Nghiêm ngặt công việc giao nhận đề thi, bài thi THPT quốc gia 2019
(Dân trí) - Trong kỳ thi THPT quốc gia năm học 2018 - 2019, Đồng Tháp là tỉnh có 3 năm liền không để bài thi “ngủ” tại các điểm thi. Dù việc giao nhận bài thi trong ngày khá vất vả, tuy nhiên Ban giao nhận đề thi dốc sức thực hiện để đảm bảo an toàn cho bài thi.
Từ khi kỳ thi THPT quốc gia đổi mới theo hình thức thi “hai trong một” (tốt nghiệp THPT và xét CĐ, ĐH) và giao cho mỗi tỉnh tổ chức thi, bắt đầu kỳ thi 2016 -2017, Hội đồng thi Đồng Tháp thành lập Ban giao nhận đề thi và không để bài thi “qua đêm” tại các điểm thi.
Trong kỳ thi năm nay, tại Hội đồng thi Đồng Tháp có 30 điểm thi và có 15 tổ giao nhận đề thi, bài thi do ông Bùi Quý Khiêm - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Đồng Tháp làm Trưởng Ban giao nhận đề thi.
Công việc của các thành viên trong tổ thường bắt đầu từ 4h sáng và kết thúc 19h đêm. Ở những điểm thi xa như Tân Hồng, Hồng Ngự… xe di chuyển gần 2 tiếng; những điểm gần nhất cũng từ 40 - 50 phút. Năm nay, Đồng Tháp không còn điểm thi nào phải qua đò, phà nên thuận lợi cho Ban giao nhận đề thi, bài thi.
Trưởng Ban giao nhận đề thi Bùi Quý Khiêm cho biết, mỗi tổ giao nhận đề thi, bài thi gồm: công an, cán bộ Sở và một tài xế. Các thành viên trong tổ này trước khi được tuyển chọn đã được ngành chức năng xác minh nhân thân. Sau đó được sinh hoạt quy cách giao nhận đề thi, bài thi. Trong đó, một chi tiết quan trọng là mỗi lần giao, nhận xong đề thi, bài thi, tổ trưởng nhắn tin thời gian xe bắt đầu di chuyển về cho Trưởng Ban để ghi vào sổ theo dõi.
Mỗi tổ giao nhận đề thi, bài thi gồm: công an, cán bộ Sở GD-ĐT và một tài xế.
Để công việc giao nhận đề thi, bài thi đúng quy định, đảm bảo thời gian, Ban giao nhận đề thi tỉnh Đồng Tháp còn bố trí một tòa nhà cho các thành viên trong Ban giao nhận đề thi, bài thi ở chung, khi nào kết thúc kỳ thi, các thành viên trở về gia đình.
Giải thích về sự nghiêm ngặt này, ông Bùi Quý Khiêm cho biết: “Nếu để các anh em về ở chung với gia đình, khó tránh khỏi tiệc tùng, ngủ quên… ảnh hưởng đến công việc”.
Bài thi được chuyển về Sở GD-ĐT Đồng Tháp
Theo ông Khiêm, lý do Đồng Tháp quyết tâm không để cho bài thi “ngủ” lại các điểm thi là để hạn chế rủi ro thấp nhất. Vì như năm nay, có 30 điểm thi, nếu để bài thi lại sẽ có 30 nguy cơ xảy ra. Do đó, Đồng Tháp mang về tập trung một đầu mối, công tác quản lý chặt chẽ hơn, dù việc này có tốn kém, mất nhiều công sức.
Một tài xế trong Ban giao nhận đề thi, bài thi chia sẻ: “Tôi có 3 năm làm tài xế, thực hiện vận chuyển đề thi, bài thi của các thí sinh. Quả thật có chút áp lực khi làm công việc này, tuy nhiên vì một mùa thi an toàn, công bằng nên không chỉ riêng tôi mà nhiều anh em tài xế khác đều ý thức giờ giấc, sinh hoạt cá nhân để đảm bảo sức khỏe tốt nhất khi lái xe. Vì theo tôi đây cũng là cách phục vụ tốt nhất cho kỳ thi”.
Công việc có chút áp lực, tuy nhiên các thành viên trong Ban giao nhận đề thi, bài thi đều cố gắng hết mình để kỳ thi THPT quốc gia 2019 của Đồng Tháp thêm năm thứ 3 thành công tốt đẹp
Một ngày theo chân Trưởng Ban giao nhận đề thi, bài thi Đồng Tháp mới thấy công việc khá bận rộn. Điện thoại Trưởng Ban đổ chuông liên tục từ các tổ giao nhận đề thi, bài thi gọi về thông báo tình hình giao nhận đề thi, bài thi; tình hình thời tiết, lưu lượng xe… Nhưng tất cả các thành viên đều vui cười khi đề thi đến nơi đúng giờ, bài thi về đến chỗ an toàn.
Được biết, ở khu vực ĐBSCL tỉnh Đồng Tháp là đơn vị đầu tiên thực hiện việc tiếp nhận bài thi sau mỗi ngày thi. Năm nay, tỉnh An Giang là tỉnh thứ hai không cho bài thi “ngủ” lại tại các điểm thi.
Nguyễn Hành