Ngôi trường mang tên chàng trai trẻ

Ra đi ở tuổi 32, tài sản chàng trai trẻ Lê Công Anh Đức để lại là bộ sưu tập đèn cổ có một không hai. Và rồi những chiếc đèn cổ ấy đã “hóa thân” thành một ngôi trường mẫu giáo đúng với tâm nguyện mang tên anh tại quê nhà xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn (Quảng Nam).

Ngôi trường mang tên chàng trai trẻ
Một giờ học tại trường Mẫu giáo Lê Công Anh Đức (ảnh lớn). Trường Mẫu giáo Lê Công Anh Đức (ảnh nhỏ). (Ảnh: H.Văn)

 

Trường công, tên tư!

 

Trường rộng 500m2, một bên là cánh đồng, bên kia là những mái nhà nhỏ san sát thuộc thôn Đa Hòa.

 

Cô Hiệu trưởng Lê Thị Nhạn tiếp chúng tôi giữa trưa nắng, khi đám trẻ đang ngủ say. Như mọi ngày, các cô ở lại trường lo chuyện ăn ngủ cho các em vì đây là trường công lập chính quy bán trú. Trước đây, cả xã có 5 điểm trường nhỏ lẻ, hầu hết đã xuống cấp.
 

Từ năm học 2012 - 2013, trường mẫu giáo Lê Công Anh Đức hoàn thành, chính thức đón những khóa học sinh đầu tiên. Trường có 9 lớp học với 300 học sinh (từ 1 đến 5 tuổi) đều học theo hình thức bán trú, 17 cô đứng quản lớp. Tháng 6/2013 trường đã được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, và tỉnh công nhận phổ cập giáo dục tiểu học mầm non 5 tuổi.

 

Theo cô Nhạn, từ khi chuyển sang trường mới, các em có điều kiện học tốt hơn. Ngoài cơ ngơi khang trang, các vật dụng thiết bị, khu vui chơi khá toàn diện, đầy đủ. Năm học vừa rồi, mỗi phụ huynh tự nguyện đóng góp 120 nghìn đồng để xây dựng thêm khu vui chơi cho trẻ.

 

30 năm trong nghề, lần đầu tiên cô Nhạn chứng kiến một lễ khai giảng vừa trang trọng lại ăm ắp tình thương, nghẹn ngào xúc động khi những dòng tiểu sử về người đã có công dựng ngôi trường được công bố.

 

Đứng trước ngôi trường khang trang, ông Lê Công Chiêm, bố của Lê Công Anh Đức, bồi hồi: “Mảnh đất xây dựng trường này cũng chính là mảnh đất thời ông bà tôi ở trước giải phóng, trước khi gia đình lưu tán vào Nam để lại”.

 

Nhà sưu tầm trẻ và hành trình thiện nguyện

 

Cái tên Lê Công Anh Đức trở nên thân thuộc với người dân Điện Hồng dù anh cùng gia đình tha hương cũng đã lâu. Câu chuyện về nhà sưu tập yểu mệnh càng khiến nhiều người thương xót. Vốn đam mê sưu tầm đồ cổ, 32 tuổi anh Đức đã sở hữu nhiều bộ sưu tập cổ như tem cổ, tiền cổ với mong muốn sẽ xây dựng một bảo tàng tư nhân.

 

Đặc biệt, bộ sưu tập đèn cổ gần 500 chiếc được xem là lớn nhất cả nước là công sức của hàng chục năm anh đi khắp thế giới để sưu tầm. Sau vụ tai nạn kinh hoàng đêm cuối tháng 2/2002, ba mẹ anh không biết nên làm gì đúng với khối tài sản mà đứa con trai để lại.

 

“Tai nạn bất ngờ, nó chẳng kịp nhắn nhủ điều gì. Trước vong linh con, tôi chỉ hứa một điều rằng sẽ không dùng đến tài sản của con với mục đích riêng tư, mà sẽ làm một việc từ thiện, công ích”, ông Lê Công Chiêm bộc bạch.

“Đức là một người con hiếu nghĩa, học hành giỏi giang, ra đi để lại tiếng thơm. Đó là niềm tự hào của cả tộc họ và của cả làng quê này.” - Ông Lê Công Thôi, Tộc trưởng tộc họ Lê Công

 

Nhìn những chiếc đèn cổ bày khắp nhà, ông Chiêm càng thêm thương nhớ đứa con trai út của mình. Đức có vóc người cao trắng, hòa nhã và hay kể chuyện vui. Với hai tấm bằng Cử nhân Luật và Kỹ sư vô tuyến điện, anh làm việc tại Cục tần số vô tuyến điện thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông. Sở thích và cũng là niềm đam mê lớn nhất sưu tầm đồ cổ, Đức đi khắp nơi và bao giờ cũng mang về những món đồ cổ quý giá.

 

Vợ chồng ông Chiêm đều đã ngoài 80 tuổi, vốn là viên chức nhà nước đã về hưu. Ngôi nhà nhỏ tại số 400/1 Ung Văn Khiêm, phường 25, Q.Bình Thạnh, TPHCM bày chật những món đồ cổ của người con trai.

 

Những đêm không ngủ nghĩ về con trai với tâm nguyện hướng thiện luôn muốn giúp trẻ em nghèo được ăn học, vui chơi, ông Chiêm đem trăn trở ấy nói với người thân. Nhiều người nghe tin về những món đồ cổ, tìm đến tận nhà trả mua với số tiền không nhỏ, nhưng ông không đành lòng đem bán. Cuối cùng ông quyết định chuyển toàn bộ số đèn cổ ấy cho Bảo tàng huyện Điện Bàn ở quê nhà, cùng với đó là xây dựng một ngôi trường mẫu giáo mang tên Lê Công Anh Đức kinh phí bằng giá trị của bộ sưu tập đèn cổ.

 

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Điện Bàn vừa vui mừng vừa băn khoăn khi tiếp nhận bộ sưu tập đèn cổ này từ tháng 5/2011. “Đây là bộ sưu tập quý, lớn nhất từ trước tới nay. Nhưng việc thẩm định giá trị, xuất xứ và những thông tin liên quan đến bộ đèn cổ vẫn đang còn là câu hỏi lớn. Hiện, 200 chiếc đèn cổ đã được trưng bày tại Bảo tàng, số còn lại đang được cất giữ trong thời gian hoàn thành khu trưng bày số hai”, ông Dũng nói.

 

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định việc làm này như “một kết thúc có hậu” khi tận mắt chứng kiến bộ đèn cổ và biết câu chuyện về nhà sưu tập trẻ Lê Công Anh Đức. Ông Quốc nói: “Ngôi trường ghi danh người đóng góp và được hoạt động trong thể chế giáo dục công lập, cũng như bộ sưu tập nằm trong thiết chế văn hóa của địa phương. Thế là vẹn toàn”.

 

Theo Hoài Văn

Tiền Phong