Nên cho con du học ở tuổi nào?
Nhiều trường hợp cho con đi học quá sớm không những không đạt được hiệu quả như mong muốn mà còn phản tác dụng. Cho con du học sớm không phải là một xu hướng hợp lý.
Bạn bè tôi hầu hết đều cho con đi học nước ngoài từ bậc THPT. Trước khi đi, các cháu đều là những học sinh có năng lực, thế nhưng khi sang nước ngoài, không phải cháu nào cũng có kết quả học tập tốt. Có những cháu kết quả kém vì lý do sức khỏe, có những cháu lại không hòa nhập được với môi trường, có cháu tâm lý bất ổn.
Không vượt qua được cú sốc đầu đời
TPHCM có phong trào cho con đi học tại Singapore, nhưng ở Hà Nội thì phần lớn cho con đi học tại Trung Quốc. Lý do quan trọng của việc chọn Trung Quốc, ngoài về môi trường học tập, chính là khoảng cách về địa lý. Dù đưa đi đâu thì các bậc cha mẹ cũng tính đến khả năng kiểm soát con cái mình. Với khoảng cách khá gần giữa hai nước, các cha mẹ sẽ dễ dàng hơn trong việc đi thăm con, kiểm tra tình hình học tập của cháu cũng như xử lý những tình huống phát sinh trong quá trình học tập xa nhà.
Tuy nhiên, do tự lập quá sớm dễ khiến các em rơi vào tình trạng căng thẳng. Tôi biết một trường hợp rất thương tâm, chỉ vì nghĩ rằng không đáp ứng được kỳ vọng quá cao của bố mẹ, vì không có đủ bản lĩnh sống mà một học sinh giỏi, một đứa con ngoan đã vĩnh viễn xa người thân, gia đình.
Cháu T. là con một gia đình trí thức, bố cháu là giảng viên một trường ĐH lớn ở Hà Nội, ngay từ nhỏ, do thể lực ốm yếu nên T. được bố mẹ rất cưng chiều. Đáp lại sự quan tâm của bố mẹ, cháu cũng luôn là một con ngoan, trò giỏi, năm cuối cấp cháu còn được nhận học bổng đi học ở nước ngoài.
Khi biết tin con mình có học bổng, bố mẹ cháu T. rất mừng nhưng cũng rất lo. Mừng vì con mình có cơ hội học tập ở một nước tiên tiến, nhưng cũng lo vì con thể chất yếu ớt, không biết có thể tự lập được không? Trước khi quyết định cho con đi học, bố mẹ cháu T. dặn dò con rất nhiều, ngay cả khi cháu đã sang bên đấy, hằng ngày gia đình vẫn liên lạc qua đường email, chat.
Biết được sự kỳ vọng của bố mẹ, cháu T. rất chăm chỉ học. Thế nhưng sang năm thứ hai, khi cháu gặp và yêu một bạn trai, sức học sút dần và kết quả là không theo kịp chương trình học. Không dám nói với bố mẹ về việc học hành, cũng giấu gia đình cả chuyện tình yêu, khi bị bạn trai chia tay, T. rơi vào tình trạng hụt hẫng, đau khổ không thiết sống. Không đủ bản lĩnh vượt qua nỗi đau, nhiều lần T. đã ám chỉ với bạn bè về việc tìm đến cái chết và khi bạn bè T. tìm thấy T. thì đã quá muộn. Bố mẹ T. khóc ngất khi nghe tin dữ. Đến tận bây giờ, bố mẹ cháu vẫn rất ân hận vì đã cho con đi học nước ngoài. Cái giá phải trả cho sự kỳ vọng là quá đắt.
Cho đi sớm là tạo áp lực cho con
Tôi biết nhiều gia đình còn cho con đi du học ngay từ những năm cấp hai với hy vọng con mình sớm hòa nhập, học tiếng Anh tốt và giành được học bổng ở những bậc học tiếp theo. Nhưng theo tôi, cho trẻ con đi sớm quá cũng không tốt. Thậm chí là chính bố mẹ đã làm khó cho con, tạo áp lực cho con mình.
Ở tuổi này, kỹ năng sống của các em còn rất non nớt, khả năng tự lập hạn chế, lại đang trong giai đoạn khủng hoảng của sự phát triển nên rất khó để các cháu có thể sống và học tập xa bố mẹ. Tất nhiên, tâm lý mỗi em mỗi khác, có em mạnh dạn, có em nhút nhát, nhưng nhìn chung nếu phải sống trong một môi trường lạ và không hòa nhập được, các em thường hay cô đơn.
Trường hợp có cộng đồng người Việt Nam thì rất tốt cho các em, nhưng nếu không có thì sẽ là một thử thách lớn cho những đứa trẻ. Nhiều trường hợp cho con đi học quá sớm không những không đạt được hiệu quả như mong muốn mà còn phản tác dụng.
Cho con đi du học sớm không phải là một xu hướng hợp lý. Tôi khuyên các bậc cha mẹ nên cân nhắc thật kỹ trước khi đưa con mình vào một môi trường sống và học tập hoàn toàn mới mẻ.
PGS-TS Trần Quốc Thành
(Trưởng Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)
Theo Người lao động