Theo quy định, giảng viên mỗi năm phải đảm bảo 900 giờ giảng dạy, 500 giờ NCKH. NCKH là một tiêu chí đánh giá lao động giảng viên. Thế nhưng, nhiều trường ĐH, CĐ với quy mô hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn SV suốt một năm không có đề tài NCKH nào.
Giảng viên và công trình nghiên cứu khoa học chế tạo thiết bị Test chip và IC của mình. Đây là một trong số khá ít sản phẩm từ nghiên cứu khoa học của giảng viên Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn. (Ảnh: Như Hùng)
“Trả nợ” bằng giờ dạy
Theo thống kê, Trường ĐH Hồng Bàng có 32 PGS, GS, 31 tiến sĩ và 62 thạc sĩ nhưng trong năm học vừa qua, trường này chỉ có sáu công trình NCKH cấp cơ sở (cấp trường), không có công trình cấp thành phố hay nhà nước. Tương tự, Trường ĐH Văn Lang có 9 GS, PGS, 30 tiến sĩ và 151 thạc sĩ nhưng chỉ có một công trình NCKH cấp thành phố. Khá hơn một ít, Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM có hai đề tài cấp bộ, ba đề tài cấp thành phố và 30 đề tài cấp cơ sở. Lực lượng giảng viên của trường này khá hùng hậu khi có 21 GS, PGS, 75 tiến sĩ và 178 thạc sĩ. Trường ĐH Tài chính marketing cũng chỉ có một đề tài cấp thành phố và 14 đề tài cấp cơ sở, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có ba công trình cấp bộ và 64 công trình cấp cơ sở, ĐH Công nghệ Sài Gòn có bốn công trình cấp cơ sở và một công trình cấp thành phố...
TS Phạm Thị Ly (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết do tỉ lệ sinh viên/giảng viên quá cao nên nhiều giảng viên phải chạy sô giảng dạy (có giảng viên dạy 2.000 giờ/năm), không còn thời gian nghiên cứu. Điều bất hợp lý tại VN đó là khoảng 2/3 người có học hàm học vị cao lại chủ yếu làm công tác quản lý chứ không tham gia trực tiếp việc giảng dạy, nghiên cứu. Hơn nữa, kinh phí NCKH được cấp không theo những tiêu chí rõ ràng minh bạch, năng lực nghiên cứu của giảng viên và nghiên cứu viên còn hạn chế, lương bổng thấp... cũng khiến giảng viên không mặn mà nghiên cứu.
Tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, giảng viên được chia làm ba nhóm: giảng viên chuyên giảng dạy (không NCKH), giảng viên nghiên cứu (vừa dạy vừa nghiên cứu) và nghiên cứu viên (chỉ chuyên nghiên cứu). Theo bà Trịnh Minh Huyền - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, việc làm này nhằm tránh thầy cô NCKH theo kiểu đối phó như trước đây cũng như góp phần nâng cao chất lượng công trình nghiên cứu theo chuẩn quốc tế. Và để tránh tình trạng nghiên cứu đối phó, năm nay trường đã bỏ thực hiện nghiên cứu cấp cơ sở. Mặc dù trường có nhiều công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước nhưng rõ ràng đó chỉ là công trình của một bộ phận giảng viên nhất định. |
GS.TS Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, dẫn ra những khó khăn vướng mắc đối với công tác NCKH ở các trường ĐH hiện nay: “Thực tế nhiều trường không đảm bảo đủ cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm cho giảng viên làm nghiên cứu. Một bộ phận giảng viên chưa đủ kiến thức cũng như thiếu ngoại ngữ để nghiên cứu. Giảng viên bây giờ cũng rất bận rộn giảng dạy, ngày càng xa rời thực tế các xí nghiệp, công ty, không biết xí nghiệp đang cần gì”.
Một giảng viên Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM cho biết trường có quy định giờ dạy và giờ NCKH đối với giảng viên, nhưng giảng viên không nghiên cứu mà “trả nợ” bằng giờ dạy. Theo giảng viên này, kinh phí cấp cho việc nghiên cứu rất ít ỏi, thù lao ít trong khi thời gian nghiên cứu một đề tài lại khá dài và tốn nhiều công sức. Do đó giảng viên chấp nhận bị hạ một bậc thi đua ở trường nhưng có thời gian dạy thêm, thu nhập sẽ cao hơn NCKH. Bản thân ông đăng ký viết giáo trình từ đầu năm đến nay vẫn chưa được trường duyệt.
Trong khi đó, một giảng viên kinh tế đang “chạy sô” ở hai trường CĐ tư thục không mấy áy náy khi cho biết anh chỉ đến dạy, hưởng lương theo giờ dạy, chưa bao giờ được yêu cầu hay bắt buộc phải có tham gia nghiên cứu. Ở trường tư, đội ngũ giảng dạy cơ hữu còn chưa đủ nói gì đến công trình NCKH!
NCKH kiểu... đối phó
Việc áp dụng chế độ làm việc của giảng viên theo quy định của Bộ GD-ĐT, theo nhiều trường là bất khả thi, gắng gượng thì lại làm theo kiểu đối phó. GS.TS Đỗ Văn Dũng nói: “Ai cũng biết NCKH phải song hành với giảng dạy nhưng các quy định hiện nay chúng ta đang tự làm khó mình. Do bắt buộc phải có NCKH mới được tính thi đua, không nghiên cứu bị trừ tiền... dẫn đến việc NCKH nhiều nơi làm không thực chất. Muốn làm tốt và thực chất những việc này phải dài hơi chứ không phải làm theo quy định là phong trào vọt lên liền”.
Hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập tại TP.HCM nhìn nhận: đúng là số lượng công trình NCKH của trường còn quá ít so với đội ngũ hiện có. Tuy vậy ông này cho rằng đặc thù trường ĐH ngoài công lập khác với trường công lập, đội ngũ đang trong quá trình xây dựng và chủ yếu đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Trường chủ trương chỉ cấp kinh phí cho các công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao vì kinh phí hạn hẹp. Và trong bối cảnh như vậy, ông này thẳng thắn: đành rằng có quy định thời gian nghiên cứu, giảng dạy đối với giảng viên nhưng những người có học hàm học vị, có kinh nghiệm giảng dạy thì tội gì trường không quy đổi giờ nghiên cứu thành giờ giảng dạy.
Lý giải về số lượng công trình NCKH của trường quá ít, ông Trịnh Hữu Chung - trợ lý hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Bàng - cho rằng trường chỉ tập trung cho hoạt động NCKH của sinh viên, kinh phí nghiên cứu cũng tập trung cho đối tượng này. Đối với giảng viên, trường khuyến khích thầy cô nghiên cứu. Tuy nhiên việc nghiên cứu của giảng viên cũng gặp nhiều khó khăn do tập trung chuyên môn quản lý, giảng dạy quá nhiều, một số thầy cô khá lớn tuổi nên cũng khó khăn trong việc NCKH.
Theo Minh Giảng - Phúc Điền
Tuổi Trẻ