Người "cõng" chữ lên buôn

Mùa thu năm 1978, Cúc khoác ba lô lên vai, để lại đằng sau không ít lời bàn tán cho Cúc là "anh hùng rơm", không chóng thì chầy cũng biến thành "con ma sốt rét" bởi họ cho rằng Ninh Tây là nơi “rừng thiêng nước độc”. Cúc bất chấp tất cả...

Ở xã Ninh Tây, huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) ai cũng biết đến Away Cúc (mẹ Cúc). Chị là người đã có sáng kiến định cư các em học sinh dân tộc thiểu số rồi tiến tới định cư người lớn, đưa phong trào giáo dục xã từ con số 0 trở thành điển hình tiên tiến nhất.

 

Năm 20 tuổi, Nguyễn Thị Cúc là giáo viên của Trường PTCS Ninh Sim. Vào những dịp nghỉ hè, Cúc được nhà trường cử đi dạy bổ túc văn hóa ở buôn M'Đung (Ninh Tây). Mỗi lần lên đây, chứng kiến cảnh trẻ em người dân tộc Ê Đê đói cái chữ là khi về lòng Cúc lại day dứt khôn nguôi. Qua nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, Cúc quyết định tình nguyện đến buôn M'Đung công tác.

 

Mùa thu năm 1978, lên tới buôn M'Đung, điều khó khăn nhất với Cúc là khi thấy dân làng nhìn mình với vẻ thờ ơ, lãnh đạm và tỏ ra nghi ngờ khi Cúc muốn làm quen.

 

Không nản lòng, Cúc đến nhà ông Y Kun, trưởng buôn M'Đung, nhờ ông vận động các gia đình cho con em đi học, đáp lại lời Cúc là một thái độ dửng dưng. Hàng ngày, Cúc đánh kẻng báo hiệu giờ học đã đến, nhưng lớp học vẫn vắng tanh. đồng chí Võ Duy Đồng (Chủ tịch UBND xã lúc bấy giờ) đã cho Cúc biết nguyên nhân vì sao bà con dân tộc ở đây hễ cứ thấy người Kinh là xa lánh. Thì ra do trước đây, người dân M'Đung từng bị bọn tay chân Mỹ, ngụy đến khủng bố, áp bức, bóc lột thậm tệ khiến dân làng vô cùng khổ sở và từ đó họ có mối ác cảm với người Kinh.

 

Để bỏ qua hàng rào ngăn cách đó, Cúc đã thực hiện "3 cùng" cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con dân tộc Ê Đê. Cúc được già làng A Ma Tái nhận làm con nuôi. Và cũng như bao cô gái Ê Đê khác, Cúc cũng biết mặc váy áo dân tộc, biết vào rừng đốn củi, xuống suối lấy nước. Mỗi khi trong làng có ai đau ốm, Cúc lại ân cần hỏi thăm... Tấm lòng của Cúc dần dần được bà con hiểu ra và họ đã đưa con em mình tới lớp để cô giáo Cúc dạy cho cái chữ. Lớp học ban đầu chỉ có 5 em sau rồi tăng lên 16 em. Cúc được phân công dạy hai cơ sở, sáng ở buôn Tương, chiều buôn M'Đung. Con đường giữa hai buôn cách nhau đến 3km đường rừng, ngày ngày dù mưa hay nắng, bà con dân làng vẫn thấy cô giáo người Kinh có vóc dáng nhỏ nhắn ấy đi về giữa hai buôn như con thoi mà không một lần chùn bước.

 

Việc học của các em dân tộc Ê Đê đã ổn định, Cúc lại nghĩ ngay đến các em dân tộc Raglai sống trên núi BaNon. Khó khăn nhất của chính quyền địa phương lúc bấy giờ là làm thế nào để đồng bào Raglai đang sống rải rác trên núi BaNon định canh định cư giống như đồng bào dân tộc Ê Đê. Qua những năm tháng làm công tác ở miền núi, Cúc biết rõ cái bụng người Raglai là không bao giờ muốn rời xa con cái. Cúc liền tham mưu với chính quyền cho định cư trẻ em trước, người lớn sau. Một lần nữa, Cúc lại táo bạo làm một việc "động trời" là trèo đèo vượt suối, lên đỉnh BaNon thuyết phục, vận động và thực hiện "3 cùng" với bà con nơi đây. Cuối cùng, bà con cũng đồng ý cho Cúc dẫn con em mình xuống núi để học tập và sống chung với người dân tộc Ê Đê. Cúc mở lớp nội trú, tự tay cô nấu ăn, giặt giũ, hớt tóc, chữa bệnh cho các em...

 

Ngày 12/12/1981, cô giáo Nguyễn Thị Cúc vinh dự được tham gia Hội nghị Sáng kiến kinh nghiệm ngành giáo dục cấp quốc gia và là người đứng thứ nhất trong 300 sáng kiến kinh nghiệm mà đến nay vẫn được áp dụng trên cả nước. Có lẽ phần thưởng cao quý nhất mà Cúc nhớ mãi là được bác Phạm Văn Đồng gọi tên mình giữa một rừng người đang vây quanh bác. Cúc vẫn còn nhớ như in khi vừa bước xuống xe, bác đã nói to: "Hôm nay tôi đến thăm Hội nghị và muốn gặp một đồng chí, đó là đồng chí Nguyễn Thị Cúc quê ở Ninh Hòa, Phú Khánh. đồng chí có mặt ở đây không?". 

 

Nghe bác gọi, Cúc giật mình cuống quýt, thế rồi ai đó nắm lấy tay cô đẩy lại gần bác. Bác ôm lấy vai Cúc, hôn lên trán cô mà nói rằng: "Bác đã đọc bản sáng kiến kinh nghiệm của cháu. Cháu giỏi lắm, đọc báo cáo của cháu bác cứ tưởng cháu là một nhà chính trị dày dạn kinh nghiệm, không ngờ cháu còn quá trẻ. Thằng Pháp, thằng Mỹ không thể nào mài mòn được trí thông minh sáng tạo của con người Việt Nam".

 

Vậy là qua bao thăng trầm vất vả, cô giáo Nguyễn Thị Cúc đã được Trung ương, các ban, ngành biết đến, tặng nhiều huy chương, kỷ niệm chương, bằng khen và giấy khen vì đã có đóng góp trong việc đưa Ninh Tây từ con số 0 về giáo dục phát triển thành 4 bậc học bao gồm THCS, bổ túc văn hóa, mẫu giáo và nhà trẻ. Năm 1982, cô làm Hiệu trưởng Trường PTCS Ninh Tây. Năm 1986, cô được chuyển về công tác tại UBND xã. Giờ đây, cô Nguyễn Thị Cúc là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ninh Tây.

 

Chia tay núi rừng. Chia tay với cái nắng cháy da để trở lại thành phố. Tôi bỗng thấy mắt mình cay cay khi nghĩ về các em ở vùng sâu, vùng xa khác đang rất cần những tấm lòng như cô giáo Nguyễn Thị Cúc ngày ấy

 

 

Theo Khánh Ninh

Công An Nhân Dân