Ngày hè ngắn lại...

Nghỉ hè là để được chơi, để được sống với thế giới trẻ thơ. Nhưng những ngày hè thời "kinh tế thị trường" đã không còn như thế nữa. Cha mẹ quá bận bịu, lại không thể "thả" con ở nhà một mình, vì thế, những đứa nhỏ thì được đi học hè (một hình thức trông trẻ).

Đứa lớn thì đi học thêm, học năng khiếu. Những ngày hè bận bịu theo người lớn, liệu có làm cằn cỗi tâm hồn trẻ thơ và ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ?

 

Kỳ nghỉ bị "đánh cắp"

 

Chưa kết thúc năm học, hầu hết các bậc phụ huynh và học sinh đều đã nhận được chương trình của "học  kỳ 3". Em Nguyễn My (THCS Chu Văn An, HN) về hỏi mẹ: "Sao lại gọi là học kỳ 3 hả mẹ?". Chị Thanh nhanh nhảu trả lời con: "Thì bây giờ người ta còn có cả lớp 13, dành cho những người thi trượt đại học muốn ôn thi lại, nữa là học kỳ 3!". My chau mày chừng không hiểu: "Nhưng con là học sinh xuất sắc?". "Xuất sắc cũng phải học để xuất sắc hơn!" - câu trả lời của mẹ dường như chưa làm My hài lòng.

 

Trò chuyện với tôi, chị Thanh tâm sự: "Biết là dở, nhưng vẫn phải cho con đi học thôi. Bạn bè trong lớp đi học cả, chương trình năm mới cũng được dạy trước những môn cơ bản, con mình không đi học, vào năm học làm sao theo được!". Lịch học của My dường như không khác mấy so với trong năm học: Tuần 4 buổi học thêm ở trường, 2 buổi học toán, văn của thầy giáo Trường "Am" (HN-Amsterdam), 1 buổi học tiếng Anh và 1 buổi học đàn. My rất mê vẽ, nhưng không còn lúc nào để "chen chân" vào nữa.

 

Chị Vũ Thu Hương (Thái Hà, HN) cho biết: "Chưa hết năm học, tôi đã phải đăng ký cho con đi học thêm ở trường. Vẫn biết con được nghỉ hè thì tốt hơn, nhưng nhà neo người, bố mẹ đi làm từ sáng đến tối, ai trông cháu? Đành gửi cháu đến trường cho các cô trông hộ, học thêm được chữ nào hay chữ ấy, nhưng bố mẹ yên tâm".

 

Chị Nguyễn Hải Anh - nhân viên  phụ trách PR của một khách sạn nổi tiếng của TP.Hồ Chí Minh, có một con đang độ tuổi mẫu giáo - đã than thở: "Ngày 1.6 này cháu sẽ được nghỉ ít nhất 2 tuần. Hai vợ chồng phải đi làm suốt. Bố mẹ lại ở xa nên đành  mướn người giúp việc nhà bên cạnh chăm sóc trong suốt khoảng thời gian bé được nghỉ, mỗi ngày 20.000 đồng. Chi phí gửi thêm những ngày hè còn đắt hơn ngày thường, mà con mình lại cũng không được hưởng điều kiện tốt như lúc đi học...".

 

Còn anh Hoàng Anh Quân - nhân viên Chi cục Thuế Q.5 - cho biết: "Gia đình tôi đã đóng tiền  để gửi bé gái 7 tuổi, chuẩn bị vào học lớp một đi học tập viết ở nhà một cô giáo trong trường với giá 150.000 đồng/tháng, mà cũng chỉ gửi được 3 ngày trong tuần. Thú thật, theo tôi học ở  nhà các cô giáo trong thời gian hè là yên tâm nhất. Còn những việc đưa trẻ đi chơi tại các khu vui chơi giải trí thì rất đông. Vả lại, cũng không thể đi chơi ở những nơi này trong suốt dịp hè".

 

Giảm dần và biến mất

 

Không thể phủ nhận xã hội cũng như các cơ quan chức năng ngày càng cố gắng thực hiện  nhiều chương trình giải trí, sân chơi dành cho thiếu nhi, HS... nhất là vào những dịp hè. Tuy nhiên, thường thì chỉ sau một vài chương trình rầm rộ khai mạc vào dịp Quốc tế Thiếu nhi  cũng là khai mạc hè cho trẻ, thì những sân chơi đó cũng giảm dần và "biến  mất". Chính vì vậy, nghỉ hè của trẻ vì thế  cũng  không được trọn vẹn, thậm chí nhiều em không có điều kiện tham  gia những hoạt động cộng đồng này thì cũng sẽ coi như không có  nghỉ hè.

 

Nguyễn Ngọc Thuỳ Hương - SV năm thứ nhất ĐHDL Bình Dương - tâm sự: "Suốt 12 năm học, năm nào em cũng chỉ được nghỉ hè chừng 1 tuần. Khi ấy, bố mẹ mới có thể sắp xếp để gia đình em cùng đi  du lịch một chuyến. Sau chuyến đi ấy, em  lại phải lao vào các lớp học hè chuẩn bị cho năm học tới, bởi vậy nói nhiều người không tin, em chỉ mới phân biệt được lúa và cỏ tranh vào  năm vừa rồi, trong kỳ đi học quân sự khi đã đậu đại học...".

 

Anh Trần Ngọc Dương - giám đốc tiếp thị của một tập đoàn đa quốc gia - tâm sự: "Tôi tình cờ đọc được một nghiên cứu ở các nước phương Tây, vừa được  đăng tải trên mạng cho biết: Cách đây một thập niên, thời gian trung bình của bố mẹ trong các gia đình trẻ dành để giáo dục, tâm sự, vui chơi cùng con cái là 1 tiếng đồng hồ thì hiện nay chỉ còn lại 10 phút. Chính vì vậy, trẻ con tuy ngày càng có ý thức tự  lập hơn, nhưng ngược lại bọn chúng cũng trở nên  ích kỷ, thường sống thu mình và ít tình cảm hơn...".

 

Còn GS Lê Thị Nhâm Tuyết thì cho rằng, "ăn cắp" ngày hè của trẻ em là một phương pháp phản giáo dục. Nó không những không đem lại điều gì bổ ích, mà còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ cả thể chất lẫn tinh thần, đặc biệt là khả năng sáng tạo. Vì thế, thay vì đổ lỗi cho xã hội và môi trường sống, trước hết, các bậc cha mẹ cần quan tâm và dành thời gian hơn nữa cho con cái mình...

 

 

Theo Hạnh Phương- Thể Uyên

Lao Động