Người lính Cụ Hồ đi gieo chữ vùng biên

Dù chỉ về thăm xã Hưng Điền A, Huyện Vĩnh Hưng, Long An một ngày nhưng cũng kịp cho chúng tôi hiểu được cái khó khăn và cảnh “khát” chữ của người dân vùng biên giới Tây Nam. Cũng vì thấu hiểu cảnh “khát” chữ của con em trong xã Hưng Điền A, anh lính Cụ Hồ trẻ tuổi Lương Văn Kiếp, chiến sỹ Đồn Biên phòng Bến Phố đã không ngại khó khăn ngày đạp xe 2 buổi tới đây dạy chữ cho các em.

Nhập ngũ và làm nhiệm vụ tại đồn Biên Phòng Bến Phổ từ tháng 9/2013 đến tháng 1/2014 người lính trẻ Văn Kiếp sinh năm 1991, quê Cần Đước, Long An bắt đầu tham gia dạy chữ cho các em học sinh trong lớp học này.

“Lớp học tình thương này là do các chiến sĩ Đồn Biên phòng Bến Phố phối hợp với trường Tiểu học Hưng Điền A mở ra nhằm phổ cập kiến thức lớp 1 cho những em trong xã có hoàn cảnh gia đình khó khăn và con em Việt kiều Campuchia, không đủ điều kiện theo học lớp chính quy”, thầy Kiếp cho biết.

Người lính Cụ Hồ đi gieo chữ vùng biên
Dù nắng hay mưa, người lính người thầy giáo Lương Văn Kiếp vẫn đến lớp dạy chữ cho các em học sinh vùng biên giới.

Khi đoàn chúng tôi đến nơi, thầy Kiếp đang dạy các em đánh vần theo chương trình sách giáo khoa lớp 1. Dù lớp có 12 em học sinh theo học nhưng mỗi em lại có một câu chuyện, một hoàn cảnh khá đặc biệt khiến mọi người trong đoàn ai cũng rất xúc động.

Em Ngô Văn Thảo, 11 tuổi ở xã Thái Trị, Vĩnh Hưng tâm sự: “Nhà em nghèo lắm. Từ nhỏ em đã theo mẹ đi khắp nơi, lúc thì làm thuê, lúc đi giăng lưới bắt cá kiếm sống. Em là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em. Anh trai em mới học đến lớp 3 đã phải nghỉ học vì gia đình quá khó khăn. Khi biết các chú bộ đội biên phòng mở lớp dạy học miễn phí, em liền xin mẹ đến đây theo học chữ. Dù đã 11 tuổi nhưng đây là lần đầu tiên Thảo được đến trường và học chung lớp 1 với các em nhỏ khác.

Nhắc tới chú bộ đội, kiêm thầy giáo Lương Văn Kiếp, em Thảo cho biết: Thầy Kiếp dạy rất dễ hiểu và tận tình. Mỗi lần em viết sai hay gặp bài toàn khó, thầy đều chỉ sửa và giảng lại đến khi em làm được mới thôi. Cuộc sống khó khăn từ nhỏ khiến Thảo ngập ngừng khi tôi hỏi về ước mơ. Chỉ đến khi thầy Kiếp hỏi, cậu bé có đôi mắt trong veo này mới đáp: “Sau này, em muốn trở thành công an".

Lớp học tình thương của thầy Kiếp không chỉ có các em học sinh con nhà khó khăn mà còn có Trần Hoàng Anh, cậu học trò bị tật cả mắt và tay nhưng rất ham học.

Chị Nguyễn Thị Bích, mẹ của em Hoàng Anh cho biết: Hoàng Anh không may bị bệnh bại não từ nhỏ, mắt em rất kém, tay chân lại yếu ớt nên không theo kịp bạn bè cùng trang lứa. Vì không muốn con mù chữ nên tôi mới cho con theo học lớp tình thương của thầy Kiếp. Dù mới theo học và chưa viết kịp bạn bè nhưng nhận biết kiến thức của Hoàng Anh cũng đã có tiến bộ khiến tôi rất vui.

“Ở lớp học này, mỗi ngày, thầy giáo Kiếp không chỉ dạy chữ cho con tôi mà còn thay chúng tôi dìu Hoàng Anh ra, vào lớp. Những cử chỉ nhỏ nhưng chứa đựng sự chân thành của người lính trẻ đã tiếp thêm nghị lực cho Hoàng Anh và cho chính bản thân tôi.”- chị Bích tâm sự thêm.

Nhờ sự giúp đỡ của thầy Kiếp, nhiều em học sinh có cơ hội biết được con chữ
Nhờ sự giúp đỡ của thầy Kiếp, nhiều em học sinh có cơ hội biết được con chữ.

Trong khi đó, khi chia sẻ về cơ duyên đến với lớp học tình thương, anh Kiếp tâm sự: “Từ khi chứng kiến nhiều em nhỏ ở vùng biên giới xa xôi phải chèo xuồng, leo cầu khỉ, thậm chí là chui vào bao ni lông bơi qua sông đi học… đã thôi thúc tôi phải làm điều gì đó, dù nhỏ để giúp các em thực hiện ước mơ. Chính vì vậy, khi được Ban chỉ huy đồn Biên phòng Bến Phố phân công và tạo điều kiện để tôi phụ trách lớp học tình thương thì tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Những gì tôi làm không nhiều, nhưng hi vọng sau này các em có điều kiện tốt hơn để theo đuổi việc học hành".

Không phụ tâm huyết của người lính, người thầy Văn Kiếp, trong học kì năm học 2013 -2014 vừa qua lớp có 6 em nhưng qua kiểm tra cuối năm đã có 5 em học sinh trong lớp đạt chuẩn kiến thức lớp 1 và được vào học lớp 2 hệ công lập của địa phương.

Sau khi kết thúc giờ học buổi sáng, thầy Kiếp lại nhanh chóng đạp xe về đơn vị cách đó khoảng 3km để chuẩn bị bữa cơm trưa cùng đồng đội và xem lại giáo án, chiều đến anh tiếp tục lên lớp. Đều đặn ngày hai buổi, không kể nắng hay mưa, thầy giáo Lương Văn Kiếp luôn có mặt ở trường đúng giờ. Không chỉ dạy chữ, thầy còn động viên các học trò vượt qua khó khăn để đi học. Bởi ở mảnh đất này, dù "thèm" chữ nhưng cái ăn, cái mặc vẫn là ưu tiên hàng đầu của người dân và các em có thể bỏ học bất cứ lúc nào để theo cha mẹ đi làm ăn xa…

Trung tá Chung Văn Hai, Chính trị viên Đồn Biên Phòng Bến Phố, cho biết: Ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ biên giới và tăng gia sản xuất như các chiến sĩ khác, đồng chí Lương Văn Kiếp còn làm rất tốt việc dạy học cho các học sinh nghèo ở lớp học tình thương. Điều đó đòi hỏi người lính phải có tâm huyết và lòng yêu trẻ thật sự.

“Lớp học đã mở được 4 năm, do các chiến sĩ mới nhập ngũ thay nhau phụ trách, nhưng cứ gần đến ngày “thầy giáo” ra quân thì đơn vị lại lo tìm người kế nhiệm. Không phải người trẻ nào cũng nghĩ và làm được như đồng chí Lương Văn Kiếp.”- Trung tá Văn Hai, cho biết thêm.

Với sự nhiệt huyết và những cống hiến hết mình vì người dân vùng biên giới, binh nhất Lương Văn Kiếp đã vinh dự nhận được danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến và Bằng khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trong đợt thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vừa qua.

Có thể nói, hình ảnh người thầy khoác áo lính chở theo học trò đạp xe đạp giữa trưa nắng như đổ lửa của vùng biên giới Tây Nam, hay người lính dìu tay các em nắn từng con chữ… càng cho thấy dù ở đâu tình quân dân của người lính Cụ Hồ vẫn khăng khít, keo sơn khiến những người bình thường như chúng ta càng phải nể phục.

Theo Xuân Anh - H. Tuyết
Baotintuc.vn