Nể phục 4 gia đình hiếu học xuất sắc đất Tây Đô
(Dân trí) - Nghe 4 gia đình hiếu học “chân lắm, tay bùn” báo cáo “thành tích” về việc “cho con cái chữ” tại Đại hội tuyên dương Gia đình hiếu học mới đây tại Cần Thơ, các đại biểu và các em học sinh không khỏi xúc động và khâm phục sự hy sinh của họ.
Tấm gương gia đình hiếu học (GĐHH) xuất sắc đầu tiên PV Dân trí muốn giới thiệu với độc giả nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là gia đình bà Nguyễn Thị Chọn (sinh năm 1955) ngụ tại ấp Trường Thọ, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Vợ chồng bà Chọn sinh ra và lớn lên trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, chồng chị là anh Lê Thanh Tân - một chiến sĩ của tiểu đoàn Tây Đô, từng tham gia chiến đấu trong chiến dịch tết Mậu Tân 1968 và bị thương nặng nên được Chỉ huy rút về làm công tác hậu cần. Nhưng do vết thương nặng đến năm 2000 anh Tân qua đời, một mình chị Chọn gồng gánh nuôi 6 đứa con trong tuổi ăn, tuổi học.
Bà Chọn xúc động nhớ lại một thời vất vả: “Chồng mất để lại cho tui 1,2 công ruộng khô cằn với lời trăng trối là phải cho các con ăn học đàng hoàng. Từ tâm nguyện của chồng và tui nhận thấy rằng chỉ có con đường học hành thì các con tui mới thoát cảnh “quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” khổ cực. Vì vậy, tui lao vào lao động cực lực, khi thì ôm bờ ruộng, khi thì xuống ghe buôn bán, kể cả bán vé số… để kiếm tiền cho các con đi học”.
Bà Chọn 1 mình nuôi 6 đứa con ăn học thành đạt.
Thời gian cứ trôi qua, đứa lớn Lê Thanh Tuấn - tốt nghiệp cử nhân Hành chính, hiện là phó Ban tuyên giáo huyện ủy Phong Điền. Đứa con kế Lê Tấn Đạt, sau khi tốt nghiệp ngành xã hội học về địa phương công tác và hiện tại là phó Chủ tịch UBND xã Trường Long; Đứa con thứ ba là chị Lê Thị Bích Thuỷ hiện là Trung uý đang công tác tại Ban chỉ huy quân sự huyện Châu Thành (Hậu Giang); Đứa con thứ 4 là chị Lê Thị Bích Thơ, tốt nghiệp ĐH Hành chính và đang là cán bộ văn phòng thuộc UBND huyện Châu Thành (Hậu Giang); Đứa con út là anh Lê Trường Hận, sau khi tốt nghiệp Đại học An Ninh, được ngành đưa về công tác tại Công an quận Cái Răng (TP Cần Thơ), với ngạch Trung uý.
Nhân ngày Gia đình Việt Nam, bà Chọn chia sẻ: “Điều tui vui mừng nhất hiện nay là các con tui không chỉ có công việc ổn định mà là sự cống hiến cho xã hội, cho đất nước. Nếu mỗi gia đình Việt Nam chúng ta cố gắng chăm lo các con ăn học, dạy các cháu biết quý trọng những người đi trước tích cực cống hiến cho đất nước thì dân tộc ta ngày càng phát triển, chẳng thua kém dân tộc nào.”
Gia đình hiếu học tiêu biểu thứ 2 cũng là một hộ “chân lắm tay bùn” ở ấp An Lộc, huyện Cờ Đỏ là hộ ông Trần Cư (sinh năm 1936). Dù ở cái tuổi 77, sức khoẻ giảm sút nhưng ông Cư vẫn nhờ con cháu đưa ông đến tham dự lễ tuyên dương GĐHH, DHHH tại TP Cần Thơ vào ngày 26/8 vừa qua.
Thời gian đầu, vợ chồng ông Cư chỉ có nghề bắt ốc, giăng câu... nhưng đã nuôi 5 đứa con đều tốt nghiệp ĐH.
Chia sẻ với PV Dân trí, ông Cư nói: “Tui không được học hành, không đất đai canh tác, quanh năm vợ chồng tui chỉ biết giăng câu, bắt ốc, làm thuê,… kiến tiền mua sách vở cho các con đi học. Tuy nhiên, ở vùng sâu, xùng xa như địa phương tui, nhìn lại cảnh băng đồng, lội sông của các con tui thời đó bám con chữ, đôi lúc mình cũng cảm thấy thán phục các con. Bởi vậy thành tích của các con tui hôm nay cũng là công sức của chúng nó, tui mong chúng nó tiếp tục cống hiến cho xã hội, cho đất nước.”
Ông Trần Cư có hết thảy 5 đứa con, đứa nào cũng tốt nghiệp đại học và đang có việc làm ổn định tại các cơ quan trên địa bàn TP Cần Thơ. Với thành tích tay trắng nuôi 5 đứa con tốt nghiệp ĐH gia đình ông Cư được Thành hội tuyên dương là 1 trong 5 GĐHH xuất sắc tại ĐH lần thứ 3, nhiệm kỳ 2012 - 2018.
Như gia đình ông Nguyễn Văn Quang (1944) cũng là một tấm gương điển hình về tấm gương “bám cái cày, con trâu” nuôi con ăn học đến nơi đến chốn ở phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ). Ngày ra riêng, vợ chồng ông Quang có hơn 5 công đất ruộng trồng lúa nhưng trong gia đình có đến 4 miệng ăn và dần về sau hai vợ chồng ông vất vả nuôi các con, vì thế cuộc sống rất khó khăn, luôn rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau.
Gia đình Ông Quang cũng là tấm gương sáng trong việc bám "cáy cày, con trâu" nhưng vẫn lo cho 6 đứa con ăn học thành tài.
“Nhờ “đồng vợ đồng chồng” nên vợ chồng tui mới vượt qua giai đoạn khó khăn, đặc biệt là trong các khoản chi thu vợ chồng bàn bạc rất kỹ, cái nào cần thiết mới chi xài. Nhờ vậy vợ chồng tui mới có đủ tiền nuôi 6 đứa con ăn học và đều tốt nghiệp ĐH, vợ chồng tôi rất vui vì chúng nó thoát cảnh “cáy cày, con trâu”, có cơ hội làm việc trong các cơ quan nhà nước, công ty lớn” - ông Quang chia sẻ.
Riêng gia đình ông Nguyễn Văn Dần (SN 1948) ngụ khu vực Long Định, phường Long Hưng, quận Ô Môn không chỉ được Đại hội biểu dương vì thành tích nuôi 4 đứa con ăn học thành tài, có công ăn việc làm ổn định thì việc ông Dần hiến hơn 500m2 đất cho địa phương xây dựng Trường THCS Thới Long và đang cưu mang 10 học sinh (Trường tiểu học Nguyễn Hiền) học đến hết cấp ba là một tấm gương đáng quý tại Đại hội năm nay.
Riêng ông Dần, ngoài việc các con ăn học đến nơi đến chốn, thời gian qua ông đã hiến trên 500m2 đất xây dựng trường học và hiện hai vợ chồng ông cưu mang 10 em học sinh nghèo ăn học đến hết cấp ba.
Ông Thạch Thành Thâu - phó Chủ tịch Hội Khuyến học TP Cần Thơ chia sẻ: “Cái được của một nhà có ăn có học, một ấp, một khu vực học tập... là gia đình hạnh phúc, địa phương bình yên, tệ nạn xã hội bị đẩy lùi. Chính vì vậy, công tác khuyến học, khuyến tài không chỉ là trách nhiệm của Hội Khuyến học mà của nhiều cơ quan ban ngành đoàn thể. Có như vậy mình mới sớm xây dựng được một xã hội học tập, trình độ dân trí người dân tăng lên góp phần phát triển đất nước bền vững dựa trên nền tảng của trí thức và đạo đức của một con người được giáo dục toàn diện.”
Nhìn chung trong 140 GĐHH xuất sắc đại diện cho 122.117 gia đình hiếu học tiêu biểu trên địa bàn TP Cần Thơ đa phần là những gia đình nông thôn, đông con, ít đất… nhưng vì họ nhận ra “Văn hoá là chìa khoá mở cửa tương lai” nên dù vất vả thế nào, các đấng sinh thành vẫn kiên trì cho các con ăn học đang đàng, nhờ đó, tại ĐH lần này, Thành Hội nhận ra, trong các GĐHH, DHHH xuất hiện 1,2 tiến sĩ đã phổ biến và tại những ấp vùng sâu của huyện Vĩnh Thạnh đã có “ấp cử nhân” khi số sinh viên cứ tăng dần.
Nguyễn Hành