Người lớn xấu xí

Trong mắt trẻ thơ, thế giới người lớn thường có những thói quen xấu nào? Tờ báo Phương Lâm đã làm một cuộc điều tra trong chuyên đề giáo dục đạo đức công dân cho học sinh tiểu học trong thành phố Thiên Tân, Trung Quốc.

Hơn 400 học sinh tiểu học được mời tham dự với thang điểm tối đa 20 cho mỗi thói tật của người lớn.

 

Kính lão mới là trọng

 

Kết quả khiến người lớn ở Trung Quốc phải giật mình như họ từng bị sốc với tác phẩm Người Trung Quốc xấu xí của Bá Dương nhiều thập niên trước. Hành vi không kính trọng người già “được” 4.503 điểm, đứng đầu bảng.

 

Em Trần Tinh, 11 tuổi, giải thích: “Thầy giáo bảo “kính lão ái ấu” phải đặt tiêu chuẩn kính trọng người già lên hàng đầu. Nhưng chúng cháu phát hiện rất nhiều người lớn không kính trọng người già”.

 

Em kể chuyện từng chứng kiến: nhà em ở trong một khu dân cư cao cấp, một hôm em thấy một bà cụ nông dân đến tìm một cô hàng xóm. Đến đêm, em thấy bà cụ ngồi một mình ở băng ghế đá trong sân, và nghe cô hàng xóm cãi nhau kịch liệt với bà dù bà là mẹ của cô ấy.

 

Em còn đưa ra nhiều dẫn chứng như xem bố mẹ như người làm trong nhà, không chăm sóc cha mẹ sau khi ra nước ngoài học tập và làm việc. Em kết luận “rất người lớn”: “Ông bà là người giáo dục cha mẹ chúng ta, đối xử tệ bạc với họ là hành động rất đáng trách”.

 

Thói quen phát tán virus máy tính “được” 3.953 điểm, xếp thứ hai, cho thấy học sinh hiện nay rất có trách nhiệm cộng đồng. Em Mậu Linh giảng giải theo suy nghĩ trẻ con của mình: “Máy tính của em và bạn bè thường xuyên bị virus tấn công, làm mất nhiều dữ liệu lưu trữ trong máy. Em cảm thấy điều đó còn nghiêm trọng hơn hành động ăn trộm vì sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người”.

 

Ngoài ra các em còn cho rằng động vật cũng có cuộc sống riêng của mình, tại sao người lớn cứ giết hại, ngược đãi những động vật quí hiếm. Nếu sau này chúng bị tuyệt chủng thì các bạn nhỏ khác sẽ không còn được nhìn thấy gấu trúc, cọp đông bắc...

 

Việc không mặc áo khi ra đường, không tuân thủ luật lệ giao thông, vẽ bậy, dán bậy, không nhường chỗ trên xe buýt, đổ rác bừa bãi trong khu dân cư, leo trèo lên tượng đài, không xếp hàng, không tắt điện thoại di động khi tham gia hội nghị..., theo các em, đều là những hành vi không văn minh.

 

Hãy làm gương sáng

 

Thầy Trương Tú Chi, hiệu phó phụ trách đạo đức của một trường tiểu học, phân tích: người lớn luôn là tấm gương của trẻ em, một khi người lớn không chủ động nhường chỗ cho người già thì không thể yêu cầu trẻ em nhường chỗ. Do đó, theo thầy Trương, giáo dục đạo đức phải chú trọng cả lời nói và hành động, nói phải đi đôi với làm.

 

Thầy Lôi Khắc Lâm, thuộc Ủy ban chỉ đạo giáo dục tâm lý sức khỏe học sinh của thành phố Thiên Tân, mở rộng: “Trẻ em là tấm gương phản chiếu của thế giới người lớn.

 

Những thói xấu được xếp hạng đều là những việc nhỏ đối với người lớn nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện tinh thần, trình độ văn minh, đạo đức của một thành phố.

 

Việc làm của các em đã dạy một bài học cho người lớn. Tại sao những qui tắc đạo đức trẻ em cũng hiểu nhưng người lớn lại không có ý thức chấp hành? Điều đó cho thấy người lớn phải nghiêm khắc với chính mình, đừng bỏ qua những thói quen xấu dù là rất nhỏ”.

 

Theo Tuổi Trẻ/ Tin Nhanh Thiên Tân