượt đường dài đi khắp TP Huế và các xã lân cận ven đô làm gia sư tích góp thêm tiền học phí. Sau gần 2 năm nỗ lực, sơn nữ Lê Thị Liên thi đậu cao học chuyên ngành lịch sử thế giới tại ngôi trường trước đây đã học. Liên kể: “Thời gian đó rất khó khăn, hoàn cảnh gia đình đã nghèo lại cùng lúc 5 anh em đang tuổi ăn học. Không muốn ba mẹ phải khổ, nên em đã có ý định đành gác lại giấc mơ thạc sĩ…”. Bố mẹ Liên không đành lòng. Sau khi bàn bạc, gia đình bán hết đàn trâu, bò và vay mượn thêm để Liên thực hiện ước mơ lấy tấm bằng “Master” mà cô đã quyết tâm theo đuổi.
 
Tốt nghiệp thạc sĩ, những tưởng Liên sẽ tìm kiếm cơ hội công tác ở nơi có điều kiện thuận lợi, thế nhưng thật bất ngờ cô làm hồ sơ xin về quê hương Bắc Sơn công tác. Liên bảo: “Em phải về để trả nợ cho quê hương”. Một chút may mắn đã đến, đúng thời điểm này, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ A Lưới cần tuyển một vị trí chuyên viên có chuyên môn phù hợp với ngành học của Liên, do cán bộ trước đây chuyển công tác về Huế. Thế là thay vì phấn đấu từ cấp xã, Liên được tuyển dụng vào làm chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện uỷ A Lưới đầu năm 2012.
 
Hiện tại, Liên có nguyện vọng học thêm tiếng Anh giao tiếp và tiếng Anh chuyên ngành để tìm kiếm suất học bổng quốc tế làm luận án tiến sĩ.
 
Cống hiến cho quê hương
 
Đang tò mò về biệt danh “Giang Ha-wai” nhận bằng “Master” ở Mỹ, tôi được anh Hồ Quyết Thắng, Trưởng phòng Nội vụ huyện A Lưới giới thiệu: Biệt danh “Giang Ha-wai” là vì cậu ấy đã đi du học ở Đại học Tổng hợp Hawai, Hoa Kỳ về. Giang là người Pa Cô đầu tiên cho đến nay của A Lưới được nhận bằng thạc sĩ ở Mỹ đấy!”.
 
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo ở quê hương Hồng Thượng, A Lưới, gia đình Giang đông anh em, bố mất sớm, mẹ làm cấp dưỡng ở Trường dân tộc nội trú của huyện, tảo tần nuôi 5 anh em. Ý thức được hoàn cảnh gia đình, từ nhỏ Giang luôn nỗ lực học tập để mong có điều kiện sau này làm chỗ dựa cho các em. Học hết cấp 3 với thành tích học tập xuất sắc, Giang được huyện chọn đi học cử tuyển tại Trường đại học Kinh tế - Huế, chuyên ngành Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau 4 năm nỗ lực dành được học bổng khuyến khích của trường, chàng sinh viên Hồ Mạnh Giang hoàn tất khóa học lấy bằng cử nhân với kết quả loại giỏi. Rồi anh được nhận vào công tác tại Ban Dân tộc tỉnh vào năm 2004.
 
Liên Pa Cô đã vượt qua những khó khăn kỳ tích để lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Sư phạm Huế
Sau khi có bằng "Master" ở Mỹ, chàng Pa cô Hồ Mạnh Giang thực hiện tâm nguyện về cống hiến cho quê hương A Lưới.
 
Đến năm 2008, Giang có dịp tiếp xúc với chương trình học bổng quốc tế (IFP) do Trung tâm Trao đổi giáo dục Việt Nam giới thiệu và anh trực tiếp được phỏng vấn. Giang không ngần ngại: “Lần phỏng vấn đó em bị trượt do vốn ngoại ngữ hạn chế quá. Mặc dù phỏng vấn trượt nhưng em vẫn được cấp một suất học bổng tiếng Anh thời hạn 6 tháng tại Đại học An Giang. Sau lần trượt đầu tiên, rồi học đi học lại, phải chờ đến năm sau mới có đợt phỏng vấn tiếp theo, em dự thi và đạt tiêu chí vượt qua để nhận quyết định chính thức đi du học ở Mỹ theo Chương trình IFP (International Fellowship Programme) do học bổng Quỹ Ford tài trợ…”.
 
Thời gian đầu sang Mỹ chỉ toàn học ngoại ngữ, Giang bảo: Ngôn ngữ tiếng Anh ở trường trước đây mình học thật khác với môi trường giao tiếp ở bên này nên gặp không ít khó khăn. Rồi phương pháp đào tạo của họ chủ yếu là sinh viên tự nghiên cứu, sau đó thảo luận, nhưng tiếng Anh hạn chế nên nhiều lúc mình nghe không ra. Trong lớp chỉ có mình là sinh viên Việt Nam. Thế là phải đầu tư học gấp 3 lần các bạn sinh viên quốc tế, tranh thủ trao đổi với sinh viên nước bạn, các giáo sư… và chẳng ngần ngại nói ra những điểm hạn chế của mình để học hỏi”.
 
Trước lúc đi du học, Giang đã ngầm tính sau khi học xong sẽ xin chuyển công tác về huyện A Lưới để phục vụ đồng bào mình, nên anh chọn chuyên ngành Hành chính công. Giang bảo: “A Lưới còn nhiều khó khăn, em chọn chuyên ngành này với mong muốn có thể đem những kiến thức học được góp phần phục vụ tốt hơn công tác chính sách, cải cách hành chính đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số quê em”. Bằng lòng chuyển công tác tại một cơ quan cấp tỉnh ở thành phố lên huyện miền núi đặc biệt khó khăn, với chức danh chuyên viên tổng hợp Văn phòng UBND huyện, với Giang, cống hiến cho quê hương là tâm nguyện lớn nhất trong cuộc đời anh.
 
Theo Bá Trí
Báo Thừa Thiên - Huế
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm