Người nữ tù xưa làm khuyến học

(Dân trí) - Năm nay 69 tuổi, bà Bí thư chi bộ Phạm Kim Dung đồng thời trực tiếp điều hành công tác khuyến học một khu phố của phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ít ai biết rằng đây chính là người nữ tù chính trị bị bắt trong đợt Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968.

Khi đất nước chiến tranh, ở tuổi thanh xuân, cô gái Phạm Kim Dung (người Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) gắn với phong trào hoạt động của sinh viên. Sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội, bà Phạm Kim Dung vào Nam làm Chánh văn phòng Thành đoàn TP.HCM. Khi đất nước thống nhất, bà dành thời gian cho ngành giáo dục: làm Trưởng phòng tổ chức Sở GD-ĐT, rồi Phó chủ tịch công đoàn ngành Giáo dục TP.HCM. Và trong quỹ thời gian nghỉ hưu ít ỏi của mình, bà vẫn dành phần lớn thời gian cho công tác khuyến học. Nói theo cách của bà, "cứ làm hà rầm, không phô trương". Với người bí thư chi bộ này, làm khuyến học, khuyến tài là phải tìm mọi cách hạn chế học sinh lưu ban, bỏ học, vươn lên học tốt.

Nghỉ hưu, bà nghĩ rằng mình sẽ có thời gian đi đây đó. Nhưng rồi cuộc vận động xây dựng khu phố bắt đầu. Bà được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ khu phố 1, lo lắng sự bình yên cho 23 tổ dân phố với gần một ngàn hộ dân. Năm 2004, từ sự hăng say của những người đồng nghiệp cũ trong ngành giáo dục làm công tác khuyến học, bà Kim Dung bắt tay vào gây dựng phong trào khuyến học ở khu phố 1, nơi có nhiều dân nhập cư có đời sống còn túng bấn.

Bà còn nhớ rõ, khi ấy bà đã gửi lên thành phố trường hợp của 2 học sinh: 1 em là con nhà tham gia kháng chiến được nhận học bổng Khuyến học của thành phố, hiện là sinh viên năm thứ 3. Em còn lại nhận học bổng khuyến học của quận Bình Thạnh. Mẹ em gánh đậu hũ nuôi 3 con gái vào đại học. Em giờ là sinh viên trường Đại học Y dược TP. HCM.

Việc đầu tiên là phải gây dựng cho được Quỹ khuyến học. "Lấy tư cách là một bí thư chi bộ đi vận động quỹ" là một trong những bí quyết để Quỹ khuyến học của khu phố cứ đầy thêm lên sau mỗi lần bà Bí thư đi đến nhà các đảng viên còn tại chức. Bà nói: "Mình không yêu cầu nhiều, chỉ nói là các đồng chí tùy điều kiện". Vì thế, có người ủng hộ 50 ngàn nhưng cũng có người đưa cho bà 500 ngàn giúp đỡ các em học sinh nghèo của khu phố.

Số tiền từ quỹ đó, bà trao cho các em mỗi năm 2 lần. Tiền quỹ tồn đọng quá nhiều sẽ phải gửi vào Kho bạc Nhà nước nên bà rất hạn chế quỹ tồn đọng. Năm học 2007-2008, lần đầu tiên Chi hội Khuyến học khu phố 1 áp dụng hình thức học bổng 1+1 như của Hội khuyến học TP.HCM dẫu rằng chỉ có 1 cặp vợ chồng trao học bổng cho 1 em học sinh với số tiền 800.000 đồng chia làm 2 lần/ năm. Dù sao, của ít lòng nhiều. Bà vẫn tin tưởng rằng sẽ có thêm nhiều ân nhân nữa tham gia học bổng 1+1 ở khu phố 1 này.

Một trong những lí do để bà Kim Dung tin tưởng ấy là khi nhìn vào đời sống của người dân. Bà tự hào mình là người đã đưa Quỹ trợ vốn CEP của Liên đoàn Lao động TP.HCM xuống tận tay người dân lao động nghèo. Ban đầu quỹ CEP chỉ dành cho đối tượng là cán bộ công chức. Năm 2001, sau khi xin ý kiến của Ban chấp hành Liên đoàn lao động TP, ý kiến cấp ủy, ban điều hành khu phố, bà đưa hình thức trợ vốn này xuống tận tay người dân. Mọi việc suôn sẻ có lẽ vì khi còn làm trong công đoàn ngành giáo dục, bà cũng là ủy viên Ban chấp hành Liên đòan Lao động TP. Với quỹ CEP, người dân được vay vốn với lãi suất 1%, thời gian thu hồi vốn và lãi là trong 40 tuần. Bà cho biết, đây là năm thứ 5 thực hiện quỹ này, có người đã vay được 7 triệu để làm ăn.

Công tác cơ sở của bà được nhiều bạn trẻ biết đến. Hàng năm, sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và Nhăn văn TP.HCM chọn khu phố 1 để làm nơi thực tập. Các em đến tìm hiểu công tác ở khu phố, cách điều hành một đại hội ban chấp hành khu phố, các cách gây dựng phong trào khuyến học cũng như điều hành một khu phố văn hóa liên tục 3 năm liền...

Gần đến tuổi thất thập, bà Kim Dung vẫn lo lắng từng ngày khi nơi bà ở vốn là một địa bàn phức tạp. "Hai tháng rồi, khu phố này chưa mất 1 chiếc xe máy nào", bà hồ hởi khoe.

Hiếu Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm