Tư vấn hướng nghiệp:

Ngành CNTT và xu hướng trong tương lai

(Dân trí) - Ngành công nghệ thông tin (CNTT) là lĩnh vực mà nhiều thí sinh yêu thích. Tuy nhiên, khái niệm ngành này ra sao, xu hướng trong tương lai sẽ như thế nào thì không phải bất cứ người nào đều có thể hiểu rõ.

Ngành CNTT và xu hướng trong tương lai - 1

Trong tương lai, ngành CNTT vẫn là ngành "hot"
 
Nhằm đáp ứng nhu cầu của các bạn thí sinh muốn tìm hiểu về ngành CNTT, Dân trí đã có cuộc trò chuyện với thầy giáo Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng trường ĐH FPT.
 

Dân trí chính thức mở mục Tư vấn hướng nghiệp để nhằm giúp các bạn thí sinh có thể chọn được những ngành học phù hợp.

 

Bên cạnh đó, sẽ đưa ra những nhận định về xu hướng phát triển của các ngành nghề này.

 

Mọi thắc mắc của thí sinh, gửi về: huongnghiep.dantri@gmail.com

Thưa ông, hiện nay khái niệm ngành CNTT rất rộng. Ông có thể cho biết một cách khái quát về ngành này (chuyên ngành chính, chuyên ngành phụ)?

CNTT hiểu theo nghĩa rộng và tổng quát nhất là việc sử dụng các công nghệ hiện đại vào việc tạo ra, lưu trữ, xử lý và truyền dẫn thông tin. Có nhiều cách phân loại các chuyên ngành học CNTT nhưng theo chuẩn ACM của Mỹ thì bậc học đại học CNTT được chia làm 5 chuyên ngành là:

· Khoa học máy tính (Computer Science): thiên về các lý thuyết cơ bản của ngành CNTT như lý thuyết tính toán, khoa học vật liệu, lý thuyết xử lý hình ảnh, âm thanh, lý thuyết khai thác cơ sở dữ liệu, …

· Kỹ nghệ máy tính (Computer Technology): thiên về đào tạo lý thuyết và ứng dụng liên quan đến thiết kế và sản xuất phần cứng máy tính.

· Kỹ nghệ phần mềm (Software Technology): lý thuyết và ứng dụng các công nghệ sản xuất phần mềm, quy trình, công cụ, ngôn ngữ lập trình.

· Hệ thống thông tin (Information System): lý thuyết và ứng dụng CNTT trong việc quản lý hệ thống thông tin của doanh nghiệp, tổ chức

· Ứng dụng CNTT (Information Technology): ứng dụng và triển khai CNTT trong các lĩnh vực hoạt động của cuộc sống.

Mỗi ngành chính lại có thể chia ra một số hướng hẹp hơn như trong Kỹ nghệ phần mềm có thể có hướng chuyên sâu về phần mềm nhúng, về các hệ thống phân tán…

Theo ông thì những người theo học ngành CNTT cần hội tụ những tố chất gì? Vấn đề ngoại ngữ khi theo học CNTT có phải là nhiệm vụ hàng đầu?

Trước đây, khi CNTT mới phát triển, làm việc với máy tính là rất khó khăn và đòi hỏi các chuyên gia có những kỹ năng đặc biệt nên để học được ngành CNTT cần những người có trình độ Toán xuất sắc, đầu óc tư duy rất tốt.

Tuy nhiên, với sự phát triển của ngành CNTT và việc ứng dụng rộng rãi CNTT trong đời sống, nhu cầu nguồn lực trở nên đại chúng hơn và bất cứ ai có đủ khả năng trở thành một kỹ sư cũng đều có thể theo học và làm việc trong ngành CNTT. Tất nhiên những vị trí mũi nhọn và một số công việc nghiên cứu chuyên sâu thì vẫn rất cần và luôn có chỗ đứng cho những cá nhân xuất sắc.

Ngoại ngữ là điều bắt buộc khi theo học CNTT, nhưng nếu bạn chưa biết hay còn rất yếu về ngoại ngữ thì cũng đừng nên lấy đó là rào cản cho niềm say mê của mình. Ví dụ như tại ĐH FPT, những sinh viên chưa biết ngoại ngữ sẽ được đào tạo qua nhiều mức độ ngoại ngữ cho đến mức có thể theo học được.

Năm 2009 được coi là năm nên kinh tế toàn cầu gặp khá nhiều khó khăn, nhiều hãng có thế lực ở ngành CNTT đang có xu hướng cắt giảm nguồn nhân lực. Vậy theo ông xu hướng ngành CNTT trong năm nay và trong các năm kế tiếp sẽ như thế nào? Chuyên ngành nào của CNTT sẽ được khởi sắc trong tương lai?

Đã khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì chắc chắn không ngành nào có thể tránh được khó khăn. Nếu ngành CNTT Việt Nam không thay đổi và vẫn giữ nguyên cách làm cũ thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, ít nhất là tốc độ tăng trưởng sẽ không thể giữ được cao như những năm qua.

Nhưng nếu biết cách thay đổi và chất lượng nguồn nhân lực cho phép thì chúng ta thậm chí có thể tận dụng được cuộc khủng hoảng này để phát triển tốt hơn vì các khách hàng đều có nhu cầu cắt giảm chi phí. Họ sẵn sàng chuyển giao các công việc không thể cắt giảm được sang khu vực có chi phí thấp hơn như Việt Nam nếu chất lượng được đảm bảo.

Theo tôi thì sự phát triển của CNTT Việt Nam sẽ không giữ được mức độ tăng trưởng cao như trước trong 2 năm tới vì chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta chưa cho phép chuyển đổi dạng công việc như đã nói ở trên một cách nhanh chóng.

Nhưng với các bạn sinh viên bây giờ mới bắt đầu chọn theo học ngành CNTT thì chẳng có gì đáng lo cả mà thậm chí còn là may mắn vì 4, 5 năm nữa khi các bạn ra trường, chắc chắn ngành CNTT sẽ phát triển còn mạnh mẽ hơn so với trước khủng hoảng và cơ hội cho các bạn sẽ rất lớn. Điều này đã có tiền lệ sau khủng hoảng những năm 2000.

Chuyên ngành phát triển mạnh nhất và có nhu cầu nguồn lực lớn nhất của ngành CNTT Việt Nam vẫn là ngành phần mềm để nhắm vào các thị trường nước ngoài, theo tôi thì ít ra cũng là trong 10 năm nữa. Sau đó mới đến các chuyên ngành Hệ thống thông tin và Ứng dụng CNTT sẽ phát triển khi các doanh nghiệp và xã hội của chúng ta thực sự trở thành xã hội điện tử và tự động hóa cao.

Hiện nay có rất nhiều trường đào tạo chuyên ngành CNTT nhưng nhu cầu của các nhà tuyển dụng lại khá khắt khe. Vậy theo ông yêu cầu đầu tiên khi tuyển dụng ngành CNTT là gì?

Đa phần các chương trình đào tạo CNTT của chúng ta đang lạc hậu, không phải chỉ lạc hậu về công nghệ hay lý thuyết xuông nhiều quá, xa rời thực tế mà thực sự đang lạc hậu trong tư duy và cách tiếp cận. Do vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi một tỷ lệ lớn nguồn nhân lực CNTT của chúng ta không đáp ứng được nhu cầu xã hội, mặc dù nhu cầu ấy còn đang ở mức rất thấp so với thế giới.

Yêu cầu đầu tiên khi tuyển dụng là sử dụng thành thạo ít nhất 1 ngoại ngữ cộng với khả năng cập nhật công nghệ và có những kỹ năng cá nhân và chuyên môn. Những kỹ năng này cần được rèn luyện trong môi trường càng giống thực càng tốt chứ không thể lấy từ sách ra được.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hùng (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm