Ngăn chặn lạm dụng Xã hội hóa để thu tiền của phụ huynh
(Dân trí) - Ông Trần Tú Khánh – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ GD&ĐT khẳng định, Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT sẽ chấm dứt tình trạng Ban đại diện cha mẹ học sinh tự đặt ra các khoản thu áp đặt, cào bằng gây bức xúc dư luận như trong thời gian vừa qua.
Vì sao chi 20% ngân sách cho giáo dục nhưng vẫn phải huy động Xã hội hóa
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, lĩnh vực, giáo dục, đào tạo được ưu tiên đầu tư nguồn lực đáng kể từ ngân sách nhà nước (NSNN). Tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục hàng năm của Việt Nam ở mức xấp xỉ 20%, tương đương 5% GDP. Đây là tỷ lệ cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới (Campuchia 9,3%, Thái Lan 19,3%, Malaysia cao hơn 21,5%) kể cả các nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam rất nhiều (EU 11,3%). Điều này cho thấy sự quan tâm dành cho GD của Chính phủ.
Tuy nhiên, ông Trần Tú Khánh – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ GD&ĐT cho biết, trong số 20% này, tỷ lệ chi thường xuyên chiếm trên dưới 82% tổng chi NSNN cho giáo dục, đào tạo. Trong chi thường xuyên, chi cho con người chiếm 80% tổng chi. 20% còn lại chi cho hoạt động dạy học, nâng cao chất lượng giáo trình. Chi đầu tư xây dựng cơ bản còn thấp so với nhu cầu nâng cao cơ sở trường học, mua sắm thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm...
Trong khi đó, mức học phí trường công lập hiện nay thấp hơn rất nhiều so với các trường tư thục. Theo đó, đối với bậc học nhà trẻ, mẫu giáo, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên cấp THCS và THPT, học sinh của các cơ sở giáo dục trên địa bàn các phường, thị trấn có mức học phí 155.000 đồng/tháng/học sinh; trên địa bàn các xã (trừ các xã miền núi) có mức học phí 75.000 đồng/tháng/học sinh; trên địa bàn các xã miền núi có mức học phí 19.000 đồng/tháng/học sinh.
Theo ông Khánh, đây là học phí đã điều chỉnh tăng mới đây của TP Hà Nội. Do đó, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước và nguồn thu học phí thì sẽ không đảm bảo đủ chi đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ đảm bảo chất lượng giáo dục trong bối cảnh của cuộc CM 4.0 và yêu cầu đòi hỏi về chất lượng dịch vụ GD, điều kiện học tập ngày càng cao của xã hội.
Ông Khánh cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu dịch vụ giáo dục, đào tạo của xã hội ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng đòi hỏi NSNN không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học... nên rất cần chung tay góp sức của cả xã hội trong đó có các doanh nghiệp, cựu học sinh, sinh viên, phụ huynh học sinh, cộng đồng dân cư...tham gia đóng góp tài trợ cho cơ sở giáo dục nhằm giảm gánh nặng cho NSNN, góp phần nâng cao chất lượng dạy – học và tạo tiền đề để cơ sở giáo dục đào tạo phát triển.
Chưa có cơ chế kiểm soát các nguồn tài trợ
Để đưa hoạt động đầu tư xã hội hóa cho các cơ sở giáo dục công lập vào nề nếp, tạo hành lang pháp lý quản lý, khuyến khích hoạt động đầu tư, năm 2012, Bộ GD&Đt đã ban hành Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10/6/2012 quy định về tài trợ cho các sơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân
Sau 5 năm thực hiện Thông tư số 29 đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Thông tư 29 đã bộc lộ một số tồn tại hạn chế như còn quy định chung chung mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, dẫn đến khó triển khai. Phía các cơ sở giáo dục chưa có kế hoạch vận động tài trợ, xây dựng quy trình tiếp nhận, quản lý, sử dụng tài trợ một cách công khai minh bạch.
Việc tài trợ cho các CSGD này cũng chưa có cơ chế kiểm soát của các bên liên quan, chưa gắn trách nhiệm của thủ trưởng cơ sở giáo dục trong việc vận động, tiếp nhận và quản lý sử dụng nguồn tài trợ, dẫn đến một số đơn vị còn tình trạng lạm dụng hoạt động tài trợ để thu tiền của phụ huynh dưới dạng áp đặt, cào bằng, không công khai minh bạch gây nên bức xúc trong dư luận xã hội.
Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT thay thế Thông tư số 29/2018/TT-BGDĐT để khắc phục những bất cập trên để hoạt động tài trợ đảm bảo đúng mục tiêu, ý nghĩa và việc quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài trợ.
Không cào bằng mức thu tài trợ
Theo đó, Thông tư 16 lần này đã quy định: nguyên tắc, nội dung, hình thức, làm rõ quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ; quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động tài trợ; tránh lợi dụng hoạt động tài trợ để thu tiền của phụ huynh học sinh dưới dạng cào bằng, ép buộc, sử dụng không đúng mục đích, chi sai tiền tài trợ, gây lãng phí, không hiệu quả, làm sai lệch ý nghĩa tích cực của hoạt động tài trợ.
Thông tư đã quy định rõ nguyên tắc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ, trong đó phải đảm bảo công khai minh bạch, tài trợ phải tự nguyện, không được quy định mức thu tối thiểu, không áp đặt và cào bằng mức thu tài trợ.
Ông Trần Tú Khánh – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ GD&ĐT cho biết, cơ sở giáo dục được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung sau: Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục; hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục.
Đặc biệt, quy định không được vận động tài trợ để chi trả các khoản liên quan đến cán bộ giáo viên nhà trường.
Quy định cũng nêu rõ: Quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ theo từng hình thức tài trợ, trong đó đơn vị phải xây dựng kế hoạch vận động tài trợ trình Sở giáo dục và đào tạo, hoặc phòng giáo dục và đào tạo phê duyệt trước khi thực hiện. Nếu phát hiện kế hoạch tài trợ không đúng quy định thì phải yêu cầu dừng ngay việc vận động tài trợ.
Quy định rõ trách nhiệm của, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan như thủ trưởng đơn vị (người đứng đầu), chính quyền địa phương, Sở giáo dục và đào tạo, Phòng giáo dục và đào tạo. Trong đó việc tiếp nhận tài trợ thực hiện thông qua Tổ tiếp nhận tài trợ. Toàn bộ các khoản tài trợ đều phải quản lý công khai, đúng quy định tại cơ sở giáo dục.
Theo thông tư mới, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ đóng vai trò phối hợp, giám sát việc quản lý và sử dụng tài trợ của cơ sở giáo dục; cử đại diện tham gia quá trình tiếp nhận tài trợ, nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng các khoản tài trợ bằng hiện vật hoặc phi vật chất.
Ban đại diện cha mẹ học sinh không trực tiếp đứng ra tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục, đồng thời các khoản tài trợ phải được phản ánh trên sổ sách kế toán của đơn vị.
Công khai minh bạch các khoản thu
Theo ông Trần Tú Khánh, việc quy định rõ ràng nội dung, quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ, tạo ra kênh huy động tài trợ công khai minh bạch, sẽ ngăn chặn tình trạng nhà trường, tổ chức cá nhân lợi dụng hình thức đầu tư xã hội hóa để vận động những nguồn tài chính tài sản không phù hợp, không chính đáng. Đây cũng là căn cứ để xử phạt nếu cá nhân, tổ chức nào vi phạm.
Yêu cầu phải xây dựng kế hoạch vận động tài trợ, kế hoạch phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt và kế hoạch phải cụ thể đến từng khâu của quá trình tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ. Như vậy, việc huy động, tiếp nhận đầu tư sẽ phải được tổ chức một cách có kế hoạch, và đều được công khai minh bạch, có sự giám sát của các cá nhân, tổ chức ngoài nhà trường.
Bên cạnh đó, thông tư cũng yêu cầu phải quản lý các khoản tài trợ tập trung tại cơ sở đào tạo để đảm bảo việc sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm. Các tổ chức, cá nhân khác như Ban đại diện cha mẹ học sinh, Hội học sinh, sinh viên… không được quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục.
"Với các quy định cụ thể trên sẽ chấm dứt tình trạng Ban đại diện cha mẹ học sinh tự đặt ra các khoản thu áp đặt, cào bằng gây bức xúc dư luận như trong thời gian vừa qua" - ông Khánh nhấn mạnh.
Nhật Hồng