Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa:
"Nếu phát hiện giáo viên nhận phong bì, sẽ xử lý nghiêm khắc"
(Dân trí) - “Nếu phát hiện được có tình trạng giáo viên nhận phong bì thông qua nhiều kênh như báo chí, đơn thư phản ánh thì ngành giáo dục sẽ xử lý thật nghiêm khắc. Phải giữ được uy tín của nhà giáo là quan trọng nhất”.
Thưa Thứ trưởng, là người giảng dạy nhiều năm nay lại giữ cương vị lãnh đạo ngành, kỷ niệm ngày 20/11 nào mà Thứ trưởng nhớ nhất?
Câu hỏi này hơi riêng tư nhưng tôi nhận thấy nếu không có riêng thì không có chung. Ngày này không chỉ là ngày hội của nhà giáo mà còn là ngày hội toàn dân dành cho những người gắn bó với sự nghiệp trồng người.
Gắn bó với công việc giảng dạy hơn 20 năm, cứ đến ngày hội này tôi đều trào dâng cảm xúc vinh dự, tự hào, vui mừng phấn khởi vì thấy Đảng, Nhà nước ngày càng quan tâm nhiều đến giáo dục. Đặc biệt gần đây là tất cả nhà giáo đều được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên. Niềm vui như được nhân lên rất nhiều lần.
Vui vì trong nghề dạy học này, mọi người thường nói rằng, đây là nghề cao quý. Vui vì sự trưởng thành của mỗi một học sinh cũng là sự thành đạt của nghề giáo chúng tôi. Thấy xã hội ngày càng tôn vinh nghề trồng người này, chúng tôi càng tự thấy phải làm sao cho xứng đáng với mong muốn của mọi người, nhất là trong xu thế hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và sự cạnh tranh về trí tuệ càng đòi hỏi phải tập trung nâng cao hơn.
Điều Thứ trưởng day dứt nhất hiện nay là gì?
Điều mà tôi day dứt nhất hiện nay là đội ngũ giáo viên quá thiếu. Bên cạnh đó, cường độ lao động lớn, tâm huyết với nghề, nhưng đời sống lại khó khăn. Có một số giáo viên tuổi đã cao nhưng chưa đủ thâm niên để nhận sổ bảo hiểm. Hiện nay, chúng tôi đang trình Bộ để có kiến nghị với Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cho những giáo viên này được đóng bảo hiểm đủ năm.
Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, đây là niềm vui dành cho giáo viên mầm non. Bộ GD-ĐT đang tìm phương án giải quyết để nâng cao chất lượng bậc học này là trang thiết bị của các cháu phải đầy đủ; học sinh dân tộc được dạy tiếng Việt trước khi vào lớp 1; Giáo viên được đào tạo trình độ chuẩn và được hưởng theo ngạch bậc để đảm bảo yên tâm công tác. Đến năm 2015 phấn đấu đạt chuẩn mầm non 5 tuổi, trong đó 95% trẻ trở lên được đến trường, 90% trẻ được học 2 buổi/ngày; đội ngũ giáo viên có thể sống được từ đồng lương.
Bộ cũng tính giao việc thực hiện xuống cấp ủy mỗi địa phương triển khai thực hiện. Ngoải ra, mỗi địa phương cũng nên có chính sách ưu đãi đối với nhà giáo để đảm bảo thầy, cô có thể sống ở mức tối thiểu để có thể sống tâm huyết, yêu nghề.
Thưa Thứ trưởng, thời gian vừa qua các vấn đề như tình trạng lạm thu, học thêm dạy thêm, học sinh đánh nhau, và sự xuống cấp đạo đức của một số nhà giáo… đã gây bức xúc trong dư luận. Với vai trò nhà quản lý giáo dục, bà có ý kiến gì?
Nhà giáo phải là người được cả xã hội tôn vinh, coi trọng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít “con sâu làm rầu nồi canh”. Với một số nhà giáo vi phạm đạo đức mà khiến chúng tôi không khỏi trăn trở. Phải làm sao để mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức, sáng tạo cho học sinh.
Nhiều vụ việc giáo viên đánh học sinh gây bức xúc dư luận, theo tôi, đã là giáo viên phải là người biết kiềm chế các cơn giận dữ, bực tức chứ dùng hình thức đánh học sinh không có tác dụng thậm chí gây phản cảm. Học sinh hư phải dùng cảm hóa. Điều này, chúng tôi vẫn thường xuyên đưa ra rút kinh nghiệm trong tất cả các cuộc họp toàn ngành. Giáo viên phải hạn chế thấp nhất những biểu hiện bộc phát đó. Phải coi đó như những ứng xử hàng ngày. Đừng biến nó thành bản chất của giáo viên.
Hiện nay, Bộ cũng đã ban hành các chuẩn dành cho giáo viên. Tôi cũng hy vọng những điều mà dư luận lên án trong thời gian qua sẽ không còn tái diễn. Bộ cũng đã phối hợp với ngành khác như Hội Phụ nữ để cùng chăm lo đời sống của mỗi giáo viên. Đồng thời sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đạo đức, không thể vì một con sâu mà làm rầu nồi canh được.
Vừa qua, trên báo điện tử Dân trí đã đăng tải nhiều ý kiến của bạn đọc phản ánh về hiện tượng “đi thầy”, “văn hóa phong bì” trong nhà trường trở thành phổ biến, từ mầm non cho đến sau đại học và hiện tượng này bùng nổ vào ngày 20/11. Đa số các ý kiến cho rằng, hiện tượng “đi thầy” là một hành vi tiêu cực, vụ lợi, làm vẩn đục môi trường giáo dục, phá hoại những giá trị tốt đẹp của giáo dục và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác. Thứ trưởng nhận xét về vấn đề này như thế nào?
Bộ vừa có hai cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng trong giáo dục, trong đó Bộ thông báo về những tiến triển tham nhũng trong giáo dục. Có nhiều đại biểu khẳng định, tham nhũng trong giáo dục không lớn nhưng con sâu vẫn có thể làm rầu nồi canh. Tuy nhiên, không phải vì không lớn mà chúng ta không giải quyết triệt để vấn nạn này. Đó là dạy thêm học thêm, tuyển sinh… Bộ đã ban hành chưong trình hành động phòng chống vấn nạn này.
Song, theo tôi, ngày 20/11 vẫn luôn là ngày rất đẹp đối với mỗi người làm thầy vì đây là ngày học sinh tri ân và nhớ tới thầy cô giáo của mình. Các em hãy đến thăm thày giáo bởi tình cảm chân thành.
Tôi từng làm giáo viên chủ nhiệm nhiều năm nên tôi hiểu. Cứ đến ngày 20/11, các thầy cô giáo mong có thật đông học sinh đến chơi và tặng 1 bông hoa như thế là vui lắm rồi vì đó là tình cảm thật. Chứ không có thầy cô giáo nào lại nghĩ đến ngày này lại nhận được nhiều quà hay nhận phong bì của học sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, hiện tượng này không phải là không có, vẫn có nhưng ít.
Tôi cho rằng, giáo viên nào cũng có lòng tự trọng cao. Nếu như ai đưa tiền mà xúc phạm nhân phẩm thì cũng không ai nhận. Chúng ta không nên lấy 1 sự việc cá biệt mà đánh đồng cả xã hội. Đặc biệt, trong cơ chế thị trường hiện nay. Nhìn nhận một cách khách quan, thầy cô giáo ngày nay vẫn giữ được những bản chất tốt đẹp nhất của người thầy.
Nhiều ý kiến cho rằng, tình cảm thầy - trò hiện nay không được “thắm” như xưa bởi nhiều lý do. Tại sao vậy thưa Thứ trưởng?
Tôi cho rằng, quan hệ thầy - trò hiện nay chịu tác động của nền kinh tế thị trường, quan hệ này không chỉ ảnh hưởng riêng đến thày cô giáo mà còn tác động đến mỗi học sinh, phụ huynh.
Có nhiều phụ huynh cho rằng, mình có nhiều tiền là có thể mua được lòng thầy cô giáo. Theo tôi, đây là suy nghĩ sai lầm. Phụ huynh phải nhìn nhận lại, đừng lấy vật chất để làm hỏng thầy cô giáo.
Nếu phát hiện được có tình trạng giáo viên nhận phong bì thông qua nhiều kênh như báo chí hay thư phản ánh thì ngành giáo dục sẽ xử lý thật nghiêm khắc. Phải giữ được uy tín của nhà giáo là quan trọng nhất.
Xin trân trọng cám ơn Thứ trưởng!
Hồng Hạnh (thực hiện)