Ngành Môi trường: Học ra, làm việc ngay

Để xử lý triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao và số lượng đủ nhiều. Ngành Môi trường đang trở thành ngành học được đảm bảo đầu ra, thu hút không ít bạn trẻ.

Nhu cầu nhân lực lớn

Thời gian gần đây, Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều vấn đề nghiêm trọng về môi trường. Theo báo cáo giám sát của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, bình quân mỗi ngày các khu, cụm, điểm công nghiệp thải ra khoảng 30.000 tấn chất thải rắn, lỏng, khí và chất độc hại. Tuy nhiên, mới chỉ có 60 khu công nghiệp đã hoạt động có trạm xử lí nước thải tập trung (chiếm 42% số khu công nghiệp đã vận hành).

Trong tổng số khoảng 34 tấn rác thải rắn y tế mỗi ngày, Hà Nội và Tp.HCM chiếm 1/3; bầu khí quyển của hai thành phố này có mức benzen và sunfua đioxit đáng báo động. Ngoài ra, lượng rác thải sinh hoạt khu vực đô thị cũng ngày một tăng cao nhưng các khâu xử lý sau sử dụng đang bị bỏ ngỏ hoặc chưa thấu đáo.


Các giảng viên và sinh viên nhóm ngành Môi trường, ĐH Hoa Sen trong cuộc thi “Nét đẹp 3T” (Thi thiết kế các mẫu thời trang từ vật liệu phế thải)

Các giảng viên và sinh viên nhóm ngành Môi trường, ĐH Hoa Sen trong cuộc thi “Nét đẹp 3T” (Thi thiết kế các mẫu thời trang từ vật liệu phế thải)

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong số đó phải kể đến sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao về môi trường, dẫn tới thiếu khả năng phân tích, dự báo các vấn đề ô nhiễm có thể xảy ra để phòng ngừa, ngăn chặn từ đầu.

Hầu hết các công ty, nhà máy sản xuất chuyên nghiệp cũng đều cần kỹ sư môi trường để quản lý sản xuất, đảm bảo công nghệ, theo dõi quy trình, thực hiện sáng chế sản phẩm theo hướng xanh, sạch, tiết kiệm và bảo vệ môi trường.

Không chỉ vậy, số lượng doanh nghiệp bị ràng buộc bởi tiêu chuẩn ISO 14001 ngày càng nhiều hơn. Để đạt tiêu chuẩn này phải có hệ thống xử lý môi trường đạt chuẩn và sự có mặt của những kỹ sư công nghệ môi trường là cực kỳ cần thiết.

Nhu cầu bổ sung nhân lực ngành Môi trường hiện nay rất lớn. Lựa chọn ngành học này trở thành quyết định đúng đắn được nhiều bạn trẻ theo đuổi.

Tính ứng dụng cao

Nắm bắt nhu cầu xã hội, trường ĐH Hoa Sen đã tiến hành đào tạo ngành Quản lý tài nguyên môi trường và Ngành Công nghệ kỹ thuật Môi trường – Chuyên ngành Quản lý công nghệ Môi trường với định hướng giúp sinh viên rèn luyện, thực hành ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để có thể bắt tay vào làm việc ngay khi tốt nghiệp.


Nguyễn Hoàng Hải Trà – SV nhóm ngành Môi trường trình bày về sản phẩm Màng lọc nước từ bùn đỏ và rác thải hữu cơ tại diễn đàn Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Nguyễn Hoàng Hải Trà – SV nhóm ngành Môi trường trình bày về sản phẩm Màng lọc nước từ bùn đỏ và rác thải hữu cơ tại diễn đàn Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Sinh viên nhóm ngành Môi trường tại ĐH Hoa Sen không chỉ được đào tạo bởi đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm mà còn trực tiếp tham gia vào các dự án thực tế về môi trường, có nhiều báo cáo tại các hội nghị khoa học môi trường toàn quốc và bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành.

Gần đây nhất, sinh viên Nguyễn Hoàng Hải Trà, ngành Kỹ thuật Công nghệ Môi trường, đã sáng chế thành công thiết bị lọc nước từ bùn đỏ và rác thải hữu cơ. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, nước kênh Nhiêu Lộc sau khi lọc qua thiết bị này của Hải Trà đã có thể uống ngay được, đạt quy định của Bộ Y tế (QCVN 02:2009 BYT) về nước sinh hoạt. Thiết bị này đã được Văn phòng chuyển giao công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Bộ môn Môi trường - ĐH Hoa Sen ký kết thỏa thuận chuyển giao công nghệ để trở thành sản phẩm thương mại.

Sản phẩm của Hải Trà xuất phát từ phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên - đang được ĐH Hoa Sen dồn sức đầu tư. Đây cũng là một trong những thế mạnh của sinh viên nhóm ngành Môi trường. Chỉ trong hai năm học 2014 – 2015 và 2015 – 2016, nhà trường đã tiến hành nghiệm thu 18 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên trong lĩnh vực môi trường. Tất cả đều thể hiện sự nghiên cứu nghiêm túc của sinh viên và đều có tính ứng dụng cao, được hội đồng chuyên môn đánh giá tốt về ý tưởng và khả năng áp dụng.

Chia sẻ về việc đầu tư, phát triển mạnh cho các ngành học môi trường, PGS.TS Phạm Văn Tất – Chủ nhiệm Bộ môn Môi trường – ĐH Hoa Sen cho biết: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Chúng tôi tập trung đầu tư cho ngành môi trường với tinh thần, trách nhiệm của người làm giáo dục để tạo ra thế hệ kỹ sư môi trường năng động, giỏi chuyên môn phục vụ cho quá trình phát triển đất nước. Đặc thù là ngành học vừa mang tính ứng dụng vừa nghiên cứu nên sinh viên Hoa Sen không chỉ được tạo điều kiện để rèn luyện kỹ năng nghiên cứu khoa học mà còn được thực hành với hệ thống phòng chuyên môn đạt chuẩn quốc tế nhằm tiếp cận với các công nghệ mới nhất trong lĩnh vực môi trường”.