Nghiên cứu khoa học: Mắt xích yếu nhất của giáo dục đại học

(Dân trí) - “Mắt xích yếu nhất của giáo dục đại học hiện nay là công tác nghiên cứu khoa học trong các trường đại học chưa tạo được sự khác biệt so với dạy nghề và phổ thông” - PGS.TS. Phan Quang Thế, Hiệu trưởng trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên khẳng định.


Thành công của giáo dục nằm ở trái tim
người thầy

Thành công của giáo dục nằm ở trái tim người thầy

Hạn chế năng lực nghiên cứu

Một điều ai cũng biết là các trường đại học danh tiếng của thế giới đều là đại học nghiên cứu, tài trợ cho nghiên cứu khoa học trong trường đại học phần lớn từ các công ty và xã hội còn đầu tư của chính phủ chiếm tỷ trọng không nhiều.

Nói đến giảng viên là nói đến nghiên cứu, ít khi nói đến chức năng tổ chức giảng dạy, thế nhưng tại sao chất lượng đào tạo của họ lại vượt xa chúng ta và học phí thu cao hơn chúng ta cả trăm lần mà vẫn nhiều sinh viên đến học. Giáo sư của họ phải nghiên cứu phải tạo ra được công nghệ và sản phẩm thực mới được xã hội chấp nhận và mới có kinh phí để thực hiện đề tài.

Hơn nữa, vì giáo sư nghiên cứu thật nên bài giảng của họ đầy hấp dẫn và gắn liền với thực tiễn. Họ đã sáng tạo thật và truyền được cách sáng tạo cho các thế hệ sinh viên. Đó là lý do mà sinh viên của họ khi tốt nghiệp đều đáp ứng được yêu cầu của xã hội trong khi chúng ta lại lầm tưởng là cần dạy thêm những gì để đáp ứng nhu cầu rất đa dạng của xã hội.

Từ thực tiễn những khó khăn trong đổi mới thành công quản lý công tác nghiên cứu khoa học của trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, nhìn ra thế giới và so sánh có thể thấy rõ mắt xích yếu nhất của giáo dục đại học hiện nay là công tác nghiên cứu khoa học trong các trường đại học chưa tạo được sự khác biệt so với dạy nghề và phổ thông. Trước hết, đó là sự hạn chế về năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên khi phải làm thật. Sau đó là cơ chế đầu tư cho nghiên cứu khoa học của đất nước còn kém hiệu quả, đề tài thì nhiều nhưng kết quả nghiên cứu tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội còn rất hạn chế.

Phần lớn kết quả nghiên cứu khoa học là để có đủ chuẩn làm GS, PGS hoặc là thêm thu nhập còn việc tạo ra công nghệ và sản phẩm thực có hiệu quả thực thì hầu như không kiểm soát được.

Lỗ hổng

Một trong những lỗ hổng rất lớn trong công tác quản lý nghiên cứu khoa học của các trường đại học không tạo ra được sự khác biệt được với trường dạy nghề và phổ thông là ở chỗ chúng ta đã cho phép thay giờ giảng dạy cho giờ nghiên cứu khoa học của giảng viên.

Một điều tưởng nhỏ nhưng tác dụng ngược của nó không thể lường hết được bởi nó đã xóa nhòa ranh giới giữa giảng viên đại học và giáo viên ở bậc phổ thông.Lẽ ra phải làm ngược lại nghĩa là lấy kết quả nghiên cứu khoa học thật thay cho giờ giảng dạy mới đúng.

Thầy không sáng tạo, không nghiên cứu được gì thật thì làm sao khi tốt nghiệp trò của thầy sẽ làm được gì cho xã hội. Đào tạo vì thế không thể đáp ứng được nhu cầu xã hội cũng là lẽ thường tình.

“Nhà khoa học nghiên cứu thế giới đang tồn tại quanh ta, còn kỹ sư sáng tạo ra thế giới chưa từng có bao giờ”. Chúng ta có bao nhiêu trường đại học kỹ thuật, các kỹ sư của chúng ta đã sáng tạo ra được thế giới như thế nào cho đất nước của chúng ta? Ngoài một số công trình trọng điểm, đa số kỹ thuật của chúng ta chủ yếu là nhập ngoại công nghệ, nhập ngoại sản phẩm và chỉ sửa chữa được là tốt rồi.

Không có công nghệ của người Việt Nam thì sẽ không có công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước bởi vì khi ta không tạo ra công nghệ sẽ đồng nghĩa với không bao giờ ta phát triển công nghệ.

Hơn nữa, công nghệ nhập khẩu chỉ vài năm là lỗi thời gây lãng phí rất lớn cho đầu tư. Không đi thì không bao giờ đến, không làm thật thì mãi vẫn là ảo tưởng mà thôi. Chúng ta phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, những công nghệ và sản phẩm đơn giản nhất nhưng nó là thật, là của chúng ta và phát triển nó để một ngày mai chúng ta sẽ sản xuất ra được ôtô, tivi, điện thoại….như các nước khác.

Sinh viên trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên trong giờ thực hành

Sinh viên trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên trong giờ thực hành

Thành công của giáo dục nằm ở trái tim người thầy

Sau gần 40 năm thống nhất đất nước và đổi mới với nhiều thành tích lớn lao, chúng ta không thể không suy nghĩ về vị thế của giáo dục đại học nước nhà trên trường Quốc tế.

Khoảng cách giữa chất lượng giáo dục đại học của chúng ta với thế giới dường như ngày càng tăng lên là nguyên nhân làm cho giáo dục và đào tạo không thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng thể hiện trong Nghị quyết 29 của Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ 9 khóa XI, nhiều trường Đại học đã cố gắng vươn lên, nhiều trường Đại học hiện đại mới được thành lập nhằm nâng cao vị thế của giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, giải pháp thì nhiều nhưng hiệu quả còn quá khiêm tốn so với tiềm năng. Một điều không thể phủ nhận là sự thành công của giáo dục và đào tạo nằm ở trái tim người thầy là chính chứ không phải ở những khối cơ sở vật chất vô hồn.

Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên, trong 2 năm qua, nhà trường đã đổi mới căn bản mô hình quản lý nghiên cứu khoa học cấp trường theo tinh thần: “Kỹ sư Việt Nam phải tạo ra được công nghệ của người Việt Nam”. Đề tài nghiên cứu bắt buộc giảng viên phải tạo ra được công nghệ và sản phẩm thực hoặc được công bố khoa học trên các tạp chí có uy tín trong và ngoài nước mới được nghiệm thu và quyết toán.

Tuy nhiên, kết quả thu được còn đang khiêm tốn. Số lượng đề tài không tăng mà giảm đi, các đề tài không thực hiện được tăng lên mặc dù kinh phí cấp cho các đề tài gần như không hạn chế. Sản phẩm thực đang chỉ tập trung ở hai khoa Điện tử và Quốc tế.Thực tiễn này đã buộc Nhà trường phải tìm ra giải pháp mới cho bài toán chưa rõ lời giải.

Nhìn thẳng vào sự thật, trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên đang xây dựng và đầu tư cho 7 hướng nghiên cứu khoa học chính của Trường theo hình thức quản lý mới, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các hướng nghiên cứu kể cả phân kinh phí để phát triển thành công nghệ và sản phẩm thực nhằm tạo nên sự khác biệt của giáo dục đại học và làm cho giáo dục đại học thực sự đáp ứng với nhu cầu xã hội.

Thêm vào đó, kiên quyết không hoán đổi giờ giảng dạy cho giờ nghiên cứu khoa học của giảng viên trong việc đánh giá giảng viên là một giải pháp rất hữu hiệu giúp cho việc xác định đúng những giảng viên đại học thực sự.

PGS.TS. Phan Quang Thế

Hiệu trưởng trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên