Nghiên cứu sinh người Việt đóng góp vào “đột phá quốc tế” về năng lượng thay thế

(Dân trí) - Nhóm nghiên cứu ĐH Quốc gia Úc dẫn đầu bởi GS. Kylie Catchpole và chàng trai người Việt - Thế Dương vừa tạo lập đột phá mới về mức hiệu suất trong việc phát triển tế bào năng lượng Mặt Trời chi phí thấp.


Hình ảnh về tế bào năng lượng mặt trời perovskite.

Hình ảnh về tế bào năng lượng mặt trời perovskite.

Đáng nói, phát hiện này có thể “cách mạng hóa” cách con người tạo ra điện năng mặt trời bằng việc chuyển hóa ánh sáng mặt trời thành loại điện sử dụng các tế bào năng lượng mặt trời perovskite. Perovskite là một vật liệu kết hợp có cấu trúc tinh thể giúp thu hút ánh sáng.

GS. Catchpole (ĐH Quốc gia Úc) chia sẻ: “Chúng tôi không biết đến những chất liệu này cho tới thời điểm cách đây khoảng 5 năm. Tế bào năng lượng Mặt Trời đã mang đến kết quả nghiên cứu vô cùng ấn tượng, điều đó khiến nhóm nghiên cứu thực sự bất ngờ”.

Trong phòng thí nghiệm của Trường Nghiên cứu kỹ thuật ĐH Quốc gia Úc (ANU), các nhà khoa học đã thử nghiệm đặt pin mặt trời perovskite lên trên pin mặt trời silicon.

“Các tế bào năng lượng silicon có giới hạn nhất định về hiệu quả. Trong khi đó, tế bào Mặt trời perovskite hiệu quả hơn nhiều trong việc hấp thụ ánh sáng xanh, hiệu suất lên tới 26%”, GS. Catchpole cho hay.


Nghiên cứu sinh Thế Dương và Giáo sư Kylie Catchpole trong phòng thí nghiệm tế bào năng lượng mặt trời tại ĐH Quốc gia Australia.

Nghiên cứu sinh Thế Dương và Giáo sư Kylie Catchpole trong phòng thí nghiệm tế bào năng lượng mặt trời tại ĐH Quốc gia Australia.

Cuộc đua quốc tế về năng lượng thay thế chi phí thấp

Các tế bào năng lượng silicon đang được sử dụng trong 90% sản xuất điện năng mặt trời, tuy nhiên các nhà khoa học trên khắp thế giới đang nghiên cứu để làm chúng trở nên hiệu quả hơn, chi phí thấp hơn, ổn định và đáng tin cậy hơn.

Các công ty quốc tế cũng đang khai thác các mục đích thương mại của năng lượng thay thế.

“Cho đến nay, hiệu quả của loại hình này chỉ đạt được bằng cách sử dụng các chất liệu chi phí cao thường được sử dụng trên vệ tinh. Hiện chúng tôi đang tiến gần hơn tới một giải pháp thay thế có chi phí thấp”, nghiên cứu sinh người Việt Thế Dương nói.

GS. Catchpole cho biết, trong khi không thể đạt được hiệu suất 100% thì nhóm nghiên cứu của ANU đang đặt mục tiêu tăng hiệu suất lên 30% và cao hơn nữa.

“Điều quan trọng ở chỗ, phần trăm chúng tôi đạt được sẽ giúp giảm chi phí sản xuất và từ đó giảm chi phí cho người dùng”, bà nói.

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Advanced Energy Materials và nhận được ngân sách đầu tư nghiên cứu 3,6 triệu USD từ Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc gia Úc.

Lệ Thu

(Theo ABC)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm