Bắc Ninh:

Nghi án giáo viên mầm non làm gãy chân bé 5 tuổi tại trường

(Dân trí) - Sáng sớm đưa con đến trường lành lặn nhưng đến trưa lại nhận được tin báo con bị đau chân không đứng lên được, gia đình anh Nguyễn Quốc Bình (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) đã cấp tốc đưa vào viện. Kết quả kiểm tra tại bệnh viện cho thấy con anh Bình bị gãy 1/3 xương chày.

Qua đường dây nóng của báo Dân trí, anh Nguyễn Quốc Bình ở xã Xuân Lâm (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) cho biết: Ngày 4/11, con trai tôi sáng sớm đến học ở Trường mầm non Xuân Lâm vẫn khỏe mạnh bình thường nhưng đến trưa giáo viên chủ nhiệm thông báo cháu bị đau chân nên tôi đã cấp tốc đến trường đưa con xuống bệnh viện Đa khoa Đức Giang (quận Long Biên, Hà Nội) để khám. Kết quả chụp phim cho thấy cháu bị gãy 1/3 xương chày. Sau khi phẫu thuật để định vị lại xương thành công, gia đình có hỏi chuyện cháu thì được biết: Nguyên nhân dẫn đến việc cháu bị gãy chân là do giáo viên cầm tay chân cháu quăng vào nhà kho.

“Sau khi nghe cháu nói lại tôi rất bức xúc, cháu đang còn nhỏ chưa biết gì vậy mà cô lại quăng cháu dẫn đến gãy cả chân” - anh Bình bày tỏ.

Trước thông tin trên, phóng viên Dân trí đã vào cuộc để tìm hiểu vụ việc.

Trường mầm non Xuân Lâm nơi xảy ra vụ việc học sinh mầm non bị gãy chân tại trường
Trường mầm non Xuân Lâm nơi xảy ra vụ việc học sinh mầm non bị gãy chân tại trường

 

Gia đình bức xúc

Trưa ngày 5/11, tại bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cháu Nguyễn Quốc M., 5 tuổi (con anh Bình) cùng với mẹ là chị Nguyễn Thị Thơm vẫn tái khẳng định với phóng viên: Việc cháu bị gãy chân là do cô H. đã bế và quăng cháu ở trong nhà kho. Nguyên nhân cô quăng quật cháu là do cháu khóc nên cô đã đưa vào nhà kho, tại đây cháu có đạp vào người cô.

Cháu M. đang được điều trị tại bệnh viện Đa khoa Đức Giang
Cháu M. đang được điều trị tại bệnh viện Đa khoa Đức Giang

 

Chị Thơm cũng cho biết, sáng ngày 5/11, chị là người trực tiếp đưa con đến trường và lúc đó có cô G. đón cháu. Lúc đó cháu vẫn vui vẻ, thậm chí còn vẫy tay chào mẹ. Tuy nhiên đến trưa thì cô H. (giáo viên chủ nhiệm lớp) đến gia đình thông báo cháu bị đau chân.

“Khi gia đình trao đổi với nhà trường thì các cô cho biết lúc tôi quay về thì cháu có chạy theo và bị ngã. Nhà trường cho rằng đây có thể là nguyên nhân dẫn đến cháu bị gãy chân” - chị Thơm thông tin.

Chị Thơm cũng xác nhận, sau khi sự việc xảy ra, có cô giáo chủ nhiệm rồi sau đó có lãnh đạo nhà trường đã vào hỏi thăm và có mặt ở bệnh viện để cùng gia đình theo dõi tình hình sức khỏe của cháu.

Kết quả chuẩn đoán của bệnh viện là cháu M bị gãy 1/3 xương chày
Kết quả chuẩn đoán của bệnh viện là cháu M bị gãy 1/3 xương chày

 

Trao đổi với phóng viên Dân trí tại xã Xuân Lâm, anh Nguyễn Quốc Bình bức xúc nói: Nếu cháu bị ngã thì người phải lấm lem, trầy xước. Trong khi đó trên người cháu ngoài vị trí bị gãy chân thì không có dấu vết nào khác. Nếu cháu đã bị gãy chân ngoài sân như cô giáo nói thì làm sao còn có chuyện sau đó cháu đạp vào người cô?

Theo nhận định của anh Bình, nhiều khả năng khi đưa cháu vào nhà kho thì cháu có đạp vào người cô H., không làm chủ được hành vi nên cô đã cầm tay, chân cháu quăng nên bị va chạm vật dụng nào đó ở trong nhà kho dẫn đến việc bị gãy chân.

“Mong muốn của gia đình là làm rõ vụ việc, nếu mà đúng cô giáo có hành vi như vậy thì tôi nghĩ không còn đủ tư cách để làm giáo viên nữa” - anh Bình nói.

Anh Bình trao đổi với phóng viên Dân trí trưa ngày 5/11
Anh Bình trao đổi với phóng viên Dân trí trưa ngày 5/11

 

Nhà trường nói gì?

Nhằm làm rõ thêm vụ việc, phóng viên Dân trí cũng đã trao đổi với cô Nguyễn Thị Soạn - Hiệu trưởng Trường mầm non xã Xuân Lâm.

Cô Soạn cho hay, khi sự việc xảy ra thì cô đang đi họp. Lúc về trường thì có được nghe báo cáo lại. Theo tường trình của cô N.T.T. và cô H, buổi sáng hôm đó cô T. là người đến trước để đón trẻ, lúc mẹ cháu M. đưa con đến trường thì cháu không khóc và khỏe mạnh bình thường. Sau đó mẹ cháu đi về thì cháu gọi mẹ và chạy theo. Khi cháu chạy đến bậc thứ 2 thì khụy xuống và khóc. Cùng lúc đó cô H. đi đến nơi thấy thế nên bế cháu vào.


Khu phòng để đồ của học sinh Trường mầm non Xuân Lâm.

Khu phòng để đồ của học sinh Trường mầm non Xuân Lâm.

 

Tâm lý của các cô là mới đầu giờ đón trẻ và cháu M. thường là người được bố mẹ đưa đến trường sớm nên không muốn để các bậc phụ huynh khác thấy trẻ khóc nên cô H. đưa cháu M. vào phòng để đồ của trẻ và dỗ dành. Đặc tính của cháu M. là khóc dai nên sau đó cô chưa dỗ cháu nín được nên vẫn để ở phòng và ra ngoài cho các cháu khác tập thể dục buổi sáng. Sau khi kết thúc tập thể dục thì các cô vào thấy cháu vẫn khóc nhưng lúc đó không kêu đau. Lúc kê bàn để học thì cháu M. vẫn ngồi học bình thường. Đến khoảng 10 giờ kém thì kết thúc giờ học nên các cháu thu dọn bàn để chuẩn bị đi ăn, lúc đó bảo cháu M. đứng dậy thì cháu không đứng được. Ngay sau đó thì cô H. đã vào trực tiếp gia đình để thông báo.

Trao đổi thêm với Dân trí, cô giáo N.T.T. cũng khẳng định, bé M. có chạy theo mẹ khi mẹ ra về, đến bậc hè cháu ngồi khụy xuống. Tôi đến ôm cháu. Lúc đó cô H. cũng vừa đến lớp. Chúng tôi bế cháu thì M. cắn cào, bế tiếp vào trong ghế ngồi nhưng bé M. vẫn khóc to. Được một lúc sợ ảnh hưởng cháu nên cô H. có đưa cháu vào trong phòng để đồ dỗ dành còn tôi thì đi xách nước.

“Đến giờ điểm danh sau đó khoảng hơn 10 phút thì cô cho cháu ra ghế ngồi. Đến bữa ăn thì cháu kêu đau, kiểm tra thấy có dấu hiệu sưng đau nên cô H. chạy về nhà cháu gọi bố đến trường ngay” - cô N.T.T cho biết.

Trước việc nhà trường cho rằng sự cố cháu M. bị gãy chân chỉ là tai nạn ngoài ý muốn và đáng tiếc, không có chuyện giáo viên đánh cháu bị gãy chân, gia đình anh Bình đã quyết định trình báo lên chính quyền xã và nhờ công an vào cuộc làm sáng tỏ vấn đề. Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến tiếp theo của vụ việc này.

Nguyễn Hùng 

(Email hungns@dantri.com.vn)