Người mẹ kế nuôi 6 con học ĐH, CĐ
Chắt chiu từ gánh nước, bó củi, bát nước bán dạo hàng ngày ở ga Quảng Trị, bà Nguyễn Thị Niêm tần tảo nuôi 4 đứa con riêng của chồng, 2 đứa con chung ăn học ĐH, CĐ.
Bà Nguyễn Thị Niêm mồ côi cha từ khi 3 tuổi, đã sớm lăn lóc với gió cát miền quê Triệu Phong. Ngày ấy, bà là thành viên trẻ nhất của đội du kích anh hùng xã Triệu Lăng, từng bao phen làm kẻ thù mất ăn, mất ngủ.
Năm 1968, trong một trận đánh, quân địch đã bắt được bà, một cô gái nhỏ nhắn, xinh đẹp nhưng gan dạ, dũng cảm đến không ngờ. Vừa ôm ngực, bà Niêm vừa hồi tưởng lại quãng thời gian hãi hùng khi địch chuyển từ nhà lao này sang nhà lao khác và bị tra tấn bằng những cực hình mà theo bà thì “chẳng hiểu sao hồi đó tui chịu đựng gan lỳ như vậy”.
Bà kể: “Sau Hiệp định Paris tui được trao trả tù binh. Ra trại, với cái tuổi hai tám là coi như tui ế rồi. Hồi đó các cô lấy chồng trẻ lắm, mười chín đôi mươi đã có nơi có chốn.
Vừa đánh giặc, rồi lại bị giam cầm, tui chẳng biết đến tình yêu là cái chi. Có anh bộ đội miền Bắc hồi đó cũng thương, nhưng chưa kịp hứa hẹn thì đơn vị anh đã vào Tây Nguyên đánh trận Buôn Mê Thuột.
Được làm cấp dưỡng tại uỷ ban huyện Triệu Phong, 30 tuổi rồi mà tui vẫn “phòng không”. Nhìn bức ảnh bà Niêm chụp từ năm 20 tuổi, thật khó có thể nói rằng, 30 tuổi mà bà vẫn chưa biết tình yêu là gì.
Ở tuổi 30, tình yêu đã đến với bà. Nhìn bác Tầm chập chững chống nạng với ánh mắt chan chứa thương yêu, bà kể lại “đám cưới kỳ lạ” thời đó, năm 1974. “Bác Tầm, không, đúng hơn là ... thầy Tầm, hồi đó tội lắm. Một nách gà trống nuôi 4 con nhỏ, mà lương giáo viên những năm đó thì ai cũng biết rồi đó”.
Vợ ông giáo là liệt sĩ Phan Thị Định đã hy sinh trong một trận đánh ở xã Tùng Luật (Vĩnh Linh), để lại cho ông 4 người con là Phú Cường, Phú Quốc, Năm và Vân Anh mới tròn 12 tháng, vẫn chưa rời bầu vú mẹ. Cô học sinh Niêm 30 tuổi xinh đẹp phải lòng ông giáo Tầm ngay từ buổi học đầu tiên, rồi sau đó, nghe kể về hoàn cảnh đáng thương của thầy, cô đã nguyện gắn bó cuộc đời mình với thầy để thực hiện di nguyện cuối cùng mà liệt sĩ Phan Thị Định để lại: “Nuôi dạy các con nên người”.
Nhưng, làm sao nuôi dạy khi thiếu bàn tay người phụ nữ? Đám cưới “có một không hai” giữa thầy giáo Tầm và cô du kích Niêm tổ chức vào một ngày đông giá rét năm 1974. Một đám cưới chỉ có 2 cân bánh ướt và 1 chén nước mắm, “của hồi môn” chỉ có 1 chiếc xe đạp Thống Nhất cũ kỹ và 1 chiếc National ...
Từ đây, bà đã là người mẹ kế của 4 đứa trẻ thơ dại trong căn nhà tồi tàn. 4 đứa trẻ mà giờ đây tất cả đều là cán bộ nhà nước tỉnh, có người đã là tiến sĩ, người đang tu nghiệp ở nước ngoài. Tất cả đều lớn lên và được học hành tử tế là nhờ vào bát nước bán dạo ở ga Quảng Trị, nhờ những bó củi nhặt trên rừng mà bà Niêm ngày ngày tần tảo, chắt chiu...
Bà kể tiếp: “Cưới được 2 năm tui sinh thêm thằng Thân và con bé Việt Khánh. 4 anh chị của con Khánh, ngoài thời gian học đều phụ giúp tui đi bán nước. Riêng đi lấy củi thì tui không cho, bởi chúng còn phải học. Bác Tầm lúc này đã liệt giường vì bệnh xuất huyết não. Bà ngoại của con Khánh đã 85 tuổi cũng nằm một chỗ, tất cả chỉ chờ trông vào bát nước, bó củi mà thôi”.
Người vào đại học đầu tiên là anh con trai cả Nguyễn Phú Cường. Ngày ấy, 4 năm học đại học Sư phạm Huế anh chỉ độc nhất một đôi dép lê. Đôi dép ấy theo anh sang tận Matxcơva xa xôi, giá lạnh để tu nghiệp. Bây giờ, anh là cán bộ Bưu điện thị xã Đông Hà.
Nối tiếp người anh trai, Nguyễn Phú Quốc cũng tốt nghiệp đại học Nông lâm Huế với tấm bằng loại ưu. Hiện anh là tiến sĩ, công tác ở Trung tâm Khuyến nông khuyến lâm Quảng Trị. Khác với 2 người anh, chị Nguyễn Thị Năm tuy học giỏi nhất nhà, nhưng để vào đại học trong gia cảnh như vậy là không thể.
Học đại học được 5 tháng, chị phải bỏ giữa chừng vì không có tiền nộp học phí. Chị đang công tác ở trường Trung cấp địa chính Đông Hà. Nhắc đến chị Năm, bà Niêm vẫn còn nuối tiếc: “Tui thương nó nhất trong nhà, nó học giỏi nhất nhưng phải chịu hy sinh cho 2 thằng anh”.
2 con của bà Niêm và ông giáo Tâm là Thân và Việt Khánh cũng đã tốt nghiệp Đại học Huế và Đại học Quy Nhơn...
Với bà, không hề có ý nghĩ con riêng hay con chung. Cũng như các con bà, khái niệm mẹ kế hầu như chẳng bao giờ xuất hiện...
Theo Nam Cường
Tiền Phong