Nghị lực sống phi thường của một con người

(Dân trí) - Năm nay đã ngoài tuổi 40, không chồng con, chị Huỳnh Ngọc Hà bị bại liệt khi con nhỏ, nhưng nhờ nghị lực phi thường, chị đã vượt qua tất cả để trở thành một con người “tàn nhưng không phế”.

Nghị lực sống phi thường của một con người - 1
Hà ngồi trên giường nhưng vẫn bán hàng cho khách
 
Bố Hà là ông Huỳnh Ngọc Trang bộ đội miền Nam tập kết ra miền Bắc. Năm 1970, ông Trang kết duyên với bà Lê Thị Kim Hương và sinh được 3 người con, nhưng được đứa con đầu là khỏe mạnh còn Hà và em gái Huỳnh Cẩm Nhung đều bị mắc căn bệnh bại liệt quái ác: đôi chân bị teo quắt không thể đứng được.

 

Ngay sau ngày thống nhất đất nước, hai ông bà Trang - Hương cùng đứa con gái út Cẩm Nhung (3 tuổi bị bại liệt) về quê nội ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sinh sống. Năm đó, Hà đã lên 6 tuổi nhưng chỉ mới biết tập bò được ông bà ngoại và ông cậu ruột đã giữ Hà lại ngoài này (Nghệ An - PV) hy vọng sẽ tìm được thầy, được thuốc chữa bệnh cho cháu.
 
Nghị lực sống phi thường của một con người - 2
Bất kể người qua đường, hay hàng xóm hằng ngày vẫn luôn giúp Hà trong mọi khó khăn

 

Càng thêm tuổi, bệnh tình của Hà càng nặng thêm, đôi chân mỗi ngày một teo quắt lại trong lúc phần trên cơ thể cứ lớn lên như một thiếu nữ bình thường. Đến tuổi mười bảy nhưng Hà vẫn chưa thể "bẻ gãy được sừng trâu" mà vẫn chỉ mới biết tập… bò trên giường.

 

Sau đó không lâu, ông Trang (bố Hà) lái xe gây ra một tai nạn giao thông thảm khốc phải lãnh án tù hơn 10 năm. Một mình bà Hương phải nuôi ba người con trong đó Hà và em gái Cẩm Nhung bại liệt nằm một chỗ.

 

Từ ngày có Hà vào, gia đình càng thêm túng thiếu, vất vả, cô em gái khó tính khó nết đâm ra ganh tỵ với người chị và gây chuyện khó ăn, khó ở trong nhà… Hà thương mẹ, thương em nhưng bản tính của Hà không chịu được cảnh thấy mẹ đau khổ vì mình; không muốn để em khổ lây và gen tị vì mình…
 
Nghị lực sống phi thường của một con người - 3
Hà nằm liệt giường đã hơn 40 năm nay và sống những quãng đời thật ý nghĩa khi có mọi người xung quanh giúp đỡ...

 

Một mực xin mẹ về thăm quê, thăm ngoại, bạn bè nhưng khi về đến Lý Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) Hà bảo là không trở lại Quy Nhơn nữa. Chiều theo ý con, bà Hương viết đơn lên xã xin một ô đất cạnh đường rồi vay tiền mua vật liệu xây quán để hai bà cháu Hà buôn bán hàng tạp hoá.

 

Hà ở một mình, mọi sinh hoạt từ việc nấu cơm, quét nhà, tắm rửa, giặt giũ đến việc vệ sinh riêng tư của phụ nữ đều phải nhờ vào những việc làm tự nguyện trong làng, trong xã đến giúp. Việc buôn bán hàng quán, Hà như được “thượng đế” phù giúp. Thương cô gái tật nguyền, cô đơn, khách xa gần đều đến quán mua hàng cho Hà.

 

“Các mặt hàng đều nhờ hàng xóm, bạn bè lấy hộ để tôi bán. Tôi ngồi một chỗ đã hơn 40 năm nay, thôi thì sống được ngày nào hay ngày đó, trời đã định rồi thì cứ thế mà chịu...", chị Hà chia sẻ.

 

 

Nguyễn Duy - Cảnh Yên