Người chống tiêu cực bị đe dọa tính mạng
(Dân trí) - Sau khi báo Dân trí đăng tải thông tin về hàng trăm bài thi tốt nghiệp bổ túc THPT tại Hải Phòng có <a href="http://www11.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2007/7/188937.vip">nhiều dấu hiệu tiêu cực</a> nhưng chưa được xử lý triệt để, chúng tôi tiếp tục nhận được sự quan tâm của rất nhiều độc giả trong cả nước.
Để làm rõ hơn việc có hay không một đường dây tiêu cực trong kỳ thi này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dũng - Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Hải Phòng.
“Né” thanh tra: Chấm bài thi vào giờ nghỉ trưa!
Thưa ông, dư luận đang rất quan tâm đến vụ việc hàng trăm bài thi giống nhau "như được chép ra từ một đáp án" tại kì thi tốt nghiệp BT THPT vừa qua tại Hải Phòng. Là trưởng đoàn thanh tra, ông có thể cho biết thêm về những tiêu cực đã được phát hiện?
Tại kỳ thi tốt nghiệp BT THPT năm 2006, chúng tôi đã phát hiện một số tiêu cực nhưng chỉ dừng lại ở lập biên bản nhắc nhở rồi bỏ qua. Ở kỳ thi tốt nghiệp BT THPT năm nay, chúng tôi đã nhắc lại chuyện đó và nhất quyết không để tồn tại những khuyết điểm như năm 2006. Tuy nhiên, ngay khi bước vào thanh tra tại hội đồng chấm thi (HĐCT) tốt nghiệp BT THPT, chúng tôi đã vấp phải hàng loạt khó khăn trong công tác giám sát, thanh tra do cán bộ, giáo viên thuộc HĐCT cản trở.
Cụ thể, cô giáo Thanh, thanh tra viên, khi đến giám sát phòng thi môn toán đã bị ông Trường - Giám đốc TT GDTX huyện Cát Hải, tổ trưởng giám khảo chấm môn toán, đuổi ra khỏi phòng. Cô Quỳnh, thanh tra viên giám sát phòng chấm thi môn Sử cũng bị Tổ trưởng tổ giám khảo môn sử mời ra khỏi phòng.
Nghiêm trọng hơn, bà Ngô Thúy Ngọc - Phó phòng GDTX của Sở, là Phó Chủ tịch HĐCT cũng đã trực tiếp mời đồng chí Lê Văn Năng, thanh tra viên, thư ký hội đồng thanh tra chấm thi ra khỏi phòng. Trong quá trình thanh tra chấm thi, chúng tôi đã phát hiện ra những tập bài thi giống nhau, vi phạm quy chế nhưng giám khảo vẫn điềm nhiên chấm, cho điểm cao, không xử lý theo đúng quy chế.
Sau buổi chấm thi đầu tiên, tôi đã có văn bản kiến nghị đầu tiên gửi Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng và báo cáo lên thanh tra Bộ GD&ĐT đề nghị xử lý những giám khảo chấm các bài thi giống nhau đặc biệt bất thường nói trên. Ngày hôm sau, chúng tôi lại phát hiện nhiều bài thi giống nhau ở cả 4 bộ môn. Tổng cộng có đến 8 - 9 tập bài thi giống nhau đặc biệt bất thường.
Chúng tôi đã liên tục có các kiến nghị tiếp theo về việc xử lý những tập bài giống nhau này. Đến nay, tổ công tác đặc biệt của TP Hải Phòng đã có quyết định hủy kết quả 77 bài thi vi phạm quy chế trong 162 bài thanh tra kiến nghị xử lý. Tuy nhiên, những cá nhân liên quan đến việc này lại chưa bị xử lý.
Ngoài việc phát hiện ra những bài thi giống nhau như cùng một đáp án viết sẵn, thanh tra có phát hiện thêm những dấu hiệu sai phạm nào khác tại HĐCT này, thưa ông?
Trong đợt chấm thi tốt nghiệp BT THPT vừa rồi, chúng tôi còn phát hiện HĐGK tổ chức chấm bài thì môn địa lý vào giờ nghỉ trưa. Đây là việc làm vi phạm quy chế nghiêm trọng. Trước khi bước vào kì chấm thi này, chúng tôi đã lên kế hoạch chấm từ ngày 5/6 đến 14/6/2007 và quy định rõ giờ làm việc buổi sáng, buổi chiều. Trên thực tế, Hội đồng giám khảo cũng đã hoàn thành chấm thi trước thời hạn 4 ngày nên không thể viện vào lý do chấm chậm để chấm ngoài giờ. Họ cũng không hề báo thanh tra Sở về việc làm này.
Sau này chúng tôi có được biết là ông Phạm Xuân Ba - Chủ tịch HĐGK, có báo cáo miệng với thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT. Thanh tra Bộ chỉ có duy nhất một người, trong khi đó cả HĐGK và chấm thi trên 60 người. Vai trò của Thanh tra do Bộ ủy quyền hoàn toàn độc lập, giám sát HĐGK và quá trình chấm thi chứ không phải là người chỉ đạo toàn diện công tác thanh tra chấm thi. Chúng ta đều biết, việc tổ chức chấm thi là phải có kế hoạch, có thanh tra, đó là nguyên tắc. Thoát ly ra khỏi sự giám sát của thanh tra trong trường hợp có nhiều dấu hiệu tiêu cực như trên chắc chắn sẽ thiếu khách quan, minh bạch.
Chúng tôi cũng được biết, trong quá trình chấm thi, một số anh em giám khảo khi phát hiện những tập bài thi giống nhau nhưng sợ, không dám trực tiếp lập biên bản xử lý mà chỉ ngầm báo cho thanh tra. Chẳng hạn, bộ môn văn có một cặp chấm phát hiện bài thi giống nhau và họ không dám lập biên bản. Khi chúng tôi nhắc lại quy chế nếu giám khảo không phát hiện ra những tập bài vi phạm thì chính họ sẽ bị kỉ luật, có giám khảo đã "lách" bằng cách viết vào bao bì đựng bài thi là "tập bài giống nhau" mà không lập biên bản.
Có lý do nào khác giải thích cho việc giám khảo "làm ngơ" trước những bài thi giống nhau mà không lập biên bản, thưa ông?
Vấn đề này chúng tôi cũng đang đặt ra dấu hỏi.
Dấu hiệu của một đường dây tiêu cực?
Theo ông, liệu có một đường dây tiêu cực đứng đằng sau việc chấm thi để con em họ được điểm cao, hoặc vì chạy theo thành tích nào đó?
Đến nay, tôi chưa đủ căn cứ để khẳng định, tuy nhiên nghi vấn thì vẫn có. Về những dấu hiệu tiêu cực nếu xâu chuỗi lại sẽ thấy: Thứ nhất, giám khảo không dám phát hiện ra những tập bài thi giống nhau. Thứ hai, giám khảo đuổi thanh tra không cho giám sát trong phòng thi.
Thứ ba, hội đồng giám khảo bất hợp tác, gây căng thẳng với thanh tra. 13 biên bản ghi nhớ những sai phạm của giám khảo đã được thanh tra viên, giám khảo vi phạm ký nhận nhưng ông Chủ tịch HĐGK thì cương quyết không ký... Thứ tư, hội đồng giám khảo kiến nghị kỷ luật ngược thanh tra!
Cũng trong thời điểm kiến nghị kỹ luật đoàn thanh tra có đơn thư nặc danh tố cáo, đe dọa, tung tin xấu về chánh thanh tra Sở GD-ĐT đến các phòng Giáo dục và các TTGDTX... Đó là những dấu hiện bất thường đặc biệt.
Đơn thư nặc danh còn trực tiếp đe dọa tôi: "Nếu kết quả thi của học sinh Hải Phòng thấp thì ông Dũng không còn đường về quê". Tôi cho rằng đây không chỉ là một lời đe dọa suông mà có chủ đích muốn nhắm vào tôi vì tôi đã không bỏ qua những tiêu cực trong kỳ chấm thi tốt nghiệp BT THPT này. Tôi đã trực tiếp gửi văn bản trình bày đến Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, Giám đốc Sở GD-ĐT cùng Sở Công an về vụ việc này.
Vậy các cơ quan chức năng đã có biện pháp gì để bảo vệ ông?
Đây là vấn đề rất nghiêm trọng và trong đơn trình bày tôi cũng đã đề cập đến việc cảm nhận rất rõ một đường dây tiêu cực có tổ chức, có chỉ đạo. Mặc dù tôi không trực tiếp đề cập đến cá nhân cụ thể nhưng nếu dựa vào những dấu hiệu bất thường như tôi đã trình bày trên cơ quan chức năng có thể tìm ra được dấu vết.
Xin cảm ơn ông!
Xuân Đức - Phúc Hưng